Mỹ-Mexico: 'Hợp sức' đánh sập nhiều đường hầm ma túy 'khủng'

Lối vào một đường hầm
Lối vào một đường hầm
(PLO) -Ủy ban An ninh quốc gia Mexico tuyên bố (28/8), cảnh sát Mexico vừa phát hiện một đường hầm bí mật nối từ bang Sorona, miền Tây Bắc nước này tới bang Arizona của Mỹ. 

Thông tin này được đưa ra sau khi doanh nhân Mexico gốc Trung Quốc Zhenli Ye Gon bị bắt với cáo buộc buôn lậu ma túy, có thể bị Mỹ dẫn độ về Mexico, kết thúc nhiều năm tranh chấp pháp lý. 

Ông Gregory Smith, luật sư của ông Zhenli Ye Gon cho biết, thân chủ của mình bị bắt hồi tháng 7/2007 và các công tố viên Mỹ cáo buộc người này sản xuất methamphetamine bất hợp pháp…

Nhiều đường hầm bí mật

Cảnh sát Mexico cho biết, họ phát hiện ra đường hầm kể trên (dài khoảng 31,5m, trong đó đoạn trên lãnh thổ Mỹ dài hơn 30m) khi đang điều tra một đường ống thoát nước đi qua biên giới hai nước và thấy có nhiều bất thường trên bề mặt bêtông; một nửa đường hầm được chống đỡ bằng các xà gồ, phần còn lại bẩn thỉu, nhiều gạch đá và chưa có cửa thông lên mặt đất. 

Trước đó, Văn phòng Tổng công tố California (Mỹ) thông báo, đã phát hiện một đường hầm dài khoảng 730m - gấp hơn 8 lần so với một sân thi đấu bóng chày tại Mỹ, được dùng để vận chuyển ma túy tại bang California giáp biên giới Mexico.

Đường hầm có chiều dài, quy mô lớn nhất, được xây dựng tinh vi - có thang máy, hệ thống đèn, đường ray chạy điện và hệ thống thông gió - bị phát hiện từ trước tới nay. Bên trong đường hầm, đặc vụ liên bang Mỹ tìm thấy khoảng 1,4 tấn cần sa và ma túy, trị giá hàng chục triệu USD.

Theo cảnh sát, đường hầm này nối một ngôi nhà ở thành phố biên giới Tijuana của Mexico với một khu thương mại ở thành phố San Diego thuộc bang California, Mỹ.

Theo thống kê, chỉ trong 5 năm qua, trên toàn tuyến biên giới Mỹ-Mexico, đã phát hiện gần 80 đường hầm bí mật, chủ yếu ở 2 bang California và Arizona, trong đó nhiều đường hầm chưa hoàn chỉnh. 

Hơn 5 tháng trước, tờ Business Insider dẫn lời cảnh sát Mỹ cho biết, họ đã phát hiện một đường hầm ma túy dài khoảng 400m ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico, là chiến công lớn trong các cuộc truy quét băng nhóm buôn lậu ma túy trên tuyến biên giới Mỹ-Mexico của cảnh sát Mỹ.

Và đó cũng là đường hầm buôn lậu ma túy đầu tiên được phát hiện trong hơn 10 năm qua ở Calexico, cách thành phố San Diego của Mỹ 120 dặm về phía Đông.

Theo cảnh sát Mỹ, bọn buôn lậu ma túy đã chi 240.000 USD để mua bất động sản ở Calexico, xây một căn nhà 3 phòng ngủ trị giá 86.000 USD vào tháng 12/2015 che lối vào đường hầm nằm ở phía bắc Calexico, bang California.

Khoảng 275m đường hầm nằm ở Mexico, từ nhà hàng El Sarape ở Mexicali, khoảng 90m còn lại nằm trên lãnh thổ Mỹ, dẫn đến căn nhà trong khu dân cư ở Calexico.

Cảnh sát Mỹ đã theo dõi đường hầm Calexico cùng những kẻ hoạt động ở đó ngay từ khi chúng bắt đầu xây dựng bằng cách bí mật nghe lén các cuộc điện thoại của chúng.

Giới truyền thông cho biết, đường hầm Calexico không có những đặc điểm của các đường hầm phức tạp từng bị phát hiện từ Tijuana đến San Diego như đèn chiếu sáng, xe đường ray và thang máy thủy lực. 

Tập đoàn ma túy Sinaloa ở Mexico của ông trùm Joaquin "El Chapo" Guzman từ lâu đã kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy dọc tuyến biên giới Mỹ-Mexico trong thung lũng Imperial, bang California.

Gần 3 năm trước, cảnh sát Mỹ từng đánh sập một đường hầm vận chuyển ma túy xuyên biên giới lớn từ Mexico tới Mỹ - nằm dưới biên giới từ thành phố San Diego (Mỹ) đến Tijuana (Mexico) và được trang bị các hệ thống đèn, điện, thông gió và đường ray để chuyển hàng.

Tháng 7/2007, cảnh sát bắt Zhenli Ye Gon tại Mỹ
Tháng 7/2007, cảnh sát bắt Zhenli Ye Gon tại Mỹ

Khi đó, ông John Sandweg, Chỉ huy lực lượng Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết, đó là đòn đau đối với các băng đảng ma túy ở Mexico vốn đã bỏ ra rất nhiều tiền của và thời gian để đào đường hầm. 

Theo thống kê, sau khi Mỹ và Mexico đẩy mạnh các nỗ lực trấn áp tội phạm ma túy, đường hầm dưới lòng đất xuyên biên giới trở thành lựa chọn số một của các tổ chức buôn bán ma túy.

Theo ước tính của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), lượng heroin tuồn vào Mỹ qua ngả Mexico không ngừng tăng kể từ năm 2000. 

Dẫn độ trùm ma túy Mexico gốc Trung Quốc

Truyền thông cũng cho biết, thượng tuần tháng 8, Zhenli Ye Gon bị tòa phúc thẩm liên bang ở bang Virginia (Mỹ) thông báo, họ không thể can thiệp vào quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc dẫn độ trùm ma túy núp bóng doanh nhân này cho Mexico.

Ngay sau khi biết tin, luật sư Gregory Smith đã phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ vì cho rằng, thân chủ của mình có thể bị tra tấn hoặc bị giết chết nếu trở về Mexico.

Gregory Smith đã gửi yêu cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ, đề nghị tạm ngưng lệnh dẫn độ và nếu không có quyết định vào phút cuối, cảnh sát Mỹ sẽ dẫn độ Zhenli Ye Gon bằng máy bay sang Mexico.

Luật sư của ZhenliYe Gon cho rằng, Washington không thể dẫn độ một người ra nước ngoài trong khi công tố viên liên bang chưa có bằng chứng buộc tội tại một tòa án Mỹ.

Nhưng quan điểm của thẩm phán John Facciola khiến ZhenliYe Gon phải “bó tay” khi nhấn mạnh: “Tôi muốn bị cáo này được dẫn độ để chịu xét xử trước Tòa án Mexico”. 

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ từng yêu cầu thẩm phán hủy bản cáo trạng do không đủ bằng chứng buộc tội Zhenli Ye Gon. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Paul O'Brien từng tuyên bố, nếu Zhenli Ye Gon được dẫn độ về Mexico, hắn sẽ đối mặt với nhiều tội danh và phải chịu mức án nặng; do đó, Mỹ không có ý định theo đuổi vụ việc này.

Theo người phát ngôn của DEA Garrison Courtney, Zhenli Ye Gon bị bắt giữ vì tội buôn lậu ma túy và rửa tiền. Bộ trưởng Tư pháp Mexico Eduardo Medina Mora cho biết, cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ pháp lý để dẫn độ Zhenli Ye Gon về nước xét xử.

Theo hồ sơ cảnh sát, từ năm 1997, Zhenli Ye Gon đã được cư trú hợp pháp ở Mexico và từng làm việc ở Laboratorios Silanes, công ty do Antonio Lopez de Silanes Perez, bạn lâu năm của cựu Tổng thống Vicente Fox sở hữu.

Năm 2002, Zhenli Ye Gon báo cáo và được Tổng thống khi đó là ông Vicente Fox tích cực ủng hộ kế hoạch xây dựng công ty Unimed Pharm Chem trở thành nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất Mỹ Latinh.

Theo kết quả điều tra, Zhenli Ye Gon đã nhập khẩu ít nhất 8.000 tấn hóa chất vào Mexico trong 5 năm và bán lại cho nhiều phòng thí nghiệm khác nhau. Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, từ năm 2004, công ty của Zhenli Ye Gon là Unimed Pharm Chem đã trở thành nhà nhập khẩu pseudoephedrine lớn thứ 3 ở Mexico.

Và hóa chất pseudoephedrine được dùng sản xuất methamphetamine (ma túy đá). Mặc dù bị bắt, bị thẩm vấn nhiều lần, nhưng vụ xét xử Zhenli Ye Gon vẫn thất bại năm 2009 sau khi các nhân chứng quan trọng từ chối ra làm chứng. Từ đó, Zhenli Ye Gon bị giam trong nhà tù ở Virginia và đối mặt với yêu cầu dẫn độ về Mexico. 

Sau khi bị bắt hồi tháng 7/2007 ở Rockville, bang Maryland (Mỹ) đến năm 2009, Zhenli Ye Gon bị giam tại nhà tù bang Virginia. Chính phủ Mexico đã nhiều lần yêu cầu Mỹ dẫn độ Zhenli Ye Gon về nước để chấp hành bản án về tội buôn lậu ma túy và rửa tiền.

Đường hầm nối từ Tijuana, bang Baja California, Mexico đến Otay Mesa thuộc thành phố San Diego, bang California, Mỹ
Đường hầm nối từ Tijuana, bang Baja California, Mexico đến Otay Mesa thuộc thành phố San Diego, bang California, Mỹ

Sau khi doanh nhân Zhenli Ye Gon bị bắt, cảnh sát đã thu giữ được 205 triệu USD tiền mặt tại tư dinh của ông trùm ma túy này ở thủ đô Mexico City của Mexico, vụ tịch thu số tiền mặt liên quan đến hoạt động ma túy lớn nhất trong lịch sử của Mexico.

Nhưng theo lời luật sư Gregory Smith, số tiền 205 triệu USD được tìm thấy trong tư dinh của thân chủ là của các quan chức Mexico gửi. Bản thân Zhenli Ye Gon cũng tuyên bố, số tiền kể trên thuộc về đảng cầm quyền Mexico, và ông ta bị đe dọa tính mạng nếu không cất giữ số tiền này.

Sau khi cảnh sát đột kích biệt thự của Zhenli Ye Gon để điều tra hoạt động rửa tiền ở Công ty Las Vegas Sands (công ty sở hữu sòng bài và khu nghỉ mát), nơi tên này thường lui tới để chơi bài. Để tránh phải hầu tòa, Công ty Las Vegas Sands đã chấp nhận trả 47 triệu USD cho Washington theo thỏa thuận dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ năm 2013. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.