“Lụt thì lút cả làng - Muốn cho khỏi lụt thiếp, chàng cùng lo” – câu nói dân dã này của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển dẫn chiếu trong tờ trình về dự thảo Luật phòng chống thiên tai được Quốc Hội lắng nghe trong phiên họp sáng hôm nay (29/10), để nhấn mạnh về tầm quan trọng, cũng như trách nhiệm của toàn dân trong công cuộc phòng chống thiên tai.
Cần thể chế hóa công tác phòng chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại. |
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) nhận định thấy việc ban hành Luật là rất cấp thiết; nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về PCTT đã được khẳng định trong nhiều Văn kiện quan trọng.
Về cơ bản, Cơ quan thẩm định cho rằng nội dung Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành về PCTT và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, có một số quy định trong Dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý cho thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Đặc biệt, theo ý kiến của Ủy ban KH,CN&MT Dự thảo Luật có tới 42 điều khoản quy định còn chung chung, không dẫn chiếu hoặc quy định không rõ, dễ dẫn đến khó thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện tùy tiện; quy định trách nhiệm của các cơ quan chưa được rõ, nhất quán, không khả thi.
Dự thảo Luật cũng có tới 36 điều khoản có sử dụng cụm từ “bộ, ngành”, khái niệm “tổ chức xã hội dân sự”, “bộ đội”, “thanh niên xung kích”, “đời sống dân sinh”…, còn chưa chuẩn mực về văn phong pháp lý.
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cụ thể hơn một số quy định trong Dự thảo Luật, dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tính khả thi của Luật.