Khi nói chuyện với kẻ nghèo khổ, phải theo nguyên tắc có lợi cho người ta. Khi nói chuyện với kẻ thấp hèn, cần tỏ ra khiêm tốn. Khi nói chuyện với kẻ dũng cảm, cần theo nguyên tắc quyết đoán quả cảm.
Bình luận: “Gặp người nào nói chuyện đó", theo quan niệm truyền thống thì những người như vậy là khéo mồm khéo miệng, mồm mép đỡ chân tay. Nhưng trong giao tế hiện đại không quan niệm như vậy. Chuyện trò cần tùy người mà nói không phải chỉ là nhu cầu mà còn là một tất yếu, nếu không sẽ mắc sai lầm “gảy đàn tai trâu", không có sức thuyết phục.
Thời xưa có một người tên là Công Minh Nghi, chơi đàn rất hay. Một hôm anh ta chợt nảy ra một ý quái đản gảy đàn cho trâu nghe. Trâu ta vẫn thản nhiên cúi đầu gặm cỏ. Do đó mới có điển tích “gảy đàn tai trâu”. Theo bản ý của điển tích này, trâu ở đây chỉ kẻ ngu đần, nhưng trên thực tế, kẻ ngu đần nhất ở đây lại là Công Minh Nghi. Trâu không hiểu âm nhạc, đó không phải là sai lầm của trâu, mà đó là sai lầm của người gảy đàn không đúng đối tượng.
Trong giao tế, cần nắm vững nguyên tắc tùy người mà nói, mấy nguyên tắc do Quỷ Cốc Tủ nêu ra ở trên có tác dụng giúp ích cho chúng ta không ít trong giao tế thời hiện đại.
Chuyện Đường Tuy đối đáp Tần Vương: Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Vương phái sứ giả đến An Lăng để đánh đổi 500 dặm vuông đất của mình lấy 50 dặm vuông đất An Lăng. An Lăng Quân nói đất đai là của tổ tiên để lại, dù ruộng đất rộng hơn cũng không thể đổi được. Tần Vương thấy thế rất không vui lòng. Để tránh xảy ra việc rắc rối với Tần Vương, An Lăng Quân phái Đường Tuy làm sứ giả sang Tần du thuyết.
Đường Tuy đến nước Tần xin yết kiến vua Tần. Tần Vương hết sức ngạo mạn nói với Đường Tuy: “Ta dùng 500 dặm vuông đất đai đổi lấy 50 dặm vuông đất An Lăng, An Lăng Quân đã từ chối là cái lý làm sao? Nước Tần ta đã diệt Hàn, Ngụy, ta vẫn để cho An Lăng tồn tại là do ta không thèm để tâm làm gì. Nay ta dùng đất đai rộng gấp 10 lần để mở rộng bờ cõi của An Lăng Quân thế mà y lại không nghe, dám khinh thường ta đến thế”.
Đường Tuy nói: “Muôn tâu, không phải thế ạ. An Lăng Quân nhận đất của tổ tiên để lại cần vĩnh viễn giữ lấy nó, dù có đổi 1000 dặm vuông cũng không dám nhận huống chi là chỉ có 500 dặm vuông”.
Vua Tần nghe nói thế giận lắm, đe dọa: “Nhà ngươi đã nghe nói Thiên tử nổi giận chưa? Thiên tử mà nổi giận thì hàng vạn người đầu rơi máu chảy đầy đường”.
Đường Tuy trả lời: “Thần chưa nghe nói thế nhưng Đại vương đã nghe nói kẻ sĩ mặc áo vải nổi giận chưa?”
Tần Vương nói: “Kẻ sĩ mặc áo vải mà nổi giận thì đến vứt bỏ mũ áo, đập đầu xuống đất là cùng chứ gì”.
Đường nói: “Đó là một người bình thường nổi giận chứ không phải là kẻ sĩ nổi giận. Trước đây Chuyên Chư vì Công tử Ngô mà hành thích Ngô Vương thì sao chổi đâm vào mặt trăng; Nhiếp chính giết Hàn Vương phục thù cho Nghiêm Trọng Tử thì cầu vồng che cả mặt trời; Yếu Ly giết Khánh Kỵ con Ngô Vương thì chim nhạn xông vào cung điện.
Ba người đó đều là kẻ sĩ áo vải. Họ chưa nổi cơn lôi đình và trời xanh đã giáng điềm báo. Nay còn hạ thần nữa, sẽ là người thứ tư đấy. Nếu kẻ sĩ nổi giận thì tuy chỉ có hai xác người nằm trên mặt đất, máu chảy chỉ vài dài vài bước nhưng bàn dân thiên hạ đều phải mặc áo tang. Đã đến lúc rồi đấy!”. Đường nói xong tuốt gươm xông lại.
Tần Vương sợ tái mặt, vội van xin: “Mời tiên sinh ngồi, ta rõ rồi. Hàn, Ngụy có thể diệt vong nhưng 50 dặm vùng đất An Lăng phải tồn tại vì có tiên sinh đấy”.
Trong pha du thuyết đẹp mắt của Đường Tuy, ông đã viện lý do An Lăng là đất tổ tiên để lại phải vĩnh viễn giữ lấy, bác bỏ một cách nghiêm túc, chính đáng yêu cầu vô lý của Tần Vương. Khi bị vua Tần đe dọa, ông đã ăn miếng trả miếng, cuối cùng buộc Tần Vương phải thay đổi thái đội ngạo mạn, vứt bỏ yêu cầu chiếm đất An Lăng.
Đó là do Đường Tuy nắm chắc nguyên tắc “nói chuyện với kẻ sang cần dựa vào quyền thế”, chọi nhau từng miếng, thuyết phục được Tần Vương, không làm nhục đến sứ mệnh, bảo vệ được lãnh thổ hoàn chỉnh và độc lập chủ quyền của quốc gia.
Trí tuệ uyên bác của Tô Tần: Trong du thuyết, khuyên nhủ người khác cần phải có dẫn chứng uyên bác rộng rãi, làm tăng thêm sức thuyết phục và sức cảm nhiễm. Chính vì thế nên Quỷ Cốc Tử mới nói: “Nói chuyện với bậc trí giả, cần uyên bác”. Thời Chiến Quốc Tô Tần đã từng dựa vào trí tuệ uyên bác để thuyết phục Yên Vương giữ nguyên chức tước của mình.
Tô Tần nhận lệnh của Yên Vương sang Tề đòi lại được 10 tòa thành trì của Yên. Khi trở về nước Yên, không có ai ra đón rước ông.
Thì ra sau khi Tô Tần sang Tề, có người nói xấu ông với Yên Vương, vu cáo ông là kẻ phản phúc, lần này đi chắc sẽ bị vua Tề mua chuộc. Yên Chiêu Vương vốn không hiểu rõ Tô Tần, nghe nói vậy bèn cách chức ông.
Tô Tần tìm gặp Chiêu Vương nói: “Hạ thần vốn là kẻ quê mùa, khi chưa lập công được bệ hạ đón tiếp. Nay đòi được 10 tòa thành trì, bệ hạ lại cách chức tước của hạ thần, chắc chắn đã có kẻ nói xấu rêu rao hạ thần là kẻ bất trung, bất tín. Nói thực tình, đúng hạ thần cũng có tí chút bất trung, bất tín”.
Chiêu Vương nói: "Thế là đủ rồi”.
Tô Tần lại nói: "Nếu đều giống như ba người thì bệ hạ sẽ không còn ai phò tá nữa. Tăng Sâm chí hiếu, suốt ngày đêm không chịu xa rời cha mẹ. Bệ hạ làm thế nào để ông ta rời quê hương giúp nước Yên được? Bá Di thà chết đói trong núi Thủ Dương để tỏ lòng trung với nhà Thương, không chịu ăn lương thực của nhà Chu, làm sao bệ hạ có thể phái người đó làm sứ giả sang Tề?
Vĩ Sinh rất coi trọng chữ tín, ông hẹn gặp cô gái ở ngôi miếu hoang, cô gái không đến, gặp đúng nước lụt dâng cao, ông ta ôm cột chịu chết đuối, làm sao đại vương có thể dùng những người đó đi các nước khác làm rạng rỡ quốc uy của nước Yên? Do đó thấy những người chú trọng trung tín hiếu nghĩa chẳng qua chỉ là coi trọng bảo vệ thanh danh của cá nhân mình chứ không chịu tận tụy với đất nước”.
Tô Tần càng nói càng xúc động, ông kể tiếp: “Nếu hạ thần cũng câu nệ những đức hạnh như vậy thì sẽ không rời bỏ quê hương để phụng sự bệ hạ. Hạ thần còn có mẹ già ở Lạc Dương, thần đi theo bệ hạ do không bị cái đức trung tín hiếu thuận đó ràng buộc. Thần cho rằng như thế mới là lòng trung cao nhất đối với bệ hạ. Thần đã vứt bỏ chữ trung tín nhỏ để tôn thờ chữ trung tín lớn nhất, nào ngờ chính vì lòng trung tín lớn nhất đó mà đã mang tội với bệ hạ”.
Yên Vương nói: “Trong thiên hạ làm gì có trung tín mà lại mang tội với người khác”.
Tô Tần tâu bày: “Đại vương chưa rõ, thần có một hàng xóm láng giềng, chồng đi làm xa, vợ rước giai về nhà. Sau này chồng sắp về, anh tình nhân buồn lắm, cô vợ nói đừng có buồn, chuẩn bị cho hắn một chén rượu độc là xong chuyện. Ba ngày sau người chồng về. Cô vợ bảo người gái hầu rót rượu. Cô hầu biết rượu có thuốc độc, cho ông chủ uống có nghĩa là giết chủ, nếu nó thực tình cho chủ biết thì lại sợ bà chủ bị đuổi.
Cô hầu nảy ra sáng kiến, giả vờ sảy chân đánh đổ rượu. Ông chủ nổi giận đánh cho mấy chục roi. Đại vương coi, cô hầu sảy chân, cứu được ông chủ, thế đã là trung tín chưa? Nhưng vẫn bị đòn. Hoàn cảnh của hạ thần nay cũng giống như cô hầu gái. Thần tận trung với bệ hạ nhưng lại mang tội, sau này còn ai dám hết lòng phụng sự ệ hạ nữa”.
Yên Vương càng nghe càng cảm thấy mình đã cả tin những lời dèm pha. Ông đứng dậy nói: “Trẫm thật đáng trách, đã cả tin lời đồn bậy, làm khanh bị oan ức”.
Sau đó Yên Vương ban chiếu chi khôi phục chức tước và trọng thưởng Tô Tần.