Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực để đóng cửa nhà tù tại Vịnh Guantanamo, chính quyền nước này cũng sẽ phải xem xét lại số phận của những tù nhân được đánh giá là quá nguy hiểm đang bị giam giữ tại đây.
Nhà tù Guantanamo với hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Ảnh: Internet |
Mohammed al-Shimrani, 38 tuổi, người Ả rập Xê-út là một trong số 166 tù nhân đặc biệt tại Guantanamo. Al-Shimrani cũng nằm trong số gần 50 người đàn ông mà theo một nhóm đặc nhiệm của chính phủ Mỹ là quá nguy hiểm để có thể được phóng thích nhưng lại không thể đưa ra truy tố vì trong một số vụ việc, tiến trình xét xử các đối tượng này có thể làm lộ ra các thông tin nhạy cảm.
Trong khi hầu hết các tù nhân tại Guantanamo chắc chắn cuối cùng đều sẽ được thả ra, được chuyển đến các nhà tù khác hay bị đưa ra truy tố trước pháp luật thì những tù nhân như al-Shimrani lại đối mặt với một tương lai bất định.
Lầu Năm Góc tuyên bố những người được xếp vào nhóm tù nhân giam giữ vô thời hạn như al-Shimrani bị giam giữ theo các đạo luật quốc tế về chiến tranh cho đến bất cứ lúc nào, khi “chiến sự kết thúc”. Nhóm này chính là một trong những rào cản chính đối với những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm đóng cửa trung tâm giam giữ nằm trong khu căn cứ của Mỹ tại Cuba.
Hầu hết các tù nhân này bị cáo buộc là thành viên của tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc là những phiến quân Taliban, người đưa tin hay người chịu trách nhiệm tuyển dụng thành viên cho nhóm này.
Mới đây, luật sư của những người nói trên cho biết họ đã nhận được thông báo rằng các quan chức tình báo từ “nhiều cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ” sẽ bắt đầu xem xét về việc giam giữ các tù nhân này để đưa ra quyết định về việc có cần thiết để giam giữ các tù nhân này nữa không.
Tuy nhiên, trung tá quân đội Joseph Todd Breasseale cho biết, thời gian diễn ra phiên điều trần đầu tiên về vụ việc vẫn chưa được xác định. Những thông tin về thành viên hội đồng xét xử và việc liệu các luật sư của nhóm tù nhân này có được xuất hiện tại tòa hay chỉ được phát biểu qua một phiên tòa trực tuyến cũng vẫn chưa được tiết lộ.
Những người từ lâu đã thúc giục chính quyền Mỹ đóng cửa nhà tù tại Guantanamo nói rằng, Mỹ cần phải hành động một cách nhanh chóng vì tiền lệ pháp lý trong việc giam giữ các tù nhân vô thời hạn khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh đã dẫn đến sự ra đời của nhà tù Guantanamo vào tháng 1/2002.
“Dù rất căng thẳng nhưng bất cứ điều gì còn sót lại cũng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta vẫn tiếp tục giam giữ người sau khi lý do để nhốt họ đã hết hiệu lực”, ông Morris “Moe” Davis, công tố viên trưởng tại ủy ban quân sự Guantanamo nói.
Ông Davis cho biết, hầu hết các hồ sơ tòa án về những đối tượng nằm trong nhóm tù nhân bị giam giữ không thời hạn đều đã bị niêm phong. Về cơ bản, chính phủ Mỹ chọn cách thức không truy tố những đối tượng này vì việc bắt giữ họ thường có sự trợ giúp của chính phủ các nước không muốn tiết lộ thông tin về sự giúp đỡ của họ. Ngoài ra, còn một lý do khác là do giới chức Mỹ đã sử dụng những công nghệ mới trong các vụ bắt giữ mà và không muốn công khai các công nghệ đó.
“Đó không phải là do không có bằng chứng rõ ràng, mà là do không thể sử dụng chúng làm bằng chứng” – công tố viên trưởng David nói. Ngược lại, trung tá không quân Barry Wingard – luật sư biện hộ cho al-Kandari lại khẳng định chính phủ Mỹ không thể truy tố các tù nhân như thân chủ của ông vì thiếu bằng chứng. “Nếu chính phủ có thể truy tố thành công những người này thì hẳn họ đã làm vậy. Nhưng họ lại không thể và sẽ không làm được điều đó” – luật sư Wingard nói.
Mỹ đã bắt đầu sử dụng nhà tù Guantanamo để giam giữ “những phần tử kẻ thù” trong những ngày đầu của cuộc chiến tại Afghanistan. Al-Shimrani – bị bắt giữ tại Pakistan sau khi bỏ trốn khỏi Afghanistan – là một trong những tù nhân đầu tiên và được liệt vào nhóm những nguồn tin tình báo có giá trị về Al Qaeda. Theo các văn bản của tòa án, đối tượng này đã bị thẩm vấn ít nhất 88 lần.
Tại thời điểm đỉnh cao, nhà tù Guantanamo là nơi giam giữ 680 tù nhân. Trước áp lực trên toàn cầu, tổng thống Obama đã cam kết sẽ đóng cửa nhà tù này sau khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, cam kết của ông Obama đã bị Quốc hội Mỹ cản trở với việc thông qua một đạo luật cấm chuyển các tù nhân tới Mỹ và gây khó khăn cho việc các tù nhân này ra nước ngoài.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)