Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết, dân số của quốc gia này sẽ đạt mức 1,39 tỷ người vào cuối năm 2015, trong đó khoảng 700 triệu người là cư dân thành thị. Theo lời một quan chức Ủy ban này, trong 5 năm tới, khi người dân ở nông thôn rời quê nhà ra thành thị kiếm sống tại các trung tâm công nghiệp, dân số Trung Quốc sẽ có những biến động lớn khi vượt qua con số 1,39 tỷ. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Trung Quốc khiến dân số ở thành phố chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong dân số toàn quốc.
Dân số Trung Quốc sẽ đạt mức 1,39 tỷ người vào cuối năm 2015. |
Tính đến cuối năm 2008, dân số Trung Quốc là 1,32 tỷ người, gấp 2,5 lần so với năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Để hạn chế tốc độ gia tăng dân số, từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Từ năm 1978-2008, dân số nước này tăng không quá 40% so với mức tăng gấp đôi trong giai đoạn 1949-1978. Năm 2009, Trung Quốc có 606,6 triệu người dân thành phố, chiếm 46,7% dân số toàn quốc. Ước tính vào năm 2012, tỷ lệ này sẽ đạt mức 50%.
Tới năm 2015, nước này sẽ có khoảng 700 triệu cư dân thành thị và là lần đầu tiên tỷ lệ cư dân thành thị vượt cư dân nông thôn. Cũng trong thời gian 5 năm tới, lần đầu tiên, Trung Quốc sẽ chứng kiến sự bùng nổ dân số già với trung bình 8 triệu người bước sang tuổi 60 mỗi năm, tăng so với mức trung bình 4,8 triệu người trong giai đoạn 2006-2010. Vào năm 2015, Trung Quốc sẽ có 200 triệu người trên 60 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 59, sẽ chạm đỉnh và sau đó bắt đầu giảm.
Người dân nông thôn đổ về các thành phố lớn đang làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. |
Đặc biệt, tỉnh Hà Nam được coi là tỉnh có dân số đông nhất Trung Quốc, sẽ vượt ngưỡng 100 triệu dân vào cuối tháng này, nhiều gấp ba lần dân số Canada, trong khi diện tích chỉ bằng 1/60 của quốc gia này. Nằm ở khu vực miền Trung, tỉnh Hà Nam chủ yếu làm nông và kém phát triển hơn so với một số tỉnh, thành khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Nam được coi là nguồn lao động dồi dào tỏa đi nhiều nơi ở Trung Quốc.
Trong quãng thời gian từ những năm 1950-1990, dân số Hà Nam tăng từ 40 triệu lên 90 triệu người. Trong vòng hai thập kỷ qua, dân số Hà Nam tăng chậm nhờ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Nếu không có chính sách này, dân số Hà Nam giờ đây sẽ có thêm 33 triệu người và mức 100 triệu đã “cán đích” cách đây 13 năm. Chính quyền tỉnh phấn đấu “kìm” dân số ở mức dưới 107 triệu người vào năm 2020.
Với tốc độ tăng dân số như trên, Trung Quốc cho biết, họ đang bận rộn tuyển mộ tới 6,5 triệu người để tiến hành cuộc thống kê dân số toàn quốc mỗi thập kỷ một lần, bắt đầu từ 1-11. Trước đây, các cuộc thống kê dân số như vậy phần lớn được chịu trách nhiệm bởi giới chức chính quyền địa phương. Nhưng lần này, gánh nặng sẽ được san sẻ. Trong khoảng 1 đến 2 tháng, mỗi người thu thập thông tin của 250-300 cư dân địa phương trong khu vực họ khảo sát. Để bảo đảm chất lượng công việc, nhóm nhân viên khổng lồ 6,5 triệu người này sẽ được trả lương hợp lý và vì thế, chi phí cho cuộc thống kê dân số lần thứ sáu của Trung Quốc sẽ tăng hơn so với những lần trước.
Cuộc thống kê này ước tính sẽ tốn kém từ 8-10 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,2-1,5 tỷ USD). Chi phí đó chưa bao gồm những khoản trợ cấp cho đội ngũ thống kê đến tận nhà để thực hiện các cuộc khảo sát trực tiếp. Năm nay, lần đầu tiên thống kê dân số sẽ tính cả số người từ các khu hành chính đặc biệt Hongkong và Macau, vùng lãnh thổ Đài Loan và người nước ngoài sống tại Trung Quốc.
GIA HUY