Đánh giá tình hình du lịch thế giới năm 2010 và triển vọng năm 2011, Cơ quan du lịch Liên hợp quốc (UNWTO) có trụ sở ở Tây Ban Nha cho biết du lịch năm 2010 chưa thể khởi sắc và năm 2011 vẫn còn ảm đạm.
UNWTO cho rằng những nhân tố như kinh tế suy thoái, thất nghiệp tăng lên, tiền lương giảm sút, vật giá leo thang, tỉ giá thay đổi, thiên tai, dịch bệnh, hoạt động khủng bố... đã làm cho bài toán du lịch các nước trở nên nan giải.
Theo “Thời báo kinh tế” (Anh), thu nhập bình quân đầu người thế giới 2009 giảm 3,7%, trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp ở các thị trường du lịch lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đều leo cao. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 10%, thu nhập thực tế của các hộ gia đình Mỹ năm 2008 sụt giảm tới 10.900 tỉ USD, tức giảm 17,4% so với năm 2007. Tỉ lệ thất nghiệp của 16 nước EU năm 2009 cũng tới 9%, bình quân của 27 nước là 8,6%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tổng Thư ký UNWTO Tabeb Farid cho biết trong năm 2009, dịch cúm A H1N1 đã lan tràn tới 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến khách du lịch không dám đến nhiều nước. Dịch bệnh này làm ngành du lịch giảm 25%-30%, tổn thất tới 2.200 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với nạn dịch SARS trước đây. Tiếp đó năm 2010 thiên tai bão tố, lũ lụt, cháy rừng, núi lửa hoạt động cũng đã làm du lịch thất thu . Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cho biết thua lỗ năm 2009 của ngành tới 9 tỉ USD, tăng gấp hai lần con số 4,7 tỉ USD dự kiến, trong đó lượng du khách giảm 8%. Năm 2010, lượng du khách có tăng lên, nhưng tăng không đáng kể. Những thành phố vốn hấp dẫn du khách như New York , Chicago (Mỹ), Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), Sydney (Australia), Berlin (Đức), Hong Kong (Trung Quốc), Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp) cũng vứng du khách trong năm qua . Hong Kong là “hòn ngọc của Á Đông”, nhưng năm 2009 lượng du khách tới thăm đã sụt giảm nghiêm trọng, tỉ lệ sử dụng phòng giảm 79%, thu nhập giảm tới 21,6%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thế giới Jean Claude Baumgarten cho biết hai tháng đầu năm 2010, ngành du lịch bắt đầu tăng trưởng tới 7% nhưng sau đó lại giảm xuống do tình hình phục hồi kinh tế chung toàn cầu vẫn bấp bênh. Tính tới giữa năm 2010 du lịch thế giới chỉ tăng 3,1%, so với trước khi xảy ra khủng hoảng.
Ông Baumgarten cho biết Trung Quốc vẫn là nước có thu nhập cao so với một số nước khác và tỉ lệ người Trung Quốc đi du lịch cao hơn nhiều nước kể cả những nước có thu nhập bình quân GDP đầu người cao hơn Trung Quốc. Ngành du lịch phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới, nhưng hiện nay nhiều nước ở châu Âu đang lâm vào khủng hoảng nợ, tỉ lệ thất nghiệp cao, tiền lương giảm sút, thiên tai dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra nghiêm trọng. Bởi vậy, theo ông, năm 2011 tình hình du lịch thế giới không mấy sáng sủa, lạc quan.
Hiện nay ngành du lịch các nước đang tích cực đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá và đưa ra nhiều gói du lịch rất hấp dẫn và cạnh tranh. Nhưng nhìn chung, bài toán du lịch năm 2011 vẫn nan giải và du lịch thế giới chưa thể trở lại sôi động như trước.
Nguồn: Tạp chí Du lịch