Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, động thái của Mỹ đã được thông báo tới Đại sứ Cuba tại nước này Jose Ramon Cabanas trong ngày 3/10. Theo thông báo, các nhà ngoại giao Cuba sẽ có 7 ngày để rời khỏi Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng việc trục xuất các nhân viên tại Đại sứ quán Cuba ở Washington cũng là nhằm đảm bảo sự công bằng về mức độ nhân viên sau khi Mỹ hồi tuần trước đã rút hơn 1 nửa số nhân viên ngoại giao của nước này về nước.
“Cho đến khi Chính phủ Cuba có thể đảm bảo sự an toàn của các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Cuba, đại sứ quán của chúng tôi sẽ giảm số nhân viên để tối thiểu hóa nguy cơ họ bị tổn hại về sức khỏe”, ông Tillerson nói trong một tuyên bố.
Mặc dù vậy nhưng ông Tillerson cũng khẳng định Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba và sẽ tiếp tục hợp tác với Cuba trong quá trình điều tra về những vụ tấn công sức khỏe nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ.
Về phía Cuba, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tại một cuộc họp báo diễn ra ngay sau thông báo của phía Mỹ lên án quyết định của Mỹ là “vô lý”, đồng thời cáo buộc Mỹ không hợp tác với Cuba trong việc điều tra các sự cố.
Ông Rodriguez cũng thúc giục Washington dừng việc chính trị hóa vấn đề.
Các động thái của Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua đánh dấu sự chuyển biến khá mạnh so với cách tiếp cận chính sách với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama.
Hôm 30/9 vừa qua, Mỹ thông báo sẽ giảm số nhà ngoại giao tại Cuba, đồng thời cảnh báo công dân nước này không tới Cuba vì một loạt các sự cố được cho là những vụ tấn công sức khỏe bí ẩn, khiến 22 nhân viên tại đại sứ quán Mỹ bị mất thính lực, chóng mặt và mệt mỏi.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết đại sứ quán Mỹ tại Cuba đã dừng việc cấp thị thực cho người Cuba muốn tới Mỹ, chỉ cấp thị thực cho những công dân Mỹ trong trường hợp khẩn cấp dù Cuba bác bỏ việc có liên quan bất cứ vụ tấn công nào.
Phía Cuba cũng đã khẳng định sẽ tăng cường an ninh cho các nhân viên ngoại giao của Mỹ ở nước này.