Chỉ còn chờ Bộ xem xét
Từ 26/7/2021 đến hết ngày 3/8/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSUT) lần thứ 10 do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng cấp Bộ. Danh sách hồ sơ thuộc các lĩnh vực Múa, Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh. Như vậy, bây giờ chỉ còn chờ Hội đồng cấp Bộ họp theo quy định, trước khi trình lên Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo danh sách các Hội đồng cấp cơ sở trình lên, trong lĩnh vực Múa có 4 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 17 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSUT. Trong lĩnh vực Âm nhạc, có 23 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 57 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSUT.
Trong lĩnh vực Sân khấu, có 25 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, và 68 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSUT. Trong lĩnh vực Điện ảnh, có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 13 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSUT.
Theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP, với danh hiệu NSND, cá nhân phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên (riêng với Xiếc, Múa là 15 năm), đã được tặng danh hiệu NSƯT và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng cá nhân); có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có giải Vàng cá nhân); có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT là có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên (với Xiếc, Múa là 10 năm) và đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng cá nhân); có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng cá nhân); có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng cá nhân); có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể.
Việc áp dụng Nghị định mới không chỉ kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc. Với việc triển khai Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ biểu diễn có nhiều thuận lợi hơn.
Giá trị danh hiệu liệu giảm sút?
Việc sửa đổi Nghị định xét danh hiệu có thể tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ, tuy nhiên cũng khiến dư luận lo ngại vì có thể dẫn tới quá trình xét dễ dãi hơn khiến lượng tăng, chất giảm. Thời gian qua một số nghệ sĩ có đóng góp nhưng chưa được xét do vướng những “rào cản” nhất định về tiêu chí, điều kiện. Điều lo ngại là, do “nới tiêu chí” làm tăng số lượng NSND, NSƯT và giảm chất lượng các danh hiệu này. Làm sao để các danh hiệu này thực chất, thực sự là niềm vinh dự, tự hào của nghệ sĩ được phong tặng?
Trước hết, do mở rộng đối tượng nhưng tiêu chí chưa rõ, có tiêu chí mới dừng ở định tính. Thế nào là có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc? Từ NSƯT nâng lên NSND không thể chỉ dựa vào quy định có 2 huy chương vàng. Bởi số huy chương này chủ yếu nhờ vào đi hội diễn - chỉ có giám khảo và một số ít khán giả. Đấy là chưa kể có người cố “chạy” huy chương để lấy danh hiệu. Nếu làm không chặt chẽ, danh hiệu sẽ giảm giá trị, nghệ sĩ bớt uy tín trong mắt khán giả.
Thứ hai, ở cấp cơ sở thường cả nể, “trăm cái lý không bằng tí cái tình”, trong bình xét dễ xuê xoa, tâm lý tặc lưỡi “đá bóng” lên cấp trên, để Bộ xem xét. Thứ ba, không phải nghệ sỹ nào cũng biết tự đánh giá “cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc” của mình là gì, trước khi làm hồ sơ?!
Thực tế, có nhiều nghệ sĩ, tên tuổi của họ ngày càng được khẳng định theo thời gian, đó là do thực lực và cống hiến. Có những nghệ sĩ không có huy chương nhưng có đóng góp qua nhiều vai diễn, được khán giả yêu mến, nhớ đến. Ví dụ NSND Trần Hạnh được trao “muộn mằn” năm 2019. Đó là danh thực, không phải danh hão. Danh hiệu phải có giá trị thực, không phải để lấy “Bằng chứng nhận” treo trong tủ gia đình, mặc công chúng.
NSND Trần Hạnh được trao danh hiệu năm 2019. |
Gọi là nghệ sỹ nhân dân, ít nhất nhân dân phải biết đến, có tác phẩm “định danh” tên tuổi nghệ sỹ trong lòng nhân dân. Nếu NSND mà nhân dân không hề biết đến cống hiến của họ, rõ ràng “tội cho dân”, rất “oan” cho dân. Đây là đợt xét tặng thứ 10 rồi, không khéo số lượng tăng mà chất lượng giảm, giá trị bị đảo lộn. Lo lắng này của không ít NSND gạo cội không phải là không đáng để tâm.
Tôn vinh nghệ sĩ bằng danh hiệu NSND, NSƯT là cách Nhà nước đánh giá cao vai trò đặc biệt của nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá nghệ thuật nước nhà. Đối với nghệ sĩ, danh hiệu là vinh dự, tự hào và vì điều đó, họ cảm thấy có trách nhiệm hơn để nỗ lực phấn đấu vì phụng sự nghệ thuật, đất nước. Nhà nước trao tặng danh hiệu không phải sự “xếp hàng”; càng không phải “lộc lá” để chia đều, ai rồi cũng đến lượt.