Những khoản chi bất tận
Chị Nguyễn Thu Nga (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm nay con chị vào lớp 1. Từ cuối tháng 7, nhà trường đã yêu cầu phụ huynh cho các con đến lớp làm quen với môi trường học tập. Mỗi tuần học khoảng bốn buổi từ thứ Hai đến thứ Năm, chi phí tiền học và bán trú hết khoảng 2 triệu đồng cho một tháng. Không chỉ học ở trên trường, con chị Nga phải đến các lớp tiền tiểu học tiếp tục “bồi dưỡng” kiến thức trước khi vào năm học mới. Chị tâm sự: “Chỉ tính riêng chi phí học tập một tháng vừa qua, gia đình tôi tốn khoảng 4 triệu đồng”.
Tuy nhiên, chị Thu Nga cho biết, vào năm học, các khoản thu - chi sẽ phát sinh nhiều hơn. Ngoài tiền học trên trường, còn tiền quỹ phụ huynh, quỹ lớp, tiền học thêm, tiền tham gia các hoạt động ngoại khóa. Chị nói: “Mới vào đầu năm, Ban phụ huynh đã thông báo về một số khoản tiền phải đóng. Quỹ lớp đã mất đến 3 triệu/năm. Lớp con tôi được chọn để biểu diễn văn nghệ, phụ huynh, giáo viên không ai có thời gian dàn dựng tiết mục cho các con, vì vậy phải thuê người dạy. Tính riêng chi phí mời giáo viên dạy múa, lên ý tưởng tiết mục đã mất gần 5 triệu đồng”.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 8, khi năm học mới sắp bắt đầu, các gia đình có con đang trong độ tuổi đến trường lại phải cân đo, đong đếm từng đồng. Có nhiều phụ huynh thậm chí đã phải tiết kiệm thu - chi từ mùa hè, để chuẩn bị những khoản tiền đầu năm cho các con.
Chị Nguyễn Bình Dương (45 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng chị làm công ăn lương, thu nhập ổn định, có hai con đang trong độ tuổi ăn học. Để đóng các khoản phí đầu năm, gia đình chị phải tiết kiệm từ tháng 6. Chị nói: “Tiền học các câu lạc bộ hè do trường tổ chức ngày càng cao. Chúng tôi mất khoảng 4 triệu cho hai con học, bằng nửa thu nhập của cả hai vợ chồng. Mặc dù tiền học cao gấp đôi những tháng trong năm, nhưng bố mẹ bận rộn không có thời gian quản lý các con, nên đành gửi đến trường”.
Thực tế, tiền học hè là một khoản rất nhỏ “khởi động” cho hàng loạt khoản thu - chi mà phụ huynh phải nộp đầu năm. Được biết, năm nay, trường tiểu học nơi con út nhà chị Dương học đã may lại đồng phục, thay huy hiệu một lần nữa, phụ huynh phải tốn vài trăm nghìn để mua ba, bốn bộ đồ mới cho con. Vừa lo xong tiền cho đứa nhỏ, vợ chồng chị phải quay qua đứa lớn đang học cấp II. Năm nào, vào đầu năm học, lớp lại có thêm các khoản tiền mua điều hòa, sửa chữa bàn ghế tốn vài trăm đến vài triệu đồng.
Cứ vào đầu năm học, phụ huynh lại đối diện với những khoản chi tiêu bất tận. (Ảnh minh họa - Nguồn:LovePick) |
Chị Bình Dương tâm sự thêm, ngoài tiền học chính, bắt đầu từ tháng 8, chị đã cho cả hai con đến lớp học thêm. Chị nói: “Năm nay con gái lớn của tôi học lớp 8, còn hơn một năm nữa cháu sẽ thi chuyển cấp. Vì vậy, chúng tôi đầu tư hết tiền bạc, thời gian, hy vọng con đỗ vào một trường công lập. Con trai út của tôi năm nay đã học lớp 4, để cháu theo kịp kiến thức trên lớp, một tuần, gia đình cho cháu học thêm 3 buổi/ba môn chính”. Học phí mỗi buổi học thêm của các con chị dao động từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn. Tổng số tiền học thêm mỗi tháng của các con chị rơi vào khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Đây là một số tiền tương đối lớn với thu nhập của hai vợ chồng chị, nhưng vì tương lai của các con, vợ chồng chị Dương đành bớt ăn, bớt mặc lại.
Càng lên cấp học cao, số tiền các gia đình phải đầu tư cho con cái “tăng dần đều”. Thậm chí ở cấp đại học, để chuẩn bị cho các em sinh viên nhập học, gia đình phải có những cuộc hẹn các thành viên bàn bạc chuẩn bị khoản tiền lên đến 40 - 50 triệu.
Nguyễn Phương Hiền (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, năm nay em gái cô đỗ vào đại học. Bên cạnh niềm vui của gia đình, còn đó các khoản chi phí đầu năm lên đến hàng chục triệu đồng. Cô cho biết: “Em gái tôi đỗ vào một trường đào tạo về kinh tế tốp 3 tại Hà Nội. Mặc dù mới chỉ có thông báo trúng tuyển, nhưng số tiền dự kiến gia đình phải chi vào đầu năm học khoảng 12 - 16 triệu đồng. Chưa kể khoản tiền mua xe máy, mua máy tính xách tay, điện thoại mới, đồ dùng phục vụ cho “tân sinh viên”. Tôi và bố mẹ tính toán phải mất khoảng 30 - 40 triệu đồng để em gái có điều kiện học tốt nhất”. Phương Hiền tâm sự, đây mới chỉ là dự tính, thực tế, số tiền phải chi trả sẽ cao hơn. Khi em gái cô phải đóng các loại quỹ lớp, quỹ trường, bảo hiểm y tế, tiền học thêm chứng chỉ Tiếng Anh, Tin học và kỹ năng cần thiết để kịp tốt nghiệp sau 4 năm nữa.
“Mất ăn, mất ngủ” vì môi trường học tập
Bên cạnh nỗi lo về kinh tế, hiện nay, môi trường học tập cũng là một câu hỏi lớn đối với phụ huynh. Khoảng thời gian đầu năm, có những gia đình “mất ăn, mất ngủ” vì việc chuyển trường, chuyển lớp, tìm các lớp học thêm chất lượng tốt cho học sinh.
Chị Nguyễn Hải Anh (35 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết, hiện nay con chị đang học lớp 2 tại một ngôi trường trong khu vực sinh sống. Mỗi ngày, sau khi con tan học, chị đều hỏi kỹ càng về các suất ăn trưa trên trường, cách cô giáo giảng dạy, tính tình các bạn chơi cùng với con. Chị Hải Anh tâm sự: “Chưa vào niên học mới, mà trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh bữa cơm “đạm bạc”, thiếu chất dinh dưỡng tại các trường học khiến tôi rất lo lắng. Các cháu đang trong tuổi ăn, tuổi lớn, nên tôi muốn con sống trong môi trường học tập lành mạnh nhất”.
Chị cho biết, mỗi khi đọc được tin tức về việc bạo lực học đường, nhà trường, giáo viên chèn ép học sinh, chị đều lo lắng cho con đến mức trằn trọc cả đêm không ngủ được. Chị Hải Anh nói: “Mỗi năm vào đầu niên học, tôi đều suy nghĩ đến “kiệt quệ” xem xét có nên chuyển con đến môi trường quốc tế, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng để bảo đảm an toàn cho con hay không?”.
Đồng tình với chị Hải Anh, chị Mỹ Phương (44 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang chuẩn bị lên lớp 11 ở một trường tư thục tại Hà Nội chia sẻ, con chị sử dụng học bạ để xét tuyển vào cấp III. Gia đình đã nghiên cứu hơn một năm trời trước khi nộp hồ sơ cho con. Tuy nhiên, môi trường cấp III không như gia đình chị kỳ vọng. Chị Phương tâm sự: “Trong lớp, có một số học sinh trưởng thành sớm hơn với lứa tuổi. Các cháu có xu hướng thích gây gổ, “chơi trội”, khiến nhiều bạn bè trong lớp sợ hãi, trong đó có con tôi. Cháu chia sẻ, cháu không thấy thoải mái khi ngồi học trong lớp. Tôi đang có ý định chuyển trường cho cháu vào đầu năm nay”.
Để tránh lập lại sai lầm, chị Mỹ Phương đã dành cả mùa hè liên hệ với từng trường, gặp gỡ các phụ huynh nhờ tư vấn. Tuy nhiên, mặc dù đã vào năm học mới, nhưng chị vẫn chưa chọn được ngôi trường phù hợp để con mình chuyển tới. Chị thở dài nói: “Những nơi có môi trường tốt thì quá xa nhà. Những trường có chất lượng đào tạo tốt và gần nhà, học phí lại quá cao. Nhiều nơi bố mẹ ưng ý, thì cháu lại tỏ vẻ không thích, nên chúng tôi phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định”.
Môi trường học tập hiện nay đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Ban thi đua - khen thưởng) |
Đặc biệt, hiện nay, nhiều phụ huynh phải “đau đầu” lựa chọn giữa việc cho con học lớp thường và lớp chất lượng cao. Như Phương (28 tuổi, Hà Nội) tâm sự, con cô học ở một trường mầm non tư thục có tiếng tại Hà Nội. Vào đầu năm học, ngoài một dãy khoản chi phí dài cả trang A4, Như Phương còn liên tục được nhà trường “gợi ý” cho con chuyển vào các lớp chất lượng cao, lớp song ngữ. Cô bực bội chia sẻ: “Đầu năm, riêng các khoản tiền chi cho lớp, cho trường mầm non, gia đình tôi đã mất khoảng 9 triệu đồng. Nhưng nhà trường liên tục “gợi ý” phụ huynh cho con chuyển đến các lớp chất lượng cao và lớp song ngữ tốn kém hơn rất nhiều. Cứ đến các cuộc họp đầu năm, vợ chồng tôi cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. Mặc dù con tôi đã theo học ở đây hơn một năm, nhưng tôi đang có ý định chuyển trường cho cháu”.
Câu chuyện trường lớp không chỉ dừng lại ở các em cấp phổ thông, mà hiện nay, “cánh cửa” đại học cũng khiến phụ huynh, thí sinh mệt mỏi khi lựa chọn. Như sau kỳ thi THPT quốc gia 2024, với mức điểm chuẩn cao chót vót, khiến nhiều thí sinh trượt hết các nguyện vọng tốt nhất. Chị Nguyễn Thu Hiền (50 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, con chị năm nay đạt 26 điểm khối D, nhưng đã trượt hết 5 nguyện vọng. Chị Hiền buồn bã nói: “Con có lực học tốt, nên đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), nguyện vọng 2 vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, còn ba nguyện vọng sau đều vào những trường tốp đầu. Nguyện vọng an toàn cuối cùng, con chọn một trường dưới 20 điểm ở ngoại ô Hà Nội. Khi biết tin trượt cả 5 nguyện vọng, gia đình vô cùng thất vọng”.
Hiện tại, chị Thu Hiền vẫn đang phân vân không biết có nên cho con xác định nhập học hay tìm thêm thông tin về các trường đại học tư thục xét tuyển học bạ vào những đợt sau. Thậm chí, chị còn đang xem xét cả phương án học nghề. Chị chia sẻ: “Mỗi con đường đều có một ngã rẽ, hướng đi riêng khiến tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng. Suốt một tuần nay, tôi đã liên tục nhờ thầy, cô giáo, bạn bè, người thân tư vấn, nhưng vẫn chưa có kết quả”.