Những kết quả đạt được qua 3 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường giai đoạn 2010-2012 (Đề án 1928) sẽ khó bền vững nếu nhận thức về vai trò của PBGDPL trong trường học không được “nâng tầm”…
Ảnh minh họa |
Chỉ 43% giáo viên GDCD được đào tạo đúng chuyên ngành
Giáo viên luôn được coi là “đầu tàu” trong cả quá trình đưa các kiến thức, trong đó có kiến thức PL, đến với người học. Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuẩn hóa về kiến thức, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên PL, giáo viên giáo dục công dân (GDCD), báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác PBGDPL. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên dạy GDCD, PL phải dạy chéo môn hoặc chưa được đào tạo đúng chuyên ngành ở một số địa phương còn khá cao.
Thống kê tại 60/62 Sở Giáo dục và đào tạo về rà soát đội ngũ giáo viên GDCD cho thấy, số giáo viên GDCD được đào tạo đúng chuyên ngành đang tham gia giảng dạy hiện nay mới chiếm tỷ lệ 43%, số còn lại phần lớn được đào tạo ghép môn chuyên ngành 2 (Văn, Sử…).
Ở các trường đại học, cao đẳng, giáo viên giảng dạy PL chưa được đào tạo đúng chuyên ngành cũng khá phổ biến. Chỉ có 12% giảng viên PL ở 25 trường cao đẳng sư phạm và 567 giảng viên PL (59,2%) ở 102 trường đại học, 103 giáo viên PL (55%) ở 107 trường trung cấp chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn luật. Hiện nhu cầu được bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên GDCD, giảng viên PL là 71,76%.
Vì thế, cùng với sự thiếu hụt của đội ngũ báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL nói chung, thực trạng số lượng giáo viên GDCD, giảng viên PL tại các cơ sở giáo dục, đào tạo như trên cũng đang là một trong những khó khăn, hạn chế đối với hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường.
Bên cạnh đó, việc đưa môn PL đại cương vào giảng dạy ở tất cả các ngành đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng không chuyên luật chưa được thực hiện đồng bộ vì thiếu chương trình, giáo trình dùng chung môn PL đại cương. Việc giáo dục nâng cao ý thức PL, trách nhiệm công dân và đạo đức, lối sống cho người học thông qua các kiến thức PL trong chương trình chính khóa còn hạn chế. Đặc biệt, theo phản ánh của nhiều học sinh, sinh viên “các hình thức giáo dục PL ngoại khóa còn đơn điệu, rập khuôn, thiếu hấp dẫn khi hiện tượng dạy học nặng về kiến thức, nhẹ về rèn luyện kỹ năng cho người học còn khá phổ biến khiến những tiết học GDCD, PL tại trường trở nên nặng nề, nhàm chán”.
Cần có chế độ ưu đãi cho giảng viên PL
Đó là một trong những kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong quá trình triển khai nhiều đề án, chương trình liên quan đến công tác PBGDPL, trong đó có đề án 1928. Vì thế, bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và đào tạo, (Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1928) cho rằng, để việc thực hiện Đề án 1928 trong thời gian tới tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về ý thức tôn trọng pháp luật của nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức và người học, phải xây dựng và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường, từ các Bộ, ngành, địa phương đến các chủ thể trực tiếp triển khai công tác này.
Nếu các chủ thể không ý thức được công tác PBGDPL trong nhà trường là “nhiệm vụ chính trị phục vụ mục tiêu đào tạo những công dân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước pháp quyền XHCN” thì công tác PBGDPL trong nhà trường sẽ không thể được đầu tư xứng đáng và cứ mãi chỉ là môn học “có cho đủ” trong cả chương trình đào tạo.
Ngoài ra, đại diện nhiều Bộ, ngành kiến nghị, phải có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ giảng viên PL trong các trường dạy luật không chuyên thực hiện công tác PBGDPL, tăng cường tổ chức các cuộc thi cấp quốc gia về PBGDPL, học tập môn học PL để tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhận thức, ý thức tôn trọng PL trong nhà trường, hình thức ý thức chấp hành PL của xã hội…
Tại hội nghị tổng kết Đề án 1928 do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức sáng qua (9/8), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đề nghị: “Để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, giảng dạy PL trong nhà trường thời gian tới, các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương. Đặc biệt, cần kiện toàn, xây dựng chuẩn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên GDCD, PL trong nhà trường vì đây là nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục PL. Nghiên cứu mở khoa Sư phạm Luật vì giáo viên không có nghiệp vụ sư phạm sẽ khiến kiến thức khô khan, khó đến được với người học. Thực hiện Đề án cũng cần quan tâm đến thời lượng, giáo trình, phương pháp, kỹ năng giảng dạy môn GDCD, PL trên cơ sở sát với nhu cầu của người học, để người học có thể ứng dụng các kiến thức được học trong cuộc sống. Tận dụng các nguồn lực, kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong PBGDPL, xây dựng các tấm gương điển hình tiên tiến về thực thi PL trong nhà trường để tạo sự lan tỏa về ý thức chấp hành PL… Bộ Tư pháp cam kết thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác PBGDPL và tham gia chỉ đạo thực hiện, phối hợp để giải quyết các khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án 1928”. |
Huy Anh