Rau củ sạch, thực phẩm sạch là những sản phẩm được rao bán nhiều nhất trên các diễn đàn mạng. Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng khi hàng chợ không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều nhà cung cấp tổ chức bán rau sạch, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Bên cạnh các thực phẩm tươi sống, nhiều đặc sản của các vùng miền như nem chua Thanh Hóa, thịt trâu gác bếp Tây Bắc, măng tươi Lạng Sơn... Thậm chí, nhiều cơ sở còn nhận cung cấp cả các món ăn vặt như nem chua rán, chân gà ngâm sả ớt, sữa chua nếp cẩm, bánh ngọt… Tất cả đều được gắn mác “sạch” kèm với lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn”. Vậy nhưng, bên cạnh những cơ sở bán hàng có uy tín, không ít cơ sở kinh doanh theo hình thức “3 không”: không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng vệ sinh ATTP.
Nhiều cửa hàng đua nhau kinh doanh thực phẩm sjach qua mạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. |
Nhận thấy nhu cầu đối với thực phẩm “sạch” của người tiêu dùng ngày càng cao, chị Mai Thu Hương (Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy) nhận cung cấp thực phẩm sạch qua mạng xã hội. Theo như chị Hương quảng cáo thì đây đều là những thực phẩm được chị nhập từ người quen, bạn bè thân thiết ở các tỉnh chuyển về Hà Nội nên có thể hoàn toàn yên tâm với nguồn gốc, độ an toàn.
Theo quy định mới nhất của Bộ Công Thương, từ ngày 20/1/2015, mọi hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ phải kê khai thông tin và đóng thuế. Do đó, cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin gồm: tên, trụ sở thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú cá nhân cùng các chứng thực đăng ký kinh doanh của cá nhân. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại trong việc xác định các cơ sở kinh doanh online nên cho đến thời điểm này, Sở Công Thương vẫn chưa thể triển khai việc quản lý kinh doanh qua mạng nói chung và quản lý kinh doanh thực phẩm trên facebook nói riêng. Chính vì vậy, các cơ sở này vẫn đang vô tư hoạt động, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Có lẽ vậy, nên việc "tuồn" những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng của những chủ buôn kiểu này cũng là điều dễ hiểu.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAPvà được công nhận là rau “an toàn”, người nông dân phải trải qua lớp tập huấn kiến thức, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật nghiêm ngặt (có tới 30 quy trình kỹ thuật). Các bước sản xuất rau an toàn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cán bộ bảo vệ thực vật. Đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái cũng đều phải giám sát. Ngay cả khi sơ chế, đưa rau ra thị trường cũng đều có quy trình, kỹ thuật và dán tem nhãn để quản lý cũng như cho người tiêu dùng nhận biết.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, nếu thực khách dễ dàng tin vào lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo bảo an toàn” mà vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đây là vấn đề khó có thể ngay lập tức giải quyết được.