Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Mường Khương là huyện miền núi với đặc điểm hơn 80% diện tích đồi núi, chủ yếu đá vôi; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển nông nghiệp, với các sản phẩm chủ lực như chè, chuối, dứa,…
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định 6 cây, con chủ lực và đưa ra các giải pháp đồng bộ, căn cơ đã tạo động lực để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương đã chuyển đổi 1.969 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển các ngành hàng chủ lực (chè, dứa, chuối, quế). Huyện đã thực hiện chuyển đổi 749,54 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hàng hóa.
Huyện Mường Khương đã chuyển đổi 1.969 ha đất trồng cây kém hiệu quả |
Mường Khương là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Huyện Mường Khương chú trọng tập trung vào phát triển các cây trồng chủ lực của huyện theo Nghị quyết 10 của BTV Tỉnh uỷ Lào Cai về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đó là tập trung phát triển 5 cây, con chủ lực gồm: cây chuối, cây dứa, cây chè, kinh tế đồi rừng và phát triển đàn lợn đen bản địa.
Trong số 5 cây trồng chủ lực của tỉnh thì Mường Khương có tới 4 cây với tổng diện tích hơn 8.157 ha. Trong đó, diện tích chè chiếm 50% diện tích các cây trồng chủ lực của huyện, tính đến tháng 8/2022, sản lượng thu hoạch đạt 16.595 tấn, giá trị sản lượng đạt 131,86 tỷ đồng. Sản phẩm chè sản xuất tại huyện Mường Khương cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Trung Đông, Đài Loan, nguồn thu hơn 100 tỷ đồng/năm.
Hầu hết các sản phẩm đang được xây dựng thương hiệu và đã có mặt trong các siêu thị lớn của Việt Nam |
Huyện Mường khương cũng nổi tiếng với các đặc sản nông nghiệp như: gạo Séng Cù, dứa Bản Lầu, mận hậu Cao Sơn, lê Pha Long,… Hầu hết các sản phẩm đang được xây dựng thương hiệu theo hướng gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.
Các mặt hàng nông sản của bà con đã có mặt trong các siêu thị lớn |
Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao” là một trong những bước đột phá trong cả nhiệm kỳ.
Theo đó, huyện Mường Khương tiếp tục phát huy thế mạnh vùng cây trồng đặc sản; tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và gắn sản xuất với công nghiệp chế biến…
Huyện Mường Khương áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa |
Theo Nghị quyết số 10/NQ-TU, huyện Mường Khương tập trung chú trọng phát triển cây trồng tiềm năng. Các cây, con chủ lực của huyện đã đạt được kết quả cao, cụ thể: sản phẩm chủ lực cây chuối, cây dứa đã thực hiện trồng xong vụ Xuân với diện tích chuyển đổi 345,7ha (cây chuối 144,7ha bằng 120,6% KH, cây dứa 226 ha bằng 113% KH); cây chè 161,04% bằng 18,7% KH; vùng nguyên liệu gỗ (trồng mới) 283,35 ha bằng 70,8% KH. Trong chăn nuôi, huyện tập trung chỉ đạo phát triển đàn lợn theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; tổng đàn lợn đen 17.855 con, sản lượng thịt đến nay đạt 252,2 tấn.
Ông Tô Việt Thành, phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương |
Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Huyện Mường Khương xác định tiếp tục phát huy thế mạnh vùng cây trồng đặc sản, tăng cường công tác quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, kịp thời định hướng nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và gắn sản xuất với công nghiệp chế biến… hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn mới phát triển.
Nhìn chung, cơ cấu cây trồng của huyện chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng diện tích cây trồng chủ lực, tiềm năng, có đầu ra ổn định theo chuỗi liên kết; giảm diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Huyện đã chủ động tìm kiếm, thu hút các các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa |
Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Huyện đã chủ động tìm kiếm, thu hút các các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 – NQ/TU, toàn huyện đã và đang thu hút được 5 dự án đầu tư, xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông sản. Cụ thể, đã đi vào hoạt động 1 nhà máy chế biến nông sản (chế biến chè, gạo Séng Cù), phát triển các sản phẩm OCOP tại xã Bản Sen của HTX Bản Sen. Dự án đang thu hút đầu tư: Nhà máy chế biến nông sản tại thị trấn Mường Khương của HTX cộng đồng Mường Khương, đang khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản (quýt, chuối).
Công tác xúc tiến thương mại cũng được quan tâm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nên một số sản phẩm có thời điểm còn gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ cho nhân dân. HTX Thịnh Phong cung ứng dứa vào hệ thống siêu thị Winmart với sản lượng khoảng 185 tấn, giá trị đạt 880 triệu đồng; hỗ trợ đăng ký tham gia 5 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Huyện đã xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp của huyện vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn: Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu của thị trường. Một số chuỗi liên kết đã được hình thành những chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nguyên nhân là do điều kiện canh tác chủ yếu trên đất dốc, chi phí đầu tư lớn, người nông dân ít có khả năng đầu tư. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của một bộ phận người dân còn hạn chế. Các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu được hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng.
Thêm nữa, do những bất ổn chính trị của các nước Châu Âu, đặc biệt ở Nga và Ukraina; các Công ty trong nước thu mua với số lượng nhỏ cộng thêm năm nay giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp, nhân công tăng đã gây khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (dứa, chuối) trên địa bàn huyện.
Trước khó khăn đó UBND huyện Mường Khương đã có các cuộc làm việc với doanh nghiệp và đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân.