Hôm nay (10/3), Nhà Trắng đã phủ nhận ý định trả tự do cho Jonathan Pollard, bất chấp việc Tổng thống Israel Shimon Peres gửi thư cho người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama yêu cầu Mỹ trả tự do cho điệp viên Israel này. “Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi” trong vụ việc này, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Tommy Vietor tuyên bố.
Điệp viên Jonathan Pollard. |
Các phương tiện thông tin đại chúng Israel vừa đưa tin Tổng thống Peres đã gửi đặc một bức thư cho ông Obama biện hộ cho vụ kiện của Pollard. Hôm 8/4, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu cũng một lần nữa yêu cầu Mỹ trả tự do cho điệp viên Do Thái gốc Mỹ này. Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng Israel đã thông báo việc nhập viện khẩn cấp của điệp viên Pollard, 57 tuổi, ở gần nhà tù giam giữ ông này tại Bắc Carolina.
Hồi tháng 1/2011, Nhà Trắng nhấn mạnh các tội Pollard phạm phải là cực kỳ nghiêm trọng. “Tôi nghĩ rằng cần phải nhấn mạnh rằng ông Pollard bị buộc những tội nghiêm trọng nhất”, Robert Gibbs – phát ngôn vien của văn phòng tổng thống Mỹ lúc đó – giải thích.
Theo hồ sơ tòa án, Jonathan Pollard bị loại ra khỏi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 1977 và 2 năm sau ông ta làm công việc phân tích tình báo cho Hải quân Mỹ. Pollard bắt đầu làm gián điệp cho Israel vào tháng 5/1984 và bị bắt giữ ngày 21/11/1985 sau khi ông và vợ là Anne xin tị nạn chính trị nhưng bị vệ sĩ đuổi ra khỏi Đại sứ quán Israel ở Washington. Tới năm 1998, ông ta nhập quốc tịch Israel rồi chính thức được Nhà nước Do Thái công nhận như một điệp viên của Israel.
Jonathan Pollard đã bị kết án tù chung thân năm 1987 vì đã cung cấp cho Israel hàng nghìn tài liệu quốc phòng mật, danh tính của các điệp viên Mỹ và các nước đồng minh, những chương trình nghe lén điện tử cũng như dữ liệu về mật mã sử dụng trong các cuộc giao tiếp bí mật từ tháng 5/1984 đến khi bị bắt giữ vào tháng 11/1985.
Vụ án gián điệp Pollard đã từng khiến mối quan hệ giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Israel căng thẳng trong nhiều năm trời, thậm chí có người còn cho rằng vụ án có nguy cơ là một phần trong cuộc chiến gián điệp.
Phúc Lợi (theo Lemonde)