Nơi đặt tượng Phật ngọc tại chùa Phật Tích |
Hoạt động này cũng kết thúc một tuần Phật ngọc cung nghinh tại chùa Phật tích với con số kỷ lục, hơn hai triệu người đến chiêm bái.
Cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ
Đúng 16h30, lễ cầu siêu cho anh linh các Anh hùng, liệt sĩ và đồng bào tử nạn nhân 55 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ chính thức bắt đầu. Nghi thức do ba hòa thượng và tập thể ni cô của Học viện Phật giáo Việt Nam tiến hành dưới chân tượng Phật Ngọc.
Tượng Phật ngọc an tọa trên đài sen với 1.000 ngọn nến tượng trưng cho hòa bình thắp sáng chung quanh. Nơi trưng bày tượng Phật Ngọc được mô phỏng họa tiết, hoa văn và được thiết kế theo hình dáng ngôi Chùa cổ ở Bắc Bộ với 3 gian được dựng tại sân của chùa Phật Tích.
Nhiều đạo tràng và phật tử cũng hòa theo tiếng kinh cầu. Bên ngoài khu trung tâm, dòng người nối tiếp nhau theo sự hướng dẫn của lực lượng bảo vệ tới chiêm bái tượng Phật ngọc ngày một đông hòan toàn không làm ảnh hưởng tới không khí linh thiêng ấy. Hàng nghìn phật tử và đông đảo bà con thành kính hướng về nơi đặt bức tượng cầu chúc cho hòa bình luôn hiện hữu trên toàn thế giới. Lễ cầu siêu kết thúc lúc 18h.
Phật ngọc, một pho tượng Phật làm bằng ngọc lớn nhất và quý giá nhất thế giới, trở thành một trong những niềm kiêu hãnh của Phật giáo, được vinh danh là một kỳ quan của thế giới hiện đại. Tượng được tôn xưng là Phật Ngọc cho hoà bình thế giới. Việt Nam được chọn là quốc gia đầu tiên trong hành trình vòng quanh thế giới triển lãm tượng Phật ngọc.
Điểm đến đầu tiên của tượng Phật ngọc tại Việt Nam là Đà Nẵng. Tiếp đó là thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Điểm cuối cùng của tượng Phật Ngọc là tại Chùa Phật Tích trước khi về an tịnh tại tháp Hòa Bình, Australia.
Sự có mặt của bức tượng quý này tại chùa Phật Tích, ngôi cổ tự, một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Việt Nam càng trở thành một sự kiện văn hóa - tôn giáo thu hút hàng triệu người từ nhiều địa phương tới chiêm bái tượng Phật ngọc.
Trong vòng một tuần, tại chùa Phật Tích diễn ra nhiều hoạt động trang trọng và có ý nghĩa văn hóa - xã hội như lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới, ngoài sự có mặt của hàng nghìn Phật tử, đồng bào, còn có sự tham gia của đoàn Việt kiều về thăm đất nước; "đại lễ cầu an, quốc thái", cầu mưa thuận gió hòa và cầu mong cho sự phát triển bền vững của đất nước…
Tượng Phật Ngọc được tôn xưng là Phật Ngọc cho hoà bình thế giới (The Jade Buddha for universal peace) là pho tượng nặng 4,5 tấn và cao hơn 4m, được chế tác điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại có một không hai đã được phát hiện tại Canada vào năm 2000. Việc phát hiện ra khối ngọc này được xem là một kỳ tích huyền diệu vào thời khắc đầu tiên của thế kỷ 21, thế kỷ của tâm linh. Khối Ngọc đã trở thành niềm tự hào của Bắc Cực (Polar Pride) và Pho tượng Phật Ngọc đã trở thành báu vật của Phật giáo đồ trên toàn thế giới. Khối ngọc quý được chuyển từ Canada đến Bangkok, Thailand và tại đây, sau năm năm chế tác, tượng đã hoàn thành vào tháng 12-2008. Đầu năm 2009, bắt đầu chương trình triển lãm tượng Phật ngọc và Việt Nam là nước đầu tiên được vinh dự mở đầu cho chương trình này. |
Cung tiễn tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới
Lễ bế mạc và cung tiễn tượng Phật Ngọc bắt đầu vào 19h, đúng vào lúc trời đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt cũng chỉ kéo dài khoảng chừng mười phút để lại những hạt mưa lất phất càng làm cho thời tiết trở nên mát mẻ và thời khắc của buổi cung tiễn thiêng liêng hơn.
Khu vực trung tâm của buổi lễ có khoảng hàng trăm khách dự cùng với hàng trăm tăng, ni, phật tử đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Toàn bộ các khu vực chung quanh nơi đặt tượng Phật ngọc, hàng nghìn người dân cùng hướng về Phật ngọc.
Đại đức Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích, Trưởng ban tổ chức cho biết, trong một tuần qua, ước tính với hơn hai triệu người về chiêm bái tượng Phật ngọc tại chùa Phật Tích, nâng số người chiêm bái pho tượng tại Việt Nam đã lên đến khoảng bốn triệu người.
Đại đức Thích Đức Thiện phát biểu tại lễ bế mạc: “Văn hoá truyền thống là sức sống của cả một dân tộc. Tôn giáo là điểm tựa, là suối nguồn cho sự an lạc, bền vững trong đời sống của mỗi con người. Đạo Phật dạy rằng tâm bình thì thế giới bình! Sự bình an trong tâm mỗi con người góp phần vào hoà bình vĩnh cửu cho nhân loại, đồng thời góp phần thăng hoa cuộc sống, vững tiến tới tương lai, vượt qua tất cả những khó khăn trong đời sống”.
Cũng theo Đại đức, trong một tuần đại lễ nghinh đón tượng Phật ngọc, mỗi ngày nhà chùa tổ chức phát khoảng từ 8.000 đến 10.000 suất cơm chay cùng với bánh và nước cho bà con phật tử và du khách về chùa.
Thành công của đại lễ nghinh đón tượng Phật ngọc, ngoài sự tham gia của lực lượng an ninh của tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du, của xã Phật Tích còn có lực lượng sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội… thực hiện tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, hỗ trợ để tổ chức thành công các hoạt động tại chùa trong một tuần qua.
Theo Đại đức Thích Đức Thiện, chùa Phật Tích là cái nôi của Phật gíao Việt Nam nên tượng Phật ngọc có nhân duyên có mặt tại miền Bắc, dù chùa Phật Tích đang trong giai đoạn trùng tu phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông bà Ian Green, chủ nhân của tượng Phật ngọc có nhân duyên lớn với Việt Nam.
Ông Ian Green xúc động nói: “Tôi cảm động vì tình cảm và tấm lòng hướng Phật của người dân Việt Nam trong suốt thời gian tượng Phật ngọc ở đây. Điều này vượt xa sự mong đợi của chúng tôi trước khi đặt chân đến Việt Nam". Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà kỷ niệm cho ông bà Ian Green.
Các tăng ni và phật tử có mặt tại lễ bế mạc đọc Kinh Bát nhã để cung tiễn tượng Phật Ngọc. Không gian chung quanh ngôi chùa cổ trong đêm trở nên lung linh với những chùm hoa đăng nhỏ được thả xuống hồ nước phía trước.
Theo Ban tổ chức, tới hơn 22h, như còn tiếc nuối khi cung tiễn Phật ngọc, vẫn còn hàng trăm người đến nơi Phật ngọc an vị, thành tâm chắp tay nguyện cầu.
Sáng 23-5, tượng Phật Ngọc rời chùa Phật Tích và được chuyển tới tháp Hòa Bình ở Australia, sau đó trưng bày tại nhiều quốc gia như Mỹ, Indonesia, Mianma, Niu Zealand, Ðài Loan (Trung Quốc)... Chương trình triển lãm này là lời kêu gọi thiết tha của các Phật tử chân chính gửi tới toàn nhân loại rằng, loài người hãy đẩy lùi chiến tranh, hãy cùng nhau phấn đấu cho một nền hòa bình vững bền và mãi mãi.
Chùa Phật Tích là ngôi cổ tự, một trong những di tích lịch sử đặc biệt quốc gia được Nhà nước xếp hạng. Chùa Phật Tích là trung tâm Phật gíao đầu tiên ở Việt Nam có từ thế kỷ thứ 2 và phát triển vào thế kỷ thứ 7. Nơi tu hành của các vị Thiền sư đắc đạo. Là trung tâm giáo dục Phật gíao, trung tâm văn hóa, chính trị của nhà nước Đại việt trong lịch sử triều đại Lý-Trần. Hiện nay chùa còn gìn giữ được những báu vật quốc gia như Pho tượng cổ A Di Đà bằng đá xanh hơn 1000 năm tuổi, hai hàng linh thú thời Lý. Pho tượng hơn 1000 năm tuổi với những nét điêu khắc Rồng thiêng đặc trưng thời Lý đã trở thành báu vật của Quốc gia. |
Nguồn Nhândân Online