Hàng ngàn kẻ buôn lậu, con nghiện đã ra đầu thú chính quyền để mong được khoan hồng. Chỉ riêng ngày 9/7 đã có tới gần 4000 người ra thú tội, trở thành ngày có số lượng người ra đầu thú kỷ lục.
Nửa tháng cầm quyền, tiêu diệt 300 tội phạm ma túy
Báo chí Philippines cho biết, khi tranh cử Tổng thống, ông Duterte đã đưa ra cam kết: Trong vòng 3 tháng đến nửa năm sau khi nắm quyền, ông sẽ “dọn sạch bọn rác rưởi buôn bán và hút chích ma túy”.
Ông còn công khai tuyên bố, “mọi người dân có súng được quyền bắn chết những kẻ buôn ma túy từ chối đến đồn cảnh sát nộp mình; nếu bị tội phạm ma túy dùng dao hay súng uy hiếp, người dân cũng được phép bắn chết chúng”. “Dân chúng có thể báo cảnh sát mọi lúc, nếu có súng trong tay cứ việc bắn, tôi ủng hộ các bạn! Bắn chết chúng, tôi sẽ thưởng cho các bạn”.
Trong thời gian tranh cử, ông Duterte còn có những tuyên bố gây nên sự bàn tán, tranh cãi; như: “Nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ gây đổ máu lớn, vì tôi sẽ giết hết bọn tội phạm”, hay “Hãy bỏ qua chuyện nhân quyền. Sau khi lên làm tổng thống tôi sẽ tiếp tục cách làm khi đang giữ chức Thị trưởng Davao, giết sạch bọn buôn lậu ma túy, cướp giật, du thủ du thực!”.
Quả nhiên, sau khi ông Duterte ngồi vào ghế Tổng thống hôm 30/6, cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật Philippines đã sử dụng bàn tay sắt mạnh mẽ dẹp bỏ nạn buôn bán, sử dụng ma túy.
Ngày 11/7, thi thể một tên trùm buôn ma túy đã bị kéo đi diễu phố để thị chúng, mặt người chết bị quấn vải kín, trên thân dán mảnh giấy ghi: “Tôi là kẻ buôn ma túy”. Từ khi cảnh sát ra tay hành động diệt trừ ma túy, ngày càng có nhiều thi thể xuất hiện trên đường phố.
Một số tổ chức nhân quyền ở địa phương cho rằng, chính sách diệt trừ ma túy này của ông Duterte đã khiến vai trò của cảnh sát từ chỗ là người thực thi pháp luật biến thành người tùy ý ra phán quyết sự sống hay cái chết của người khác; chính sách này có thể dẫn tới việc hợp pháp hóa việc hành quyết bên ngoài pháp luật. Có cơ quan truyền thông nước ngoài nhận xét: thậm chí những tội phạm ma túy chưa được xét xử đã bị bắn chết.
Tội phạm ma túy bị tiêu diệt |
Thành chính khách nhờ mẹ… nhường chức
Ông Duterte tên đầy đủ là Rodrigo "Rody" Roa Duterte, có các biệt hiệu “Dirty Harry” và “Digong”, sinh ngày 28/3/1945 ở tỉnh Cebu, xuất thân luật sư, có cha từng là Tỉnh trưởng Davao, mẹ là một giáo viên người gốc Hoa (ông ngoại là một người Hoa họ Lã, tức “Roa” theo tiếng Philippines), Ông Duterte từng giữ chức Thị trưởng Davao trong 22 năm (1988-1998, 2001-2010, 2013-2016) trước khi giành chiến thắng với 39,01% ngay vòng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines hôm 9/5/2016 trước 7 đối thủ khác.
Thời trẻ, Duterte làm nghề luật sư, rồi công tố viên. Năm 1986, khi cuộc cách mạng nhân dân nổ ra lật đổ nhà tộc tài Marcos, bà mẹ ông đã được bà Tổng thống Aquino đã chỉ định làm Thị trưởng Davao, nhưng bà đã đề nghị nhường lại cho con trai; nhờ đó Duterte có điều kiện để giữ chức vụ này tới 22 năm, (có 2 khóa giãn cách thì đều do cô con gái ông là Sara Duterte ra tranh cử làm Thị trưởng, còn ông làm phó cho con). Trong suốt ngần ấy năm, D đã thực thi một chính sách nghiêm trị tội phạm, giết hàng ngàn người nên được gọi là “Bàn tay sắt”, nhưng theo giới truyền thông, ông đã biến Davao thành “thành phố hòa bình nhất Đông Nam Á”.
Chính sách quản lý Davao bằng bàn tay sắt khiến Duterte trở nên nổi tiếng: ông thực thi chính sách “giam lỏng” thanh niên, cấm bán rượu sau 1h sáng, cấm hút thuốc trên đường phố và ở nơi công cộng, nên đường phố không có mẩu thuốc lá, buổi tối không có thanh niên du đãng.
Tuy nhiên, ông lại tỏ ra ôn hòa với nạn mại dâm: Davao hợp pháp hóa nghề mại dâm và cử bác sĩ định kỳ kiểm tra sức khỏe các cô gái làm nghề này.
Đối với tệ nạn ma túy, Duterte cũng thực thi chính sách “cương nhu kết hợp”; một mặt đe dọa giết chết các kẻ buôn bán và con nghiện, mặt khác ông lại cho mở các trung tâm cai nghiện để khuyến khích các con nghiện làm lại cuộc đời. Sau khi trở thành tổng thống, Duterte phát động chiến dịch diệt trừ ma túy mạnh mẽ.
Ông từng chỉ rõ: có rất nhiều quan chức bị cuốn vào hệ thống buôn bán ma túy, có ít nhất 23 thị trưởng và 5 quan chức cảnh sát cao cấp. “Đầu thú hay là chết” là cách ông ra tối hậu thư với các tội phạm ma túy. Nói là làm, nhờ sự quyết liệt này mà vấn nạn ma túy đang được giải quyết với sự đồng tình của đông đảo dân chúng.
Duterte có con đường liên lạc riêng với các tổ chức phiến quân Hồi giáo chống chính phủ và “Quân đội nhân dân mới” theo đường lối Mao-ít nên giới quan sát cho rằng có điều kiện để tiến tới hòa bình ở Philippines.
Duterte đã tuyên bố sẽ nhanh chóng đàm phán hòa giải với “Đảng Cộng sản Philippines” (Mao-ít - PKP), đồng thời đáp ứng yêu cầu về nước của Thi Thuận – người sáng lập PKP này cũng như phóng thích tất cả tù chính trị, trong đó có cặp vợ chồng Benito Tiamzon – Chủ tịch PKP.
Đối với các thế lực Hồi giáo, Duterte cho rằng cần thay đổi thể chế chính trị của Philippines thành liên bang, cho phép các chính quyền địa phương có quyền tự trị lớn hơn để dung hòa, cùng phát triển.
Duterte cũng chủ trương tự do tín ngưỡng, là tín đồ Thiện chúa giáo, nhưng Duterte rất chú trọng đến quyền lợi của các tín đồ Hồi giáo, thường tham dự các lễ tết của người Hồi giáo. Ông cũng ủng hộ những người đồng tính luyến ái. Về mặt kinh tế, ông bày tỏ quan tâm đến người nghèo, từng tuyên bố: “Tôi là người theo chủ nghĩa xã hội”.
Vị tổng thống có tính cách khác người
Duterte là người rất bình dân và thân dân, không hề quan cách, thường tụ tập dăm ba công chức cưỡi xe máy ra ngoại ô thị sát tình hình hay dạo chơi. Ông còn giả dạng tài xế taxi để đi nắm tình hình dân chúng. Trong cơn bão Hải Yến khủng khiếp năm 2013, ông đã lăn xả cứu dân, thậm chí than khóc “Sao Thượng Đế đi đâu mà dân khổ thế này”.
Tuy nhiên, Duterte hành xử khá tùy tiện, có những phát biểu gây tranh cãi nên có biệt hiệu là “Donald Trumph của Philippines”. Ông chẳng bao giờ đến văn phòng đúng giờ, thường 1h chiều mới ngồi vào bàn làm việc. “Lúc 8h30’ tôi còn đang ngủ, làm việc sao được?”.
Có phóng viên nước ngoài từng châm biếm: “Thời gian lãnh đạo quốc gia của Duterte giống như kinh doanh quán rượu”. Nhưng thực ra, Duterte thích làm việc vào ban đêm, thậm chí đi tuần thị, kiểm tra xem các cảnh sát có thực sự mẫn cán không? Hàng ngày 4-5h sáng mới là lúc ông nghỉ làm việc.
Về đời tư, Duterte cũng không giống với bất cứ nhân vật chính trị điển hình nào. Sau khi trở thành tổng thống, ông thường bỏ qua mọi nghi thức, lễ tiết, cùng đi xe khách, ngồi máy bay ghế hạng phổ thông, đi khám bệnh như những thường dân.
Tuy là người có bề ngoài và tính cách mạnh mẽ, nhưng ông được dư luận Philippines coi là người con chí hiếu. Sau khi cha mẹ qua đời, ông thường xuyên đến làm lễ bên mộ họ. Sau khi trúng cử tổng thống, việc đầu tiên Duterte làm là đến lễ cáo cha mẹ và khóc trước mộ họ. Tuy nhiên, cũng có không ít những tin đồn về đời tư của ông. Báo chí viết Duterte rất háo sắc, ông có rất nhiều bạn gái.
Có lần bị phóng viên phỏng vấn, ông không nhớ là mình có bao nhiêu người bạn gái, cuối cùng đành trả lời: “Nếu không có bạn gái thì tôi sẽ chết mất”. Khi bị chỉ trích về việc háo sắc, Duterte trả lời đó là do “nhu cầu sinh lý”: “Tôi và vợ sống ly thân, tôi lại không phải là kẻ bất lực! Tôi phải làm sao đây? Chả lẽ có thứ đó mà không sử dụng?”.
Sau khi trở thành tổng thống, Duterte không muốn vào sống trong Cung Malacanang, mà vẫn ở Davao, đáp máy bay đi làm vì có tin đồn trong đó có những hiện tượng kinh dị. Duterte nói: “Tôi rất sợ, tôi không dám ngủ trong Cung Malacanang”. Vì sợ ma quỷ mà không dám vào trong phủ tổng thống quả là điều hiếm thấy nên Duterte đã bị báo chí giễu cợt về điều này…/.