Mỹ đề xuất giảm ngân sách nhiều chương trình phúc lợi xã hội

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Đề xuất ngân sách lớn đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến được công bố hôm nay (23/5) sẽ bao gồm những khoản cắt giảm lớn cho chương trình y tế Medicaid và các chương trình chống đói nghèo khác.

AP dẫn các nguồn tin thông thạo bản kế hoạch cho biết, tổng cộng, kế hoạch ngân sách của ông Trump đề xuất cắt giảm 1,7 nghìn tỉ USD từ các chương trình bắt buộc trong 10 năm tới. Các khoản cắt giảm này bao gồm tiền lương hưu cho các nhân viên liên bang, yêu cầu đóng góp cao hơn đối với những người thụ hưởng các chương trình phúc lợi cũng như cắt giảm chương trình tín dụng thuế cho người lao động nghèo.

Trong đó, tờ The Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết, đối với chương trình Medicaid – chương trình chăm sóc sức khỏe cho những người có thu nhập thấp tại Mỹ, bản kế hoạch ngân sách của ông Trump sẽ tuân theo một dự thảo luật đã được Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua, theo đó cắt giảm 800 triệu USD từ chương trình y tế trong 10 năm tới. Theo Văn phòng ngân sách của Quốc hội Mỹ, khoản cắt giảm này sẽ đồng nghĩa với việc khoảng 10 triệu người Mỹ sẽ bị mất các phúc lợi từ chương trình Medicaid trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, trong bản kế hoạch ngân sách sắp được công bố, Nhà Trắng cũng kêu gọi trao quyền để các bang có thể linh hoạt hơn trong việc xác lập các yêu cầu về việc làm đối với những người được thụ hưởng các chương trình chống đói nghèo của Chính phủ. Theo các nhà quan sát, quy định như vậy có thể dẫn tới những thay đổi đáng kể ở các bang do những thống đốc bảo thủ lãnh đạo. Hiện nay, các quy định về tiêu chuẩn đối với các chương trình chống đói nghèo do cả chính quyền các bang và liên bang quy định. Do đó, việc cho phép các bang thắt chặt các yêu cầu về việc làm có thể đưa đến việc hạn chế số người có thể tiếp cận với những chính sách này.

AP cho biết, trong bản kế hoạch ngân sách của ông Trump bao gồm kế hoạch cắt giảm 193 triệu USD, tương đương 25% ngân sách từ Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung – chương trình được coi là phiên bản hiện đại của hệ thống tem phiếu thực phẩm – trong vòng 10 năm tới. Hiện có khoảng 42 triệu người Mỹ được thụ hưởng chương trình này. Khoản cắt giảm ngân sách chương trình tem phiếu thực phẩm này là một phần của kế hoạch cắt giảm 274 triệu USD trong kế hoạch cải tổ phúc lợi xã hội của ông Trump.

Số chương trình phúc lợi xã hội ở Mỹ đã gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính, dẫn tới việc nhiều người thuộc đảng Cộng hòa phàn nàn rằng cần phải cắt giảm số người thụ hưởng các chương trình này và có các biện pháp buộc họ phải tham gia lao động. Ít lâu sau khi nhậm chức, ông Trump cũng đã tuyên bố muốn “tách người dân khỏi các chương trình phúc lợi xã hội và quay trở lại làm việc”. 

Quyết định của ông Trump trong việc đưa kế hoạch cắt giảm Medicaid vào dự toán ngân sách được đánh giá là động thái quan trọng bởi nó cho thấy ông đã bác bỏ lời kêu gọi không đảo ngược chương trình Medicaid của một số thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa. Trước đó, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cắt giảm nguồn quỹ Medicaid nhưng các thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đã có những động thái cho thấy họ sẽ bắt đầu xét lại kế hoạch này.

Bản kế hoạch ngân sách này cũng được cho là bao gồm khoản tiền 1,6 tỉ USD để xây bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Khoản tiền này nằm trong gói tăng chi 2,6 tỉ USD cho các chương trình an ninh biên giới của Chính phủ Mỹ. Trong bản kế hoạch, ông Trump cam kết sẽ đảm bảo cân bằng ngân sách trong 10 năm tới.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.