Mùa xuân nói chuyện áo dài

Thương lắm áo dài ơi  (Ảnh minh họa)
Thương lắm áo dài ơi (Ảnh minh họa)
(PLO) - Tà áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ, cho nét đẹp văn hóa Việt Nam. Rất nhiều mỹ nhân, nghệ sỹ gạo cội của điện ảnh Việt luôn tự hào khi diện bộ áo dài truyền thống ra thế giới… 

Từ độ diện mỗi khi ra phố…

Cụ Nguyễn Thị Sính, phu nhân cố họa sĩ Bùi Xuân Phái kể lại: “Nhà tôi xưa ở số 41 phố Đinh Tiên Hoàng, bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hồi ấy, con gái Hà Nội cứ đến 16 -17 tuổi là được bố mẹ đưa đi may áo dài. Với những gia đình gia giáo ở Hà thành, đã thành nếp, phụ nữ hễ ra khỏi cửa là mặc áo dài, cho dù là đi làm hay đi chợ. Mặc chiếc áo dài, tự nhiên người ta thấy mình phải đi đứng, ăn nói sao cho tương xứng”. 

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, người có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử trang phục, chiếc áo dài có một lịch sử lâu dài thì tiền thân của chiếc áo dài hôm nay ra đời ở Phú Xuân (TP Huế ngày nay) dưới thời các chúa Nguyễn. Sau mấy trăm năm, chiếc áo dài dần được hoàn thiện trên đất Thăng Long nhờ những cải tiến của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật - Đông Dương những năm 1930. Người tạo ra bước ngoặt cho áo dài là họa sĩ Lê Phổ. Ông dung hòa tà áo tứ thân cổ truyền với nét hiện đại, thiết kế thân áo ôm sát hơn, tôn lên vẻ đẹp hình thể người phụ nữ, mà vẫn giữ được nét kín đáo. Áo dài “tân thời” nhanh chóng bắt nhịp với đời sống. 

Từ Hà Nội, chiếc áo dài lan tỏa khắp đất nước, trở thành hiện thân cho sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Có thời kỳ khó khăn, người phụ nữ ít có điều kiện làm đẹp, nhưng chiếc áo dài chưa bao giờ mất đi sức sống của nó. Áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với phong cách mỗi vùng miền, tích hợp những nét mới, tạo thành sự đa dạng trong thống nhất. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ là hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình trong tà áo dài khi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Pa-ri với tư cách Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tà áo mềm mại, thanh nhã đã gián tiếp nói lên một Việt Nam giàu truyền thống, yêu chuộng hòa bình. 

Đến “áo dài chủ quyền”

Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang chia sẻ, bà biết đến chiếc áo dài lần đầu tiên là khi bà đỗ Trường Sân khấu - Điện ảnh, bố bà đã chở bà bằng xe đạp từ nhà lên một tiệm may An Trạch nổi tiếng ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội để may một áo dài. Năm 1963, khi cùng đoàn làm phim “Chị Tư Hậu” sang Moskva (Nga) dự Liên hoan phim quốc tế, nhiều khán giả, nhiều phóng viên nước ngoài đã rất thích thú ngắm nhìn, chụp ảnh bà đang dạo phố cùng tà áo dài Việt Nam. Khi đó, nhiều người mới biết đến nền điện ảnh Việt Nam, biết đến trang phục truyền thống Việt Nam.

Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang chia sẻ, cho đến nay, rất nhiều trang phục dành cho phụ nữ với nhiều kiểu cách khác nhau nhưng tà áo dài với những giá trị cốt lõi và có người ví như chủ quyền dân tộc thì mãi được tôn vinh. Việt Nam chúng ta cũng vậy, việc gìn giữ tà áo dài truyền thống từ hàng trăm năm qua và hiện tiếp tục tôn vinh là cách trân trọng giá trị truyền thống.

 NSND Hoàng Cúc tươi tắn sau thời gian chống chọi và chiến thắng ung thư dùng từ “bung lụa” để kể lại chuyện chọn áo dài để diện và chụp ảnh ở những nơi có cảnh trí đẹp nhất của đất nước.

Hoàng Cúc kể lần mang bộ phim “Kiếp phù du” mà chị đóng vai chính đi trình chiếu tại một liên hoan phim ở Pháp, khán giả ồ lên thích thú, reo “Việt Nam” khi tà áo dài xuất hiện trong khán phòng khiến chị vô cùng tự hào. 

Ở một liên hoan phim khác tại Tiệp Khắc cũ, những người chấm giải nói nếu diễn viên chính “Hồi chuông màu da cam” (Hoàng Cúc) có mặt tại liên hoan sẽ trao giải nữ diễn viên xinh đẹp nhất. “Có lẽ chỉ vì tà áo dài trong phim” - Hoàng Cúc nói. Bà đưa ra khái niệm lạ “áo dài chủ quyền”, khi kể những kỷ niệm đi suốt cuộc đời nghệ sỹ. Chỉ cần nhìn thấy áo dài là người ta biết, không gì khác đó chính là Việt Nam.

NSƯT Thanh Loan, ni cô Huyền Trang ngày nào, khoe “chung thân với áo dài”. Sinh ra và lớn lên ở Hàng Bông, trở thành diễn viên và có thời gian dài sống ở Mỹ với con gái, Thanh Loan không hề có một chiếc váy nào bao giờ, cả đời chỉ biết khoe mình bằng chiếc áo dài vì mặc nó thấy mình đẹp, mang cốt cách người Hà Nội.

 

Như một ký ức đẹp

Ca sỹ, doanh nhân đắm say dòng nhạc Trịnh, Nguyễn Hữu Thái Hòa, cựu Giám đốc chiến lược của FPT, người tự nhận là si mê với áo dài của dân tộc cho biết khi còn là cậu bé 9 tuổi, anh đã được nghe về sự ra đời của ca khúc “Như cánh vạc bay” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu đã kể cho anh nghe.

“Như cánh vạc bay” chính là hình ảnh của người yêu cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi diện áo dài, đứng đợi ông ở sân bay. Từ trên máy bay bước xuống, giữa một sân bay nằm giữa rừng núi mênh mang, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như được chỉ dẫn bởi bờ vai trắng ngần của người yêu trong tà áo dài đứng đợi ông. Vì thế mới có một “Như cánh vạc bay” đẹp đẽ  và nao lòng, chơi vơi đến vậy.

Với anh Thái Hòa, áo dài chính là những ký ức đẹp của mỗi người. Đúng như NTK Minh Hạnh, người dành trọn tình yêu cho áo dài khẳng định, áo dài không chỉ dừng lại chuyện mặc đẹp mà còn là những câu chuyện cảm động, rất riêng của mỗi người Việt Nam và đó là những câu chuyện văn hóa. Và khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, chiếc áo dài đã thật sự hồi sinh. Áo dài trở thành trang phục của những tiếp viên hàng không, những người đầu tiên đón khách quốc tế. Áo dài được phụ nữ mặc trong những ngày lễ, Tết, những sự kiện quan trọng. Áo dài xuất hiện trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa với thế giới… Những nhà thiết kế áo dài Việt Nam như Minh Hạnh, La Hằng… nổi tiếng với nhiều khách hàng nước ngoài. Thương hiệu văn hóa của áo dài ngày một rõ nét trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ một “đại sứ văn hóa”, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước biến áo dài trở thành “đại sứ du lịch”. Hình ảnh áo dài được ngành du lịch khai thác để quảng bá cho nét đẹp văn hóa Việt Nam. Không dừng lại ở đó, áo dài trở thành một sản phẩm du lịch, điển hình như ở Hội An (Quảng Nam). Trong một không gian cổ kính, sau khi tìm hiểu về tơ lụa, về áo dài, rất nhiều khách du lịch muốn có một bộ cho mình. Dịch vụ may áo dài lấy ngay ra đời. Chỉ cần đặt tiền, chọn vải, để lại số đo, địa chỉ khách sạn, khách du lịch nhanh chóng nhận một bộ áo dài đẹp trong ngày, khiến họ cảm thấy hào hứng hơn. 

Tại TP Hồ Chí Minh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dành không gian rộng tới 16.000 m2 để làm Bảo tàng Áo dài Việt Nam, kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa áo dài thông qua hàng trăm mẫu áo dài. Bảo tàng chinh phục ngay cả những người khó tính nhất khi áo dài được trưng bày trong một khuôn viên với những nếp nhà gỗ đậm chất truyền thống. Tại đây còn có áo dài của những nhân vật đặc biệt trong lịch sử như nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Định, áo dài của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hay chiếc áo dài được truyền qua nhiều thế hệ của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh...

Hồn cốt của phụ nữ Việt

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn chia sẻ, áo dài truyền thống có lịch sử rất lâu đời, gắn với đời sống của người Việt Nam và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Với Hà Nội, tà áo dài càng có ý nghĩa khi nơi này được coi là nguồn cội của dân tộc và cũng qua tà áo dài người ta thấy được một hình ảnh đẹp về Thủ đô thanh lịch, giàu văn hóa. Khi mặc lên người chiếc áo dài, người phụ nữ cũng phải nhã nhặn hơn trong cách ứng xử với người xung quanh, phải đi đứng nhẹ nhàng hơn, điệu đà hơn và tự tin hơn. Nói như vậy, tà áo dài ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần người phụ nữ và dĩ nhiên tôn lên vẻ đẹp của chị em. Mỗi tà áo dài là một câu chuyện kể về văn hóa mà bàn tay trí tuệ của các nhà thiết kế chưa thể lột tả hết được, cho dù nó đã chứa đựng rất nhiều tâm huyết của họ...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

'Gương mặt vặn vẹo' - đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa

Phim khai thác đề tài tâm lý tội phạm. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Bộ phim xoay quanh hành trình điều tra và truy bắt tội phạm gian nan của “Đội 7”, đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa. Hình ảnh nhân vật phản diện được xây dựng từ những ám ảnh thời thơ ấu, tổn thương tâm lý cho đến những biến cố không thể lường trước trong cuộc sống. Chính những điều này đã biến họ từ con người bình thường thành những kẻ tội phạm đáng sợ, nhưng cũng khiến người xem ít nhiều hiểu và đồng cảm.

“Vằng vặc trăng quê” - đong đầy hồn quê

"Vằng vặc trăng quê" lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ (ảnh P.V).
(PLVN) -  Tản văn “Vằng vặc trăng quê” của nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ kể chuyện đời thường, đong đầy tình yêu thương mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ.

“Xây Tết” cho gần 2 vạn công nhân

Chương trình "Xây Tết" dành cho gần 2 vạn công nhân (Thùy Dương)
(PLVN) -  Lễ ra mắt chương trình “Xây Tết 2025” với những hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến hơn 18.500 công nhân trên cả nước diễn ra vào ngày 12/12/2024 tại Báo Nhân Dân.

Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ

Thị trường âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút thế hệ trẻ. (Ảnh: Mai Trang)
(PLVN) - Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn “Anh trai say hi” đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.