Theo đánh giá, trong giai đoạn 2011-2015, công tác lý lịch tư pháp (LLTP) được triển khai khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu LLTP đã bước đầu được hình thành. Thủ tục cấp Phiếu LLTP được cải cách mạnh mẽ với việc áp dụng phương thức mới trong việc nhận hồ sơ yêu cầu, trả kết quả cấp Phiếu LLTP thông qua mô hình “Kiềng 3 chân”(Trung tâm - Cục C53 - Sở Tư pháp) tại Trung tâm LLTP quốc gia và 22 Sở Tư pháp đã mang lại hiệu quả tích cực, cơ bản tháo gỡ được “điểm nghẽn” về thời hạn cấp Phiếu, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Qua đó, đã thử nghiệm tra cứu được hơn 33.000 yêu cầu cấp Phiếu. Bộ Tư pháp cùng các địa phương đã phối hợp, thực hiện chuyển gần 30.000 thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử. Số Phiếu LLTP được cấp tăng hàng năm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Năm 2015, các Sở Tư pháp đã cấp được 301.658 Phiếu LLTP (tăng 1.550 Phiếu so với năm 2014); Bộ Tư pháp cấp 166 Phiếu LLTP cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam (trong đó có 40 trường hợp yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính), tăng 37 trường hợp so với năm 2014.
Đáng chú ý, để thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến”, Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phối hợp thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp Phiếu LLTP.
Tính đến nay, đã có 15/63 Sở Tư pháp thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính; 50/63 Bưu điện tỉnh, thành phố ký kết hợp đồng với Sở Tư pháp để triển khai thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả cấp Phiếu LLTP; 32/63 Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 09/3/2015 về tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác LLTP, Bộ Tư pháp đang triển khai việc tổng kết 05 năm thi hành Luật LLTP và 04 năm thi hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, làm cơ sở cho việc xây dựng Dự án Luật LLTP (sửa đổi) trong thời gian tới.
Tuy nhiên, công tác LLTP cũng còn hạn chế như: một số quy định pháp luật trong lĩnh vực LLTP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như vấn đề tổ chức cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, vấn đề cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân, thời hạn cấp Phiếu LLTP... Số lượng thông tin LLTP chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu còn tồn đọng khá lớn.
Vẫn còn tình trạng sai sót trong quá trình cập nhật, xử lý thông tin LLTP dẫn đến phải đính chính, bổ sung. Việc xây dựng, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau chưa được thực hiện. Việc chậm cấp Phiếu LLTP vẫn còn. Việc đăng ký tài sản còn cắt khúc, chưa có sự liên thông.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, năm 2016 ngành Tư pháp xác định sẽ tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có công tác LLTP theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần kiến tạo nền hành chính phục vụ người dân.