Năm học này, có hai yếu tố gây lo lắng với các sinh viên nghèo: trượt giá lớn, học phí tăng. Tuy nhiên, sau 5 năm cho HS, SV nghèo vay vốn, chương trình đã tương đối ổn định. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trao đổi liên quan vấn đề này.
- Ông có thể đánh giá về tình hình thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên (HSSV) trong 5 năm qua?
- Trong 5 năm qua, tổng dư nợ tính đến thời điểm hiện nay là 35.000 tỷ, thu nợ được 5000 tỷ và có 2,8 triệu lượt HSSV được vay vốn. Năm 2012, có 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho 2,4 triệu HSSV đang học.
Có thể nói, với sự cố gắng của các Bộ ngành, sự tham mưu của Chính phủ đã tập trung được nguồn vốn rất lớn cho HSSV vay vốn đến trường. Những HSSV được vay vốn đi học đều là con em các gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh cận khó khăn, khó khăn, khó khăn đột xuất…
Thứ hai là thực hiện chương trình này có các giải pháp như nguồn vốn. Nguồn vốn tưởng như rất khó, nhưng lại rất nhanh, lại dồn vào thời vụ nhất định. Năm 2007 bắt đầu triển khai thì nguồn vốn cần là 2.600 tỷ, nhưng từ 2009 – 2011, mỗi năm trung bình cần gần 9000 tỷ. Đây là sự cố gắng lớn của Bộ, ngành, Chính phủ và NHCS vừa tham mưu vừa trực tiếp huy động các loại vốn thị trường để có vốn cho HSSV vay đi học.Thứ ba là đây là chương trình thể hiện sự đồng thuận cao nhất của các bộ ngành, sự chỉ đạo rất tích cực của thường trực Chính phủ.
Kết quả đạt được nữa đó là chương trình này thực sự có những dấu hiệu của bền vững. Ý thức trả nợ tốt. năm 2011, chúng tôi thu nợ được hơn 2000 tỷ, dự kiến năm 2012, chúng tôi thu nợ được hơn 3000 tỷ. Nợ quá hạn chỉ 0.5%. Ngoài kỳ hạn nợ cuối cùng phải thu, ngân hàng cùng với các tổ tiết kiệm vay vốn của đoàn thể thu được trên 80% kỳ hạn nợ nhỏ.Ý thức người dân về vay trả về nguồn vốn này tương đối tốt.
Một điểm nữa đó là từ chỗ cho sinh viên trực tiếp đứng lên vay, NHCS đã chuyển sang người đứng lên vay là bố mẹ. Điều này là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn, phù hợp với quy chế, đồng thời tạo được sự giám sát của xã hội. Do đó, chúng tôi thấy khả năng thu nợ tốt, dùng thu nhập tổng hợp của gia đình để trả nợ ngân hàng. Khi có rủi ro chúng tôi có địa chỉ để xử lý.
- Vậy còn hạn chế ra sao, thưa ông?
- Có thể nói, chương trình này không có hạn chế lớn. Nhưng cũng có những cái cần chỉnh sửa. Như cơ cấu nguồn vốn cho vay chưa vững chắc. Nguồn vốn mỗi đầu kỳ học thường căng thẳng. Chính quyền nhiều địa phương, một số địa phương chưa làm tốt. Xác định đối tượng thụ hưởng có nơi làm quá chặt nhưng có một số nơi làm quá lỏng dẫn đến một số đối tượng được cho vay chưa phù hợp. NHCS cùng với liên bộ, hội đồng quản trị các cấp tăng cường công tác kiểm tra đã kịp thời xử lý. Số lượng đối tượng được cho vay không đúng phải thu hồi vốn đợt nào cao nhất chiếm khoảng 0,7%. Khi có báo chí phản ánh, chúng tôi xuống tận nơi để kiểm tra.
- Ngân hàng có giải pháp để giảm căng thẳng nguồn vốn?
- Mỗi kỳ có một giải pháp riêng. Đầu năm học 2012-2013, chúng tôi được Quốc Chính phủ trích 2500 tỷ để cho chương trình. Nguồn vốn này đã đủ và sẵn sàng cho HSSV vay. Cân đối giữa nguồn vốn và cho vay từ cuối năm 2011 đầu 2012 có nhiều chuyển biến tích cực.
Thứ nhất là doanh số cho vay đối tượng cho vay thứ 3 (khó khăn đột xuất) giảm. Khi Bộ LĐ-TB&XH ban hành văn bản chỉ xác nhận sau khi hộ gia đình đó đã được nhận tiền trợ cấp. Do đó, riêng đối tượng cho vay khó khăn tài chính đột xuất thường các năm chiếm khoảng 1/3 dư nợ hoặc doanh số cho vay thì năm nay chỉ còn 18%. Do đó, doanh số dự kiến cho sinh viên vay năm nay còn khoảng 5.500 tỷ.
Thứ hai, năm nay chúng tôi thu nợ tốt. Khoản này đã quay vòng trở lại, đáp ứng được nhu cầu cho sinh viên vay.
- Nhưng nhiều nơi phản ánh ngân hàng không giải ngân nguồn vốn?
- Việc giải ngân năm nay và mọi năm vẫn hoạt động bình thường. Hiện nay chúng tôi có trong tay nguồn vốn sẵn sàng giải ngân. Tôi khẳng định, với 2.500 tỷ của Chính phủ cùng với nguồn thu nợ tốt của chúng tôi thì nhu cầu vay vốn của học kỳ này khoảng 3.000 tỷ thì chúng tôi đã có đầy đủ vốn trong tay. Nơi nào có vay thì chúng tôi sẽ chuyển.
- Tỷ lệ quá hạn tới nay ra sao, thưa ông?
- Nợ quá hạn chủ yếu là thời kỳ đầu, từ cụm, từ ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn về. Số này là không rõ địa chỉ. NHCS khắc phục bằng cách lần theo địa chỉ vay vốn để chuyển về bố mẹ thu nợ. Chúng tôi đang làm tốt điều này.
Thực tế, năm nay, đó là số HSSV ra trường không có việc làm, có việc làm mất việc do khủng hoảng kinh tế. Nhưng NHCS của chúng tôi vẫn giữ được tốc độ thu nợ, thu nợ từ bố mẹ. Tác động thu nợ không phải chúng tôi mà là trong tổ tác động, hội đoàn thể họ nắm chắc để động viên người dân trả nợ. Quan trọng nhất là giữ được quỹ này bền vững để cho nhiều thế hệ được vay.
- Ông có nói do khủng hoảng kinh tế, sinh viên không có việc hoặc mất việc, điều này có ảnh hưởng đến nguồn vốn?
- Chắc chắn có ảnh hưởng, có khó khăn đến hoạt động của ngân hàng cũng như hộ gia đình. Nhưng nhờ có mạng lưới hoạt động tốt, xã hội hóa được hoạt động này. Đặc biệt từ năm 2009, chúng tôi chuyển được về cho vay bố mẹ. Hộ gia đình dùng thu nhập tổng hợp để trả nợ, do đó, tạo thuận lợi cho quỹ. Năm nay thu nợ trên 3000 tỷ, năm 2013 khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Chúng tôi dự kiến khoảng từ năm 2015 nếu mức cho vay và đối tượng cho vay không đổi thì chúng tôi sẽ dừng quỹ này khoảng trên dưới 40.000 tỷ. Chúng tôi sẽ đảm bảo được mà không cần vốn bổ sung của Chính phủ, tức là thu nợ đủ cho vay.
Mức cho vay hiện nay, xã hội đang có sức ép. Chính phủ cũng đã hứa. Có hai yếu tố: trượt giá lớn, học phí tăng. Theo hướng của Chính phủ thì mức cho vay 1 triệu/tháng là rất lạc hậu. Nhưng lúc nào tăng, tăng bằng nào thì do Bộ Tài Chính, và Chính phủ quyết định, NHCS chỉ thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!
Uyên Na (thực hiện)