Rủi ro lớn nhất của nền kinh tế VN là tỉ giá hối đoái biến động nhưng sẽ được điều chỉnh hợp lý vào năm 2011. “Dù nền kinh tế VN hiện còn một số yếu tố rủi ro nhất định nhưng với những chuyển biến hợp lý và kế hoạch giải quyết khó khăn về kinh tế vĩ mô quyết liệt của Chính phủ, tôi rất lạc quan và tin vào kinh tế VN năm 2011”. TS Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định như vậy tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2011 - Từ vĩ mô đến ngành và thị trường chứng khoán” do Quỹ Đầu tư An Phúc và Cổng Thông tin tài chính Vietstock tổ chức sáng 18-12 ở TPHCM. Đẩy lùi rào cản Nhìn nhận một năm qua, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng VN đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có trong nền kinh tế. Trong đó, dễ thấy nhất là đồng tiền VN liên tục giảm giá so với USD, trong khi hầu hết các nước trên thế giới thì ngược lại. Chưa kể, tại những ngân hàng thương mại, các chỉ số tín dụng “lộn tùng phèo”, không biết đâu là dòng tiền ngắn hạn, đâu là dài hạn. Lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn lại cao hơn dài hạn. Tỉ giá hối đoái giữa thị trường niêm yết và thị trường tự do chênh lệch cao, đến 10%. Tuy nhiên, TS Nghĩa cho rằng những yếu tố này xuất phát từ điều hành chính sách chứ không phải ở bản thân thị trường. Ông cho biết Chính phủ sẽ thành lập ban chỉ đạo điều hành và xử lý các vấn đề vĩ mô nêu trên để năm 2011 nền kinh tế VN ổn định hơn.
Dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán nếu kinh tế vĩ mô của VN ổn định hơn trong năm tới. Ảnh: Tấn Thạnh |
Vấn đề khó khăn nhất là tỉ giá hối đoái sẽ được chú trọng. Ông Nghĩa cho biết nếu tăng lãi suất trong giai đoạn này để ổn định tỉ giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì lãi suất thực dương hiện đã đến 5%. Vì vậy, cơ quan tư vấn chính sách phải áp dụng mô hình ổn định tỉ giá vừa duy trì lãi suất cao vừa phải dùng biện pháp can thiệp bằng bán ngoại tệ. Sau đó, khi tỉ giá ổn định, sẽ thực hiện giảm dần lãi suất, có thể sẽ lùi về 12% trong quý I/2011 và 10% trong quý III/2011.
Lãi suất khó đồng thuận
Đối với vấn đề lãi suất ngân hàng đang căng thẳng, đồng thuận nhưng lại vượt rào, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước không tăng cung tiền mà chỉ dùng biện pháp hành chính thì sẽ không hiệu quả. Bởi thế giới “nhốt” tiền tại ngân hàng trung ương, còn ở VN, tiền được “nhốt” ở ngân hàng thương mại. Khi đó, các ngân hàng thương mại “ôm” tiền trong tay nên phải tìm cách làm cho nó sinh lời; khi lãi suất ở các nơi khác hấp dẫn thì ngân hàng lớn, có lợi thế về vốn sẽ chuyển kênh, ngân hàng nhỏ bị lệ thuộc. Khi không vay được của ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ buộc phải chạy đua huy động lãi suất. Cuộc chạy đua này tạo ra những biến tướng của các tổ chức tín dụng. Đó là kỳ hạn ngắn, dài không rõ ràng, tạo cơ chế không minh bạch khiến bộ phận giám sát tài chính cũng gặp khó khăn. “Chúng ta cần chính sách không xung đột lợi ích. Đó cũng là một “kỹ nghệ” làm ngân hàng. Những vấn đề này sẽ được hạn chế khi Luật Tín dụng mới sẽ áp dụng trong năm 2011”- TS Nghĩa nhận định. |
Bên cạnh đó, theo TS Nghĩa, nhiều khả năng Chính phủ sẽ cho mở lại sàn vàng lớn ở Hà Nội và TPHCM, giao cho một đơn vị quản lý để tạo thanh khoản và ổn định thị trường vàng. Hút được vốn vào chứng khoán Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán nếu kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong năm tới. Ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán SME, cho rằng khi vấn đề ổn định tỉ giá được giải quyết tốt, không còn cơ chế hai giá như hiện nay thì sẽ thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, theo ông Long, năm 2010, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã phát hành cổ phiếu, thu hút vốn về rất nhiều. Dòng tiền này chắc chắn sẽ quay trở lại thị trường khi nền kinh tế ổn định hơn. TS Lê Xuân Nghĩa nhận xét chỉ số P/E, P/P của VN đang được đánh giá là rất rẻ nên có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài. Không quá lạc quan vào thị trường chứng khoán VN năm 2011 nhưng đem thị trường chứng khoán Mỹ thời gian qua ra phân tích, thạc sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính-Khoa Tài chính doanh nghiệp – Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng xác suất tăng điểm mạnh vào khoảng tháng 4 đến tháng 6-2011 là rất lớn. Các lý do chính để đưa ra nhận định này là chứng khoán Mỹ nhiều khả năng tăng điểm vào nửa đầu năm 2011; vào thời điểm vừa nêu, áp lực lãi suất, lạm phát chưa lớn. Thống kê cho thấy 10 năm qua, các tháng 3, 4 và 12 là những tháng có tỉ suất sinh lời cao nhất và tăng điểm nhiều nhất trong năm. Theo Người lao động online