Một bức thư điện tử của công ty tình báo toàn cầu Stratfor được đăng tải trên nhật báo Australia cho biết, Mỹ đã lập “một bản cáo trạng mật” chống lại nhà sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. |
Bức thư điện tử nói trên đề ngày 26/1/2011 được Phó Chủ tịch Stratfor Fred Burton gửi tới các nhà phân tích của công ty, là một trong 5 triệu bức thư mà WikiLeaks có ý định công bố trong những tuần tới. “Chúng tôi có một bản cáo trạng mật chống lại Assange”, Fred Burton – một cựu điệp viên tình báo chuyên về chống khủng bố - viết. Cũng trong bức thư này, Burton truyền lệnh tới những nhân viên của mình phải giữ kín thông tin mật, tờ Sydney Morning Herald cho biết.
Julian Assange – nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks - là công dân Australia hiện đang chờ phán quyết của Tòa án Tối cao Anh đối với kháng cáo dẫn độ tới Thụy Điển do các cáo buộc tấn công tình dục. Assange phủ nhận các cáo buộc này và cho rằng chúng được tạo ra do động cơ chính trị và có liên quan tới hoạt động của trang mạng WikiLeaks.
Hồi năm 2010, WikiLeaks đã làm rùm beng thế giới khi đăng tải nhiều tài liệu quân sự mật về Iraq và Afghanistan cũng như những bức điện ngoại giao của Mỹ. Việc Assange bị dẫn độ tới Stokholm có thể mở đường cho việc ông này bị dẫn độ sang Mỹ và đối mặt với các cáo buộc làm gián điệp liên quan tới tài liệu quân sự mật do binh sỹ Mỹ Bradley Manning tiết lộ.
Hiện Mỹ đang sốt ruột chờ đợi để được “xử lý” ông chủ của WikiLeaks sau khi công dân Australia này đăng tải hàng trăm nghìn tài liệu mật của nước mình. Trong khi đó, luật sư người Australia của Assange là Jennifer Robinson hôm 28/2 đã yêu cầu Canberra bảo vệ cho thân chủ của mình. “Đã đến lúc Chính phủ Australia và người dân Australia bắt đầu đặt vấn đề. Ông ấy là công dân Australia và ông ấy đáng được bảo vệ”, bà luật sư nói.
Về phần mình, Thượng nghị sỹ Đảng Xanh Australia Scott Ludlum ngày 29/2 đã yêu cầu Chính phủ Australia "thẳng thắn" với Mỹ về vấn đề này rằng. Ông nói: "Chúng ta sẽ không khoanh tay đứng nhìn Assange bị dẫn độ tới Mỹ để đối mặt với những cáo buộc có thể khiến ông ta bị phạt tù hàng chục năm".
25 tin tặc bị bắt giữ
Trong một diễn biến khác liên quan tới câu chuyện tin tặc, Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) cho biết, 25 hacker bị nghi ngờ tham gia vào nhóm “Anonymous” vừa bị bắt giữ sau một loạt các vụ tấn công trên mạng tại Argentina, Chile, Colombia và Tây Ban Nha.
Một hacker người Pháp thuộc “Anonymous” tại Pháp. |
“Chiến dịch mang tên “Unmask” đã được tung ra vào giữa tháng 2 sau một loạt các vụ tấn công trên mạng tại Argentina, Chile, Colombia và Tây Ban Nha nhằm vào Bộ Quốc phòng Colombia và các trang web của văn phòng tổng thống”, Interpol có trụ sở tại Lyon cho biết.
Công ty điện lực Endesa của cũng là mục tiêu của các vụ tấn công này. 4 trong số những tên tin tặc đã bị bắt giữ và thẩm vấn tại Tây Ban Nha, 10 tên tại Argentina, 6 tên ở Chile và 5 tên khác ở Colombia. Những đối tượng này tuổi từ 17 đến 40.
Theo cảnh sát Tây Ban Nha, 4 người bị bắt tại Tây Ban Nha chủ yếu bị cáo buộc tung lên mạng những dữ liệu cá nhân của lực lượng an ninh làm việc cho người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha và cảnh sát quốc gia.
Ngoài ra, những người này cũng bị tình nghi tấn công những trang web chính thức bằng cách phong tỏa hoặc thay đổi dữ liệu trên trang web đó. Một trong những tên hacker này bị tình nghi “phụ trách quản lý cơ sở hạ tầng tin học mà nhóm “Anonymous” sử dụng chủ yếu tại Tây Ban Nha và châu Mỹ Latin”.
Theo cảnh sát, “các máy chủ mà tên này quản lý được đặt ở Cộng hòa Séc và Bulgary”. Một thành viên khác trong nhóm thì bị tình nghi phụ trách “các vụ tấn công nhiều người biết đến nhất và những vụ rò rỉ thông tin mà “Anonymous” nhận trách nhiệm tại Tây Ban Nha.
Chiến dịch “Unmask” được tiến hành tại khoảng 40 thành phố, cho phép tịch thu nhiều thiết bị tin học, điện thoại di động, tiền mặt, thẻ tín dụng. Tổ chức “Anonymous” được coi như mối “đe dọa” đối với các hệ thống của Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cảnh sát Tây Ban Nha cho biết rõ. Tuy nhiên, nhóm tin tặc này hoạt động tản mát khắp nơi trên thế giới.
Theo nhận định của cảnh sát, các vụ bắt giữ trên đây có thể gây nên một cuộc trả đũa tại Brazil, sau vụ đóng cửa trang web Megaupload.com, một trong những trang web quan trọng chia sẻ thông tin trên mạng bị cáo buộc vi phạm quyền tác giả.
Để phản đối việc đóng cửa trang web này, “Anonymous” đã tấn công các trang web của Chính phủ Mỹ, sau khi làm treo nhiều giờ các trang web của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ.
Quang Minh (Theo AFP)