My "sói" và người yêu - Trịnh Thăng Long |
Nói chuyện với tôi, khuôn mặt của My “sói” không có vẻ gì sợ hãi, như thể cô bé đã lường trước được điều này. Khi tôi hỏi: “Trước khi hành động, em có nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ bị bắt?”. My nói có. Tôi lại hỏi: “Vậy em có nghĩ những hành động của mình là sai trái?” Cô trả lời: “Em có biết, nhưng không có tiền thì phải làm liều thôi”. Tôi hỏi câu mà trước đó đã hỏi Long: “Em chắc chắn sẽ phải vào trại cải tạo. Sau này được ra, em có làm lại cuộc đời bằng một công việc lương thiện, hay sẽ lại tái phạm lỗi lầm?”. My thản nhiên: “Em sẽ mở tiệm Internet và tìm người yêu chơi cho đỡ buồn”. Tôi lại hỏi: “Tại sao không phải là công việc khác?”. My cười: “Tại em thích”.
Internet mà cụ thể là thế giới ảo, tại sao lại quyến rũ lớp trẻ đến như vậy? Nó là con dao hai lưỡi có thể tạo ra nạn nhân và tội phạm. Nhiều người biết đó là ảo, nhưng vẫn nhẹ dạ cả tin, làm quen với người khác. Như những cô gái là nạn nhân trong vụ này dễ dàng tin My giả trai dụ dỗ và mắc bẫy của cô. Với nạn nhân, những ngày bị nhóm My “sói” hiếp dâm sẽ là nỗi ám ảnh không dễ gì xóa được. Còn với xã hội, hành động phạm tội của những đứa trẻ vị thành niên trong nhóm My sẽ là sự báo động đối với các bậc làm cha mẹ.
Đường về có còn xa?
Hình ảnh của My “sói” làm tôi nhớ đến phạm nhân có mức án 10 năm Đinh Thị Quỳnh Dung đang cải tạo tại Trại giam Thanh Phong (Cục V26). Khi mới 15 tuổi Dung đã bỏ gia đình ấm cúng ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), ra ở riêng với khát vọng sống tự lập, tự do. Cha mẹ Dung chẳng thể ngờ được rằng, từ những công việc đơn giản, cô con gái khá xinh xắn của họ đã bắt quen với nhiều đàn anh đàn chị trong xã hội. Họ đã huấn luyện cho Dung biết buôn bán ma túy, la cà quán xá và sàn nhảy, rồi trở thành những kẻ dạt nhà và rơi vào vùng tù tội.
Trách nhiệm này thuộc về ai, nếu không phải là gia đình và xã hội mà trước hết là cha mẹ, những người thân trong gia đình. Ở lứa tuổi các em, lẽ ra phải được cắp sách đến trường, được hưởng sự chăm sóc của bố mẹ, thì chính những bậc phụ huynh đó vì chuyện riêng tư hoặc mê mải kiếm tiền mà buông lỏng quản lý, dành tình thương cho con cái. Vô tình họ đẩy con cái vào đường cùng, đi vào con đường phạm tội. Phía sau tội ác của các em là một gia đình không ấm cúng, thiếu tình thương và những ông bố bà mẹ chỉ biết đến tiền.
Nếu phía sau các em là một nơi cho các em hạnh phúc, là một tổ ấm có tình thương thì chuyện đau lòng đã không xảy ra. My “sói” cũng là nạn nhân của sự rạn nứt gia đình và mất mát yêu thương. Gây nên tội ắt bị pháp luật trừng trị, nhưng với một cô bé 14 tuổi thì con đường làm lại cuộc đời vẫn còn dài, tất nhiên là trong một môi trường giáo dục tốt.
Phú Tây