Kẻ tâm thần xả súng chết 9 người làm chấn động châu Âu

Thủ phạm David Ali Sonboly.
Thủ phạm David Ali Sonboly.
(PLO) -Chỉ vài ngày sau vụ xe tải điên cuồng đâm vào đám đông những người đang xem pháo hoa ở Pháp khiến 84 người thiệt mạng, châu Âu lại rúng động trước vụ xả súng ở thành phố Munich của Đức, cướp đi sinh mạng của 9 người, chủ yếu là người trẻ.

Vụ xả súng bất ngờ

Vụ xả súng bắt đầu lúc 17h52 ngày 22/7 (giờ địa phương) ở một cửa hàng McDonald’s ở gần trung tâm thương mại Olympia ở khu vực Moosach thuộc thành phố Munich của Đức. Đây là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất nước Đức và là nơi thường xuyên đông đúc người mua sắm vào mỗi tối thứ 6.

Một nhân chứng tên Lauretta kể lại rằng cô vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh tại nhà hàng thì nghe thấy tiếng báo động rồi sau đó là những tiếng súng vang lên. “Hắn ta liên tục bóp cò để giết chết những đứa trẻ. Chúng khi đó vẫn đang ngồi mải mê ăn uống nên đã không thể chạy thoát” – cô Lauretta kể lại.

Vẫn theo lời nhân chứng này, cô đã nghe thấy kẻ xả súng hét lớn: “Thánh Allah vĩ đại” bằng tiếng Ả rập khi hắn thực hiện hành vi của mình. Còn một nhân chứng khác tên Huseyin Bayri thì cho biết anh nghe thấy kẻ tấn công hét lên rằng hắn sẽ giết chết những người nước ngoài.

Ít phút sau đó, cảnh sát có mặt tại hiện trường. Nhưng, đã quá muộn. Theo thống kê, 9 người đã thiệt mạng trong thảm kịch. Hầu hết các nạn nhân đều là những người trẻ tuổi, trong đó có 3 người mới 14 tuổi. Thi thể của kẻ xả súng sau đó cũng được phát hiện ở cách hiện trường khoảng 1km. Tên này được xác định đã tự tử bằng cách bắn vào đầu. 

Trong số các nạn nhân có 3 người Thổ Nhĩ Kỳ, 3 người từ Kosovo và một người Hy Lạp. 27 người khác cũng đã bị thương trong vụ tấn công, bao gồm 10 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Cảnh sát sau đó đã mở một chiến dịch quy mô lớn, với sự có mặt của các đơn vị cảnh sát chống khủng bố nhằm ngăn chặn nguy cơ tiếp diễn các vụ xả súng ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhà ga ở trung tâm Munich được đóng cửa và sơ tán trong khi các hệ thống tàu cao tốc và xe bus bị ngừng lại. Các tuyến đường lớn trong thành phố cũng đã được phong tỏa. Tuy nhiên, cảnh sát sau đó xác định hung thủ chỉ gây án một mình.

Vụ xả súng nói trên đã khiến cả châu Âu bàng hoàng khi chỉ trong vòng 1 tuần tại châu lục này đã chứng kiến đến 3 vụ tấn công chết chóc. Trước đó 4 ngày, một thiếu niên 17 tuổi đang xin tị nạn tại Đức cũng đã dùng dao và búa điên cuồng bổ vào những người đang có mặt trên một chuyến tàu ở bang miền Nam Bavaria, khiến 5 người bị thương. 

Trước đó, một người đàn ông Tunisia đã điên cuồng lao một chiếc xe tải vào đám đông những người đang xem pháo hoa nhân ngày Quốc khánh của Pháp ở thành phố Nice, khiến 84 người thiệt mạng, trở thành vụ tấn công lớn thứ 3 tại Pháp trong vòng 18 tháng trở lại đây.

Kẻ giết người cô độc

Hung thủ trong vụ việc tại Munich sau đó được giới chức Đức nhận dạng là David Ali Sonboly, 18 tuổi, mang 2 quốc tịch Đức, Iran. Tên này đã sử dụng một khẩu súng bán tự động Glock 17mm không có giấy phép khi thực hiện vụ xả súng kinh hoàng. Cảnh sát cũng xác định hắn mang theo bên mình một chiếc túi với 300 viên đạn khi gây án. 

Theo những người hàng xóm, cha của thủ phạm là một lái xe taxi còn mẹ hắn làm việc trong một cửa hàng. Họ đến Đức tị nạn vào cuối những năm 1990. Ban đầu, Sonboly theo đạo Hồi dòng Shiite nhưng sau đó đã cải sang đạo Thiên Chúa.

 Một người hàng xóm tên Neighbour Delfye Dalbi mô tả Sonboly là một cậu trai “không bao giờ tức giận” nhưng những người khác cho rằng hắn rất trầm tính. Một người bạn cũ của hung thủ thì kể lại đã gặp Sonboly chỉ vài giờ trước vụ tấn công.

“Cậu ta có vẻ rất lo lắng và cư xử rất kỳ lạ. Cậu ta không dám nhìn vào cháu trong khi bình thường cậu ta hay nhìn thẳng vào mắt cháu và nói xin chào” – người bạn này cho hay.

Một nguồn tin cảnh sát được truyền thông Đức dẫn lời cho biết thủ phạm trong vụ việc thích chơi những trò chơi bạo lực và tỏ ra rất ngưỡng mộ một thiếu niên người Đức đã bắn chết 15 người khác tại trường của hắn ở gần Stuttgart hồi năm 2009. 

Viên cảnh sát này cũng tiết lộ thủ phạm dường như bị ám ảnh bởi những bài báo và những cuốn sách viết về những vụ giết người hàng loạt liên quan đến những người điên. Còn theo công tố viên Munich Thomas Steinkraus-Koch, tên Sonboly có tiền sử bị trầm cảm. 

Người dân tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công
Người dân tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công

Cảnh sát điều tra Robert Heimberger thuộc Sở cảnh sát Munich tại một cuộc họp báo được tổ chức cuối tuần qua xác nhận các thông tin được công bố trước đó, theo đó cho hay thủ phạm đã tấn công và cướp tài khoản facebook của một cô gái và sử dụng tài khoản này để dụ các nạn nhân tới cửa hàng McDonald’s để tham gia sự kiện tặng quà nhưng trên thực tế là để thu hút nhiều người khi hắn thực hiện hành vi của mình với mục đích khiến nhiều người thương vong hơn.

Cảnh sát cuối tuần qua cũng đã công bố các kết quả điều tra ban đầu, theo đó cho biết họ đã tiến hành khám xét nơi ở của kẻ xả súng nhưng không phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy hắn có liên quan đến các nhóm khủng bố. Song, thủ phạm được xác định đã lên kế hoạch cho vụ tấn công trong vòng 1 năm trời.

Vụ việc đã dấy lên những kêu gọi về việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc bán súng tại Đức. Trong đó, Phó thủ tướng nước này Sigmar Gabriel cho rằng cần thực hiện mọi biện pháp có thể để hạn chế việc tiếp cận các loại vũ khí chết người. Còn Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng cho hay ông dự kiến sẽ xem xét lại luật về súng ống của Đức. 

Đức vốn là một trong những nước có luật kiểm soát súng ống thuộc dạng khắt khe nhất thế giới. Tại nước này, những người dưới 25 tuổi khi mua súng phải trải qua việc đánh giá tâm lý được khi được phép mua súng. Vũ khí tự động bị cấm hoàn toàn còn vũ khí bán tự động chỉ được mua nhằm mục đích săn bắn hay thi bắn súng. Hiện giới chức Đức đang điều tra về việc tại sao thủ phạm có thể có được khẩu súng đã được dùng để gây án.

Khoảng cách khó lấp đầy

Theo Reuters, những cuộc tấn công nhằm vào dân thường tại Mỹ và châu Âu gần đây cũng đã phơi bày khoảng cách giữa các nỗ lực của các cơ quan tình báo trong việc lần theo dấu vết của các phần tử bị tình nghi cực đoan và ngăn chặn những vụ giết người hàng loạt, đặc biệt là với những đối tượng có tiền sử về tâm thần. 

Các quan chức chống khủng bố ở Anh, Mỹ và Pháp chỉ ra rằng thủ phạm trong các vụ giết chóc hàng loạt xảy ra gần đây như kẻ xả súng tại hộp đêm dành cho người đồng tính nam ở thành phố Orlando, bang Florida (Mỹ), kẻ đã sát hại các cảnh sát ở các thành phố Baton Rouge thuộc bang Louisiana và Dallas thuộc bang Texas, thủ phạm trong vụ tấn công bằng xe tải trong ngày Quốc khánh ở thành phố Nice, Pháp và mới đây nhất là vụ xả súng hàng loạt ở trung tâm thương mại của Đức đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần rõ ràng. 

Tuy nhiên, do các hệ thống thu thập thông tin tình báo về các phần tử cực đoan hiện có đều không được thiết lập để nhận dạng và theo dõi những đối tượng có tiền sử về tâm thần nên trong nhiều trường hợp đã dẫn đến việc các cơ quan tình báo đã bỏ lọt nhiều cơ hội quan trọng để ngăn chặn các thảm kịch xảy ra, nhất là khi họ không phát hiện được mối liên hệ cụ thể nào giữa đối tượng bị tình nghi cực đoan với những phần tử cực đoan thực sự. 

Vụ xả súng ở Orlando do tên Omar Mateen tiến hành có thể nói là ví dụ điển hình nhất. Trong vụ việc này, các quan chức liên bang Mỹ thừa nhận rằng, trong khoảng 10 tháng của năm 2013 và 2014, FBI đã tiến hành điều tra đối với Mateen sau khi tên này bị cáo buộc đã khoe khoang với các đồng nghiệp rằng hắn có nhiều mối liên hệ với Al Qaeda và các nhóm cực đoan khác.

Trong quá trình Mateen bị điều tra, FBI đã đưa tên anh ta vào 3 cơ sở dữ liệu của chính phủ, trong đó có một hệ thống dữ liệu sẽ kích hoạt các biện pháp an ninh bổ sung nếu các cá nhân trong danh sách này tới sân bay hay các chốt biên giới. 

Song, sau khi không phát hiện bằng chứng cho thấy Mateen có bất cứ mối liên hệ thực sự nào với các phần tử cực đoan, FBI đã khép cuộc điều tra lại và danh tính của Mateen cũng đã được đưa ra khỏi các cơ sở dữ liệu. Chỉ ít lâu sau đó, hắn gây trọng án.

Ông Paul Pillar, một nhà phân tích cấp cao của CIA, lý giải: “Khi một người có những vấn đề về sức khỏe tâm thần thì chỉ một số kích thích bên ngoài cũng có thể đưa đến khả năng người đó có hành vi bạo lực”.

Tướng Michael Hayden – cựu nhân viên CIA và là Giám đốc của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ - cũng cho rằng hiện tượng những đối tượng có tiền sử về các bệnh tâm thần bị cực đoan hóa thông qua việc tiếp xúc với những thông tin trên mạng hay ngoài xã hội là một loại hình khủng bố mới rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông lý giải rằng chỉ riêng việc theo dõi và ngăn chặn các nhóm khủng bố đã rất khó khăn nên việc theo dõi cả nhóm đối tượng này là điều càng khó hơn.

Trong một diễn biến khác, theo AP, các vụ tấn công như vụ việc vừa xảy ra ở Đức có thể dẫn đến việc những chủ sở hữu của các trung tâm thương mại có các biện pháp để tăng cường an ninh ở các trung tâm của họ, có thể là lắp các thiết bị phát hiện kim loại, dù khách hàng không thích điều này, và nhiều biện pháp an ninh bổ sung khác. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.