Tây Bắc lần đầu tôi đặt chân đến, tới bản làng của dân tộc Thái (bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), nơi mới hình thành mô hình du lịch cộng đồng. Sau quãng đường dài không thể chợp mắt, tôi đã có mặt tại bản Dọi 1, nơi định cư của người Thái trắng từ hàng trăm năm.
Tiếng đàn “chảy” trong lòng rừng núi
Đưa chúng tôi đi tham quan là chú Hà Văn Khởi (47 tuổi), một hướng dẫn viên du lịch của bản làng. Dưới nắng vàng, những căn nhà sàn mộc mạc thêm sáng ấm in đậm từng vết tích theo thời gian, nụ cười trên khuôn mặt lấm lem của trẻ thơ chúng cùng nhau thả vào nắng hòa cùng cảnh vật lay động như cúi chào những vị khách thập phương.
Giải thích về nguồn gốc, chú Khởi cho biết tên bản xuất phát từ một vách đá, xưa kia nơi đây gọi là bản Tin Đán (tiếng Thái tức dưới chân vách đá), sau này người dân quen gọi vách đá ấy với tên Đàn Dọi (tiếng Thái tức là sọc trắng, sọc đen) vì vách đá có sọc đen, sọc trắng do nước chảy xuống không đều, dần người miền xuôi lên sinh sống đã gọi cố định tên bản theo tên vách đá là bản Dọi.
Trong hành trình khám phá, đoàn chúng tôi vô tình gặp chị Mùi Thị Quế và chị Mùi Thị Đàn, họ làm hướng dẫn viên du lịch nơi đây. Qua lời kể, trước kia hai chị là người dân tộc Mường về làm dâu bản Thái. Khi bản Dọi phát triển mô hình du lịch cộng đồng, hai chị đã nỗ lực học hỏi và giờ đã được lên làm dẫn chính.
“Mới đầu nói chuyện với du khách còn ngượng ngùng, nhưng càng làm và trải nghiệm tôi thấy yêu nghề và cố gắng vì nó. Tôi dần hiểu được chỉ có làm du lịch chúng tôi mới bớt khổ và cũng muốn góp một phần cho sự phát triển của bản làng”, chị Mùi Thị Quế bộc bạch.
Theo lối mòn chúng tôi lên nương, những người phụ nữ và đàn ông Thái đang cần mẫn hái những búp chè non, nắng vàng phản chiếu qua những cánh chè làm da các cô ửng hồng, càng điểm tô cho nét đẹp lao động của con người nơi đây.
Trong phút lơ đãng, tôi lạc vào đồi mận, một không gian tráng lệ của thiên nhiên ban tặng nhân ngày tôi tới bản. Hoa mận nở trắng như mây đan xen đá núi. Tôi mặc nhiên thả tâm hồn mình được trôi trong hương thơm ấy, bay theo những cánh ong vàng đi tìm mật ngọt, tìm sự chân thành và đằm thắm của đất rừng nơi đây.
Đàn ông và phụ nữ Thái cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tối. |
Đàn ông và bếp lửa hồng
Trao đổi với Trưởng bản Vì Văn An tôi mới biết, tháng 4/2019 tổ chức phi chính phủ AOP (tên đầy đủ Action On Poverty) đã thực hiện dự án Grow - Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng tại nơi đây, nhờ có kế hoạch cụ thể mà nhiều bà con trong bản hứng khởi cùng nhau tham gia. Điều đáng ngạc nhiên, hiện tại trong bản có sáu hộ làm homestay thì sự quản lý và điều hành đều là phụ nữ.
Xưa kia chuyện nấu ăn của phụ nữ, còn nay phần nhiều là đàn ông. Không khí trong bếp luôn rộn rã tiếng cười, đàn ông đảm nhiệm chuyện băm, chặt, còn phụ nữ xào nấu những món nhẹ nhàng. Họ cùng nhau chia sẻ chuyện lên nương, cách nuôi dạy con cái và cả những kinh nhiệm cuộc sống. Bê chậu thịt gà bước vào, Trưởng bản Vì Văn An lớn tiếng nói: “Mấy chị em đi luyện tập cho buổi biểu diễn văn nghệ đi, việc đó quan trọng, còn ở đây để anh em chúng tôi lo”.
Ngồi trước ánh lửa hồng, anh Lò Văn Đính (37 tuổi) cho biết, ẩm thực truyền thống của dân tộc Thái đa dạng và phong phú như món xôi màu, món “nụ mốc”, món gà nấu măng chua, món “nẹm”,... Tuy nhiên, không thể không nhắc tới món canh “nặm pịa”.
Anh Đính cầm con dao phay chắc nịch, sau vài lần băm, miếng thịt lợn ba chỉ cùng chút phổi đã nhuyễn như máy xay dưới xuôi vậy. Anh cho vào chảo rang qua, bàn tay ấy vội lấy đoạn phèo non (phần ruột non của con lợn) thả vào chảo thịt mới rang và chọc.
Theo lời kể của anh, cứ chọc và khuấy khi nào cho nước trong đoạn phèo ra hết, xoăn lại là được. Khi làm xong, anh Đính đổ nước vào và đun sôi, anh khua tay ra sau lấy nhánh gừng cùng vài cây sả, ớt, quả mắc khén để tạo mùi hương. Đun khoảng 30 phút, anh Đính tiết lộ: “Món này muốn ngon buộc phải có tấm gạo nếp, màu đẹp cần có tiết của con vật mình làm, khi nước sôi thả tất cả vào, cuối cùng cho chút rau mùi sẽ đẹp mắt”.
Sau bữa tối cùng những chén rượu nồng, chúng tôi được đắm mình trong làn điệu xòe của các cô gái Thái mà không ai khác chính là chủ của các homestay. Trong trang phục truyền thống, họ múa điệu xòe quạt nhịp nhàng hòa vào âm nhạc đầy nữ tính khiến tôi ngỡ là những nghệ sĩ múa thực thụ.
Không khí bỗng sôi động hẳn lên khi những người con gái ấy nhảy sạp, bước chân nhịp nhàng cùng tiếng dây xà tích đeo bên hông càng làm họ trở nên thơ mộng. Phía dưới mọi người lần lượt lên nhảy, tất cả hòa chung một cảm xúc, cùng nắm tay nhau qua những nhịp nhảy sạp và nụ cười hạnh phúc đều hé nở trên môi.
Ngồi nhìn mọi người bỗng tôi hạnh phúc, những điệu xòe và sạp mà tôi vừa chiêm ngưỡng có sự xuất hiện của hai thế hệ là mẹ con chị Mùi Thị Tươi (34 tuổi) và em Vì Thị Vân (14 tuổi), điệu xòe, tiếng sạp ấy sẽ mãi lưu truyền cho thế hệ sau, là niềm kiêu hãnh của mỗi người con dân tộc Thái.
Những người con gái Thái mềm mại trong làn điệu xòe truyền thống. |
Ước mơ bay trong mùa hoa mận nở
Tiếng gà đánh thức cả núi rừng Tây Bắc và hình ảnh những người phụ nữ tại bản Dọi 2 (khu tái định cư của người Thái đen đến từ xã Ít Ong, huyện Mường La) đang cần mẫn thêu những chiếc khăn Piêu ùa về trong tôi nhiều cảm xúc.
Khăn Piêu tượng trưng cho tình yêu đôi lứa của dân tộc Thái, khi người con gái xuất giá sẽ tặng những chiếc khăn ấy cho từng thành viên nhà chồng để thể hiện tình cảm và sự thành kính. Trong đường kim thoăn thoắt, chị Viềng Thị Điêng (30 tuổi) giãi bày, khi 15 tuổi chị lập gia đình, chị không đủ khăn gửi tặng nhà chồng trong ngày cưới nên đã nhờ mọi người thêu giúp, đến nay, con trai lớn đã 13 tuổi, chị vẫn chưa thêu đủ để trả.
“Ngày lên nương, ngày không, còn nợ người ta nên rảnh lúc nào là thêu lúc đó. Nhà tôi có hai thằng con trai, nếu có con gái tôi còn phải thêu nhiều hơn để chuẩn bị cho nó”, chị Điêng bộc bạch.
Người như chị Điêng được cả bản coi như hạnh phúc. “Chẳng biết bao lâu mới thêu xong một cái nhưng lâu lắm. Về chuyện kết hôn, dù gái hay trai tôi sẽ không cho các con lấy sớm, tôi muốn chúng được học hành đến nơi đến chốn, đủ nhận thức về mọi thứ, khi đó lập gia đình mới bớt khổ”, chị Điêng thổ lộ.
Tôi chia tay chị Điêng ra về, con đường vắng tôi qua nay bỗng đông người, những phụ nữ có gia đình với búi tóc Tằng cẩu trên đầu đang cặm cụi thêu những chiếc khăn Piêu trước cửa nhà. Trong tâm trí tôi thoáng qua một điều phải chăng họ cũng thêu để trả nợ như chị Điêng hay đang chuẩn bị hành trang hạnh phúc cho những đứa con thơ của mình.
Bằng giấy và bút màu đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi tổ chức một cuộc thi vẽ tranh với chủ đề ước mơ cho trẻ nhỏ của bản tại góc sân nhà. Chăm chú vào từng đường nét của tương lai, những thiên thần nhỏ thốt lên “chú ơi con muốn làm cô giáo”, “chú ơi con muốn là chú bộ đội”; “chú ơi vẽ phi công như thế nào ạ, con muốn được bay”... Nghe chúng nói vậy tôi rất xúc động.
Em Vì Thị Vân, người tham gia múa vào tối qua âm thầm đứng từ xa quan sát, tôi hỏi em về dự định trong tương lai, đôi mắt ấy ánh lên nhiều hy vọng. “Em sẽ không lấy chồng sớm, em muốn học đại học để biết thêm nhiều điều mới rồi về truyền đạt cho mọi người, giúp phát triển du lịch của bản”, em Vân cho biết.
Ánh mắt long lanh trẻ nhỏ thả vào ước mơ. Ảnh: Tuấn Quang |
Trao đổi với ông Vì Văn Tỉnh, Phó trưởng bản, phụ trách bản Dọi 2 cho biết, tình trạng tảo hôn tại đây vẫn còn nan giải, phần lớn các em chưa học hết cấp ba đã lập gia đình và làm mẹ ở tuổi vị thành niên. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con, cán bộ địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ với các cấp, ban, ngành đưa ra những chính sách khuyến học, dân sinh phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của bản.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều bất cập giữa các hộ làm và không làm du lịch, điều này gây chênh lệch giàu nghèo và sự thờ ơ khiến du khách thiếu thiện cảm. Do vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ như lập thêm tổ hướng dẫn viên du lịch, đội văn nghệ, tổ xe ôm nếu khách có nhu cầu đi trải nghiệm xa hơn, ưu tiên thu mua lương thực của những gia đình không hoạt động du lịch... Nhờ đó, hoạt động du lịch cộng đồng nơi đây mới phát triển một cách bền vững.
Chiều tà chúng tôi lên xe về Hà Nội, tấm chân tình của bà con gửi vào những túi bưởi, bao gạo nếp cùng một vài bắp ngô luộc còn nóng hổi trên tay. Nhìn về bản Dọi, tôi mừng cho người phụ nữ nơi đây, họ đã dần khẳng định được chính mình, thay đổi nhận thức và cùng bản làng xây dựng kinh tế du lịch cộng đồng. Những kỉ niệm về mảnh đất này tôi xin giữ cho riêng mình, một vùng đất bình dị, mộc mạc và đầy thương mến.