Cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Đòn trừng phạt” mạnh tay

Quân đảo chính đầu hàng
Quân đảo chính đầu hàng
(PLO) -Một nhóm binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7 đảo chính tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul nhưng thất bại. Hơn 290 người thiệt mạng, khoảng 1.440 người bị thương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi cuộc đảo chính bất thành này là một "món quà của Thượng đế" để tiến hành thanh lọc quân đội. 

Sau khi bắt giữ khoảng 6.000 sĩ quan, binh sĩ quân đội và thẩm phán, công tố viên trên khắp cả nước, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác hơn 8.000 cảnh sát vì bị nghi ngờ có dính líu đến cuộc đảo chính. Con số này không ngừng tăng lên, đến ngày

21/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải hoặc đình chỉ hơn 50 ngàn công chức nhà nước. Tổng thống nước này tuyên bố những người tham gia đảo chính "phải trả giá", và chính phủ có thể khôi phục án tử hình để trừng phạt những "kẻ phản bội".

Cuộc gọi “đập tan” đảo chính

Âm mưu đảo chính bắt đầu vào khoảng 21h30, tối 15/7 giờ địa phương, khi tiếng súng nổ ra tại thủ đô Ankara, trong khi phe đảo chính phong tỏa cầu Bosphorus ở Istanbul và bao vây một số địa điểm then chốt.

Khoảng 22h00, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo một nhóm trong quân đội nước này muốn lật đổ chính phủ, kêu gọi người dân bình tĩnh.

Phe đảo chính tuyên bố họ đã kiểm soát chính phủ và ban hành thiết quân luật. Binh lính thuộc phe này đột kích các tòa nhà truyền thông, trụ sở cảnh sát, đồng thời tấn công tòa nhà quốc hội, dinh tổng thống, trụ sở quân đội và trụ sở cơ quan tình báo tại thủ đô Ankara. Phe đảo chính sử dụng một số xe tăng và trực thăng để tấn công. Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt làm con tin.

Khoảng hai giờ sau khi cuộc đảo chính xảy ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra tuyên bố qua điện thoại có hình ảnh, kêu gọi người dân đổ ra đường chống những người làm binh biến và khẳng định quân đảo chính sẽ thất bại. 

Đáp lại lời kêu gọi của ông Erdogan, hàng nghìn dân thường Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng loạt đổ xuống đường để phản đối đảo chính. Họ dùng xe hơi, thậm chí là cả thân mình, để chặn xe tăng quân đội. Họ vây quanh những chiếc xe bọc thép, mạt sát những người lính tham gia đảo chính, bất chấp những tiếng súng rộ lên.

Khoảng 1h sáng 16/7, tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bắn hạ trực thăng quân sự mà phe đảo chính sử dụng. Lực lượng ủng hộ chính phủ cũng sử dụng tiêm kích tấn công các xe tăng của phe đảo chính.

3h, Tổng thống Erdongan xuất hiện tại sân bay Ataturk, Istanbul. Phát biểu trước báo giới và người ủng hộ, Tổng thống nói những người đảo chính "đã chĩa súng của nhân dân vào chính nhân dân" và nỗ lực giành chính quyền của họ sẽ thất bại.

Khoảng 5h40, phe đảo chính bắt đầu đầu hàng tại Istanbul, sau khi bị cảnh sát vũ trang trung thành với chính phủ bao vây. Tại Ankara, những người ủng hộ chính quyền Erdogan cũng tập trung tại trung tâm thành phố, ngăn chặn xe tăng của phe đảo chính. Lực lượng chính phủ giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ.

7h20, Tổng thống Erdongan tuyên bố cuộc đảo chính thất bại. Tổng tham mưu trưởng quân đội được giải cứu. 

Sau khi ông Erdogan tuyên bố đập tan đảo chính, các nhóm còn sót lại vẫn tiếp tục chống cự tại một số địa điểm và một số chỉ huy quân đội vẫn bị bắt cóc.

11h55, tám lính Thổ Nhĩ Kỳ chạy trốn bằng trực thăng quân sự đáp xuống miền bắc Hy Lạp và xin tị nạn chính trị tại đây. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Hy Lạp dẫn độ những người này. Phía Hy Lạp chấp nhận yêu cầu.

Chiều ngày 16/7, nhóm quân đảo chính còn sót lại ở trụ sở quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng. Chính phủ tiến hành thanh trừng các quan chức tư pháp bị nghi có liên quan đến giáo sĩ Gulen.

Vũ khí quân đảo chính bỏ lại trên đường phố.
 Vũ khí quân đảo chính bỏ lại trên đường phố.

Người dân lo “nhảy từ chảo rán xuống lò lửa”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 20/7 tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng ba tháng trên cả nước. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy lo sợ một tương lai bất định đang chờ đợi họ, khi tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Tại trung tâm thành phố Istanbul, những lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ phủ kín Quảng trường Taksim. Năm ngày trôi qua kể từ khi cuộc đảo chính quân sự bị dập tắt, người dân vẫn đổ xuống đường để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và bộ máy chính quyền.

Công viên Gezi, nơi ba năm trước là tâm điểm của các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, giờ khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn khác. Hàng nghìn người tối 20/7 tập trung tại đây để cùng xem Tổng thống Erdogan phát biểu trên những màn hình khổng lồ. Khi ông ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng trên cả nước, một số người trong đám đông vỗ tay hưởng ứng, cho thấy họ đánh giá cao biện pháp mới này.

Nhưng đó không phải tâm trạng chung của tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Một số chuyên gia, nhà phê bình lo ngại tình trạng khẩn cấp có thể đem đến cho Tổng thống Erdogan nhiều quyền lực hơn, đủ để ông thao túng cả quốc hội.

Trên đường phố Istanbul, người dân tỏ ra ngại ngần khi bàn về đề tài này. "Tôi không nghĩ chúng tôi đáng phải nhận điều này", Sengul, một phóng viên, nói. "Cuộc đảo chính rõ ràng là rất khủng khiếp. Nhưng những gì chúng tôi trải qua lúc này cũng tồi tệ chẳng kém". "Tình trạng khẩn cấp sẽ tác động xấu tới cuộc sống thường nhật của chúng tôi", cô cho hay.

Elif, kiến trúc sư, có chung nỗi lo âu với Sengul. "Chúng tôi chỉ đang nhảy từ chảo rán xuống lò lửa mà thôi", cô bình luận. "Việc hàng nghìn người bị bắt bớ trên cả nước sau khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp khiến chúng tôi mang suy nghĩ rằng cuộc sống rồi sẽ rất khó khăn".

Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus đã lên tiếng trấn an dân chúng, khẳng định chính phủ sẽ không ban bố lệnh giới nghiêm, các cơ chế thị trường tự do sẽ không bị ảnh hưởng và những quyền cơ bản của người dân sẽ không bị xâm hại.

"Công việc làm ăn của chúng tôi đã chịu tổn thất rồi đấy chứ. Người ta không còn muốn ra đường nữa, trừ khi có việc cần", Kemal, tài xế taxi, cho hay. "Hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi và nghe ngóng tình hình. Nếu họ lạm dụng quyền lực để ban hành các quy định trái khoáy, chúng tôi ắt hẳn sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới lớn hơn", ông chia sẻ.

Tại Trụ sở Tòa án Caglayan, Istanbul, gia đình của nhiều học viên quân sự bị cáo buộc tham gia đảo chính đang từng ngày mong ngóng những tin tức mới.

Cậu con trai 16 tuổi của Ahmet, hiện theo học tại một trường quân sự ở Istanbul, bị bắt sáng 16/7. Ông cho biết mới nhìn thấy con trai một lần kể từ đó đến nay và chỉ được vẫy tay với con từ đằng xa.

Rifat, người cũng có con trai là học viên trường quân sự bị bắt, nói rằng cuộc sống của gia đình họ đã sụp đổ hoàn toàn. "Chúng tôi hiện không biết điều gì sẽ xảy ra với mình", Rifat bày tỏ./.  

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.