Theo đài RT, Lầu Năm Góc cho biết, khoản viện trợ mới nêu trên bao gồm “các hệ thống phòng không và đạn dược bổ sung”, đạn dược cho hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái, đạn pháo 155mm, thiết bị để tích hợp hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp vào mạng lưới của Ukraine cũng như việc “hỗ trợ huấn luyện, bảo trì và duy trì các hoạt động”.
Tuy nhiên, khác với các đợt viện trợ vũ khí trước đây, trong khuôn khổ gói viện trợ mới của Mỹ, đạn dược sẽ không được rút thẳng từ kho của quân đội Mỹ.
Thay vào đó, các viện trợ sẽ được cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép Washington ký hợp đồng với ngành công nghiệp quân sự Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã phát hành một tờ thông tin cập nhật về khoản viện trợ quân sự mà Mỹ cam kết dành cho Ukraine dưới thời Tổng thống Joe Biden - bao gồm cả những mặt hàng vẫn chưa được chuyển giao, như xe tăng M1 Abrams.
Theo thống kê, tổng giá trị viện trợ đã vượt quá 37,6 tỷ USD, trong đó 700 triệu USD đã được gửi trước tháng 2/2022.
Về phía Nga, quan điểm của Nga đối với việc cung cấp vũ khí cho phương Tây vẫn không thay đổi.
Các quan chức Điện Kremlin liên tục cảnh báo rằng, bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine, các quốc gia phương Tây đã tự biến mình thành những bên tham gia trên thực tế vào cuộc xung đột giữa nước này với Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng trước tuyên bố rằng không có số lượng vũ khí nước ngoài nào có thể “ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch đặc biệt”.