(HPĐT)- Hôm qua 25-11, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).
Viện Kiểm sát kiểm tra, giám sát các hoạt động của toà án
Đa số đại biểu đồng tình đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng xét xử án dân sự, giảm án oan sai.
Đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng, Viện Kiểm sát tham dự phiên tòa, phiên họp có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng, phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự. Theo đại biểu, chức năng của Viện Kiểm sát là ở đâu có hoạt động của toà án, hoạt động xét xử thì nhất thiết phải có vai trò của Viện Kiểm sát, bởi chức năng của Viện Kiểm sát là kiểm tra, giám sát các hoạt động của toà án có đúng pháp luật hay không, chứ không phải kiểm tra, giám sát bản thân vụ việc đương sự đưa ra có đúng hay không, hoặc đi sâu vào tình tiết của vụ án. Đại biểu Phạm Quốc Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải và cho rằng, “đưa trình tự, thủ tục hòa giải vào luật này là rất tốt. Ở các nước, tỷ lệ hòa giải thành án dân sự rất cao, góp phần giảm chi phí cho xã hội”. Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) đề nghị nên để đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tham gia 100% số vụ án dân sự (lâu nay chỉ tham gia nếu xét thấy cần thiết) để bảo đảm thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Theo đại biểu, kiểm sát viên cần thể hiện quan điểm của mình về nội dung bản án. Song, việc tham gia này, theo đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) nên có chừng mực mà tập trung vào hình sự, tập trung vào chức năng công tố.
Liên quan đến thủ tục xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị “hết sức thận trọng, có điểm dừng”. Bà Hoa cho rằng, quy định điều kiện xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như dự thảo Luật là quá đơn giản. Việc bổ sung cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng được đại biểu đề nghị phải chặt chẽ hơn và có sự tham gia của các ủy ban của Quốc hội.
HTX là tổ chức kinh tế nhưng không phải là doanh nghiệp
Về quan điểm sửa đổi Luật HTX, còn nhiều ý kiến khác nhau khi xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, đa số ý kiến khẳng định HTX là một tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình doanh nghiệp, nhưng không phải là doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong kinh tế thị trường, hợp tác xã là tổ chức kinh tế của những người yếu thế trong xã hội, cung cấp hàng hóa dịch vụ và tiêu dùng. Về bản chất, HTX là tổ chức kinh tế phải biết kinh doanh, làm ra lợi nhuận, có giá trị thặng dư. Nhưng nó khác doanh nghiệp ở chỗ là hợp tác xã vừa biết kinh doanh, nhưng những người làm đó vì lợi ích của cộng đồng, vì hoạt động của bản thân mình, chứ không tối đa hóa về lợi nhuận tài chính để chia nhau. Vì là tổ chức của người yếu thế nên phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng hỗ trợ bằng cách nào, để làm sao sự hỗ trợ này không bị lợi dụng để làm giàu cho cá nhân. Chính hợp tác xã bắt đầu từ sự góp vốn cá nhân nhưng quá trình hình thành lên tài sản bất khả phân được gọi là sở hữu tập thể. Về chính sách hỗ trợ, Nhà nước hỗ trợ thuế, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực và những phương tiện để quản trị. Chúng ta càng hỗ trợ thì càng có cơ chế giám sát để chống giả hiệu lợi dụng hợp tác xã.
Phát biểu tổng kết phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tiếp thu, sửa đổi, làm rõ các khái niệm để có quy định mang tính khả thi, nhất là phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta, theo đúng đường lối của Đảng, để phát triển kinh tế hợp tác, trong đó HTX là mô hình phát triển cao của kinh tế hợp tác.
Ngày 26-11, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quan trọng trước khi tiến hành phiên bế mạc./.