Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp. Trong đó có nhiều điểm mới đó là bỏ thi cụm, chấm chéo và bỏ thanh tra ủy quyền. Đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn cho biết nguồn cơn của chủ trương mới này...
Bình thường hoá kỳ thi
Thưa ông, tại sao kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012 này Bộ GD&ĐT lại chủ trương giao quyền tự chủ cho địa phương?
- Đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông chúng tôi trăn trở cũng đã lâu, không phải là chuyện mới nghĩ ra ngày hôm qua hay hôm nay. Trăn trở bắt đầu từ đâu? Chúng tôi phải xem xét đánh giá toàn bộ những đổi mới của những năm vừa qua, những cái đạt được và chưa đạt đựơc. Đặc biệt là những thành tựu của cuộc vận động “hai không”. Tháng 7 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức tổng kết cuộc vận động “hai không” và đánh giá những thành tựu của cuộc vận động này. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những mặt hạn chế. Những thành tựu mình đạt được thì cố gắng phát huy. Còn những hạn chế sẽ tiếp tục hoàn thiện.
Xuất phát thứ hai là từ thực tiễn. Suốt thời gian qua, trong công tác chỉ đạo của Bộ như thế nào? Ngoài viêc lấy ý kiến của người học, phụ huynh, giáo viên, nhà trường, chúng tôi cũng lên diễn đàn trao đổi rất thẳng thắng về vấn đề này. Thứ ba là xem xét lộ trình đổi mới, lộ trình thay đổi quản lý giáo dục, trong đó có Nghị định 115 về phân cấp quản lý cho các địa phương. Trên những cơ sở này, chúng tôi mới đưa ra được một số điểm mới thay đổi điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp 2012.
Chủ trương lớn nhất của việc đổi mới này là tăng cường công tác chỉ đạo quản lý thi, tăng cường phân cấp cho các địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu ngành giáo dục. Chúng tôi cho rằng, việc đổi mới kỳ thi không chỉ là việc phân cấp, phân quyền mà là tiến tới một kỳ thi bình thường hoá. Hiện nay, thi cử lúc nào cũng như ra trận.
Nhà nước giám sát, xã hội kiểm tra, các lực lượng khác cũng tham gia, kỳ thi sẽ trở thành bình thường. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn. Nhưng kỳ thi nhẹ nhàng hơn không có nghĩa là không nghiêm túc. Chúng tôi cũng cho rằng, vịêc đổi mới thi cử phải gắn liền với đổi mới toàn diện, đổi mới chương trình, SGK, kiểm định. Trong năm 2012 có một số vấn đề có thể làm được ngay.
Việc bỏ chấm chéo, thi cụm đựơc dư luận rất hoan nghênh, nhưng dư luận cũng rất quan tâm đến việc Bộ giám sát như thế nào?
- Trước hết, việc đổi mới này là gắn với tăng cường trách nhiệm của các sở. Đổi mới năm nay vẫn diễn ra theo đúng cơ chế. Đối với những sự việc xẩy ra, chúng ta phải quy được trách nhiệm là của ai. Tốt hay không cũng phải có người chịu trách nhiệm. Những gì lãng phí không cần thiết cũng cần được thay đổi.
Tôi lấy ví dụ như thanh tra ủy quyền. Nếu nhìn thẳng vào sự thật, thanh tra ủy quyền là các thầy các cô ở các trường ĐH. Nhưng họ có nắm chắc quy chế không? Năm nay, chúng tôi không huy động thanh tra uỷ quyền nhưng các sở có thể huy động thanh tra uỷ quyền từ các trường ĐH tại địa phương mình. Nói như thế không có nghĩa là bỏ các đoàn thanh tra của Bộ mà vẫn có các đoàn thanh tra lưu động, đoàn thanh tra của trung ương. Thanh tra về chấm thi, hậu kiểm chúng tôi cũng sẽ tăng cường.
Năm nay cũng có các lực lượng xã hội giám sát kỳ thi. Điều quan trọng nhất trong thi cử là phải chỉ rõ được ai là người chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu. Những công cụ mình đưa ra từ trước đến nay là giám sát nhà nước. Vấn đề là các công cụ ấy phát huy như thế nào. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, không bao che và điểm mặt chỉ tên tỉnh nào vi phạm.
Không thể bỏ kỳ thi vì tâm lý “có thi thì mới học”
Trước kỳ thi tốt nghiệp, trong 12 năm học, học sinh có nhiều đợt kiểm tra. Nhiều người cho rằng, nếu làm tốt từ những đợt kiểm tra này thì không nhất thiết phải thi tốt nghiệp?
- Trong lộ trình đổi mới, có đổi mới thi, kiểm tra đánh giá. Mọi cái phải đồng bộ, nhưng đây là cả quá trình đổi mới. Học thật, dạy thật thì sẽ có chất lượng thật. Hướng đổi mới toàn diện là tiến tới sự đồng bộ này. Còn việc bỏ kỳ thi thì có lẽ chưa ổn. Bởi tâm lý của chúng ta là có thi thì mới học.
Trước khi có cuộc vận động “hai không”, chúng ta đã giao quyền tự chủ thi tốt nghiệp cho các sở GD&ĐT. Năm nay, vấn đề này lại được đặt ra. Bộ có lường trước được kịch bản sẽ lặp lại như trước năm 2006 không? Giải pháp của Bộ GD&ĐT cho vấn đề này là như thế nào?
- Đây là một câu hỏi khó. Thực ra, đây là một trong những mấu chốt của vấn đề mà chúng tôi trăn trở. Nhưng phải nói rằng, từ thực tiễn cuộc sống và xu thế phát triển đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của mọi người đã khác cách đây mấy năm. Năng lực của mình, tầm nhìn của mình cũng khác. Năng lực lãnh đạo của các địa phương, giám sát của xã hội, của người học cũng khác. Nhất là trong năm học 2010-2011, đã có sự tham gia giám sát của xã hội. Không chỉ mình Bộ đứng lên mà nhiều tổ chức cùng tham gia giám sát kỳ thi này. Giao cho các Sở nhưng Bộ vẫn giám sát. Bộ giao cho các Sở các khâu tổ chức kỳ thi nhưng đề vẫn do Bộ ra. Bộ xây dựng quy chế, Bộ kiểm tra, giám sát.
Để hạn chế tiêu cực trong kỳ thi, đề thi năm nay có gì đổi mới hơn không, thưa ông?Và có ý kiến cho rằng mỗi phòng thi nên có một camera giám sát?
- Năm vừa qua, đề thi có nhiều đổi mới. Như áp dụng ma trận đề, áp dụng phương pháp khoa học trong ra đề, có phân tích đánh giá đề thi. Nhưng tôi nghĩ thế này, nếu đặt câu chuyện nghi ngờ ai thì mình sẽ không làm được việc gì. Tôi giao cho giám thị, tôi lại sợ giám thị vi phạm quy chế thì có lẽ không ổn. Tin thì mới giao, còn không tin thì không giao. Ngày xưa khi còn ở trường, trường tôi cũng lắp camera. Nhưng nói thật, nó gây ra một tâm lý cho cả người học và người coi thi. Và mình liệu có đủ camera để lắp tất cả các phòng. Tôi kể câu chuyện này để có thể thấy không phải lúc nào thầy cô cũng muốn trường mình đỗ 100%. Các thầy cô nói với tôi một câu đến giờ tôi vẫn nhớ, đại ý là thực ra trường chúng tôi chỉ muốn tốt nghiệp 80% theo đúng đánh giá, vì có trượt thì nói học sinh mới dễ, các em mới học.
Xin cảm ơn ông!
Uyên Na (thực hiện)