Trong khi Israel cảnh báo về một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran thì Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm ngày 5/3 khuyến nghị Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục các biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế trước khi áp dụng những hành động quân sự.
Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Obama. Ảnh: BBC |
Hai nhà lãnh đạo Israel và Mỹ ngày 5/3 đã gặp nhau tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề hạt nhân của Iran và một số vấn đề khác ở Trung Đông trong bối cảnh có nhiều suy đoán cho rằng Israel có thể tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran.
Theo một quan chức tại Nhà Trắng, cuộc hội đàm ngày 5/3 diễn ra trong không khí “thân thiện, thẳng thắn và nghiêm túc”. Hai nhà lãnh đạo đã cố gắng xây dựng một mặt trận đoàn kết nhưng đã không xóa được những khác biệt cơ bản trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Iran.
Vị quan chức giấu tên tại Nhà Trắng cho hay, thủ tướng Israel Netanyahu trong cuộc họp đã tái khẳng định vẫn chưa quyết định tấn công Iran nhưng bày tỏ thái độ hoài nghi sâu sắc về khả năng những áp lực quốc tế có thể thuyết phục nhà lãnh đạo Iran từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi đã chờ đợi các biện pháp ngoại giao cũng như các biện pháp trừng phạt phát huy tác dụng nhưng chúng tôi không thể chờ thêm nữa. Ở cương vị là Thủ tướng Israel, tôi không thể để người dân của mình sống trong bóng tối của sự hủy diệt” – ông Netanyahu phát biểu trước một nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel hôm 5/3.
Nhà lãnh đạo Israel đã cho rằng phương Tây không nên mở lại các cuộc đàm phán với Iran cho đến khi nước này đồng ý ngừng hoạt động làm giàu uranium và yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định rõ đâu là “ranh giới đỏ” cuối cùng mà phía Iran không được vượt qua.
Truyền thông Israel đưa tin, Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng cần thực hiện tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran, mà theo đánh giá của tình báo Israel, đã quá gần tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama trong khi đó tái khẳng định mối liên kết “không thể phá vỡ” giữa Mỹ và Israel. Nhưng ông Obama cũng nói rằng, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu tuy chưa thể loại bỏ những mối nguy về hạt nhân của Iran nhưng đã đẩy lùi thời gian phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
“Chúng tôi tin rằng vẫn còn một cánh cửa cho biện pháp ngoại giao trong vấn đề này” – Tổng thống Obama nói. Ông đã đảm bảo với ông Netanyahu rằng Mỹ coi giải pháp quân sự là kế sách cuối cùng và “được sự ủng hộ của Israel”.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Washington hôm 4/3, ông Obama tuyên bố Mỹ “sẽ không ngần ngại” sử dụng vũ lực nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. “Tôi có chính sách để ngăn chặn việc Iran có được vũ khí hạt nhân. Như tôi đã nhiều lần khẳng định trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, tôi sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực khi điều này là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ và những lợi ích của nước Mỹ” – ông Obama phát biểu trong một cuộc họp báo.
Một trang web của cộng đồng tình báo Israel dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc hôm 5/3 cũng khẳng định, Mỹ đang chuẩn bị các phương án để can thiệp quân sự, trong đó có việc tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay của không quân Israel, tấn công vào những trụ cột của Nhà nước Iran như Lực lượng Vệ binh Cách mạng, lực lượng tinh nhuệ Al-Quds, các căn cứ quân sự, Bộ Tình báo và An ninh Iran”.
Trung Quốc liên tiếp cảnh báo Iran
Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran, phát biểu tại một cuộc họp báo nằm trong chương trình họp Quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm qua (6/3) đã nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc phản đối lệnh trừng phạt đơn phương vào Iran, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế về hoạt động hạt nhân của Tehran ngày càng gia tăng.
“Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông, bao gồm cả Iran, phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân” – ông Dương nói nhưng cũng khẳng định thêm rằng Iran vẫn có quyền theo đuổi các hoạt động hạt nhân vì mục đích hoà bình.
“Chúng tôi phản đối lệnh trừng phạt đơn phương”, ông nói thêm. Tuyên bố của ông Dương được đưa ra một ngày sau khi người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc nói rằng ông “quan ngại sâu sắc” về quy mô quân sự trong hoạt động nguyên tử của Tehran.
Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi một giải pháp thương lượng về các tranh cãi quanh hoạt động nguyên tử của Tehran, mà các nước phương Tây nói rằng nhằm phát triển vũ khí hạt nhân trong khi Iran khăng khăng rằng các hoạt động này chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Bắc Kinh cũng phản đối những nỗ lực của phương Tây gây áp lực lên Iran bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt vào xuất khẩu dầu mỏ.
Ông Dương cũng kêu gọi dành thời gian nhiều hơn cho các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5 +1, gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức.
Thanh Tùng (Theo NYT, Reuters)