Một góc nhìn khác về Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương 'Bông'

Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương.
Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương.
(PLO) - Theo internet, Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương “Bông” được xếp hạng nổi tiếng thứ 83.073 trong số các nghệ sĩ trên thế giới nói chung và thứ 11 trong danh sách nghệ sĩ - diễn viên nổi tiếng tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa lúc nào cái tên Hương “Bông” lại dậy sóng dư luận như thời gian qua. 

Chị là tâm điểm khiến cả đám đông các bà nội trợ lẫn các nàng dâu thời @ như “lên đồng” trong các cuộc bàn luận bất tận xoay quanh phim “Sống chung với mẹ chồng”.

Lần đầu đóng nhân vật “không tốt”?

Vì có mái tóc mây bồng bềnh luôn bông xù nên Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương được đặt biệt danh Lan Hương “Bông” để phân biệt với Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương “Em bé Hà Nội”.

Cũng có người gọi chị bằng cái tên Lan Hương - Đỗ Kỷ: ghép tên với người bạn đời của chị. Là một trong những diễn viên gạo cội của Nhà hát kịch Việt Nam cũng như trong làng điện ảnh Việt Nam, Lan Hương “Bông” tham gia rất nhiều vở kịch trên sân khấu, các bộ phim truyền hình, các nhân vật mà chị hóa thân thường là vai phụ nữ chính diện: các cô gái thôn quê chân chất, hay những vai người mẹ hiền lành, nghèo khổ, bao dung.

Nhờ lối diễn chân thật, vai nào chị đóng cũng đều rất thành công và nhận được sự ủng hộ cũng như sự quan tâm nhiệt tình từ đông đảo khán giả. Chính vì vậy, hình ảnh bà Thục - một bà mẹ chồng ích kỷ, khó tính, khó ưa trong “Sống chung với mẹ chồng” được coi là vai “không tốt” đầu tiên trong đời diễn của chị.

Vai diễn bà mẹ chồng ích kỷ của chị trở thành câu chuyện đình đám từ đời thực đến mạng xã hội, từ cuộc tranh cãi không hồi kết trên diễn đàn của chị em phụ nữ đến đề tài bàn tán rôm rả từ góc chợ đến văn phòng, công sở, từ thành thị đến nông thôn. Người ta gọi chị bằng cái tên đầy ác ý là “người làm lung lạc ý định lấy chồng của nhiều cô gái trẻ”, đến nỗi khi Lan Hương ra chợ, một bác già níu tay chị nhắc nhở khẽ: “Mày quá lắm, vừa vừa phải phải thôi còn để cho thằng con trai bé lấy vợ nữa chứ!”.  

Lan Hương hiểu rằng vai diễn của chị “y như thật” khiến người ta nhầm nhân vật với con người thật của chị ngoài đời. Thực ra ngoài đời Lan Hương cũng đã là mẹ chồng, là bà nội, và từ khi “Sống chung với mẹ chồng” phát sóng, cô con dâu của chị bao nhiêu lần phải khúc khích cười khoe với mẹ chồng những trêu đùa, chia sẻ của bạn bè về vai diễn của mẹ chồng khiến người xem “dậy sóng”. 

Hơn 30 năm trong nghề, lần đầu tiên chị đóng vai phản diện, lại là một bà mẹ chồng người thành phố xấu tính, khác hẳn với mô tuýp phụ nữ thôn quê, nhu mì quen thuộc cố hữu của chị, thế mà vai diễn của chị lại khiến người ta tin. Tin vì vai diễn mẹ chồng của Lan Hương dung dị quá, đời quá và chân thật quá.

Chị diễn mà như không diễn vì đã hóa thân vào nhân vật mất rồi, người phụ nữ cúc cung tận tụy vì chồng con, vì gia đình, đến mức thái quá, không biết chế ngự cảm xúc đến mức hành động cực đoan. Mẫu phụ nữ như thế khá điển hình trong cuộc sống mà chúng ta có thể gặp được ở bất cứ đâu những người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình, yêu và hy sinh đến mức cực đoan.

Đến với vai diễn bà mẹ chồng, Lan Hương không cố cường điệu để người ta phải ghét nhân vật. “Khán giả theo dõi phim sẽ thấy, bà mẹ ấy không phải người xấu, mà chỉ không tự chủ được cảm xúc. Khi không tự chủ được thì người ta dễ phạm sai lầm, dễ nói những lời khiến người khác tổn thương. Thế nên, những chỗ tôi làm quá lên cũng chỉ để người xem bức bối, bức bối rồi thì sợ, sợ rồi thì tránh không dẫm vào vết xe đổ ấy, không lặp lại cách ứng xử ấy, không để những điều không đáng có xảy ra với cuộc sống của mình chỉ vì yêu không đúng cách, nói không đúng lời”- nghệ sĩ có mái tóc mây bồng nổi tiếng chia sẻ.

Lan Hương học lớp diễn viên khóa một, thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên. Ra trường chị đầu quân về làm việc tại Nhà hát kịch Việt Nam và gắn bó với Nhà hát kịch từ đó đến nay, suốt 38 năm. Lan Hương tâm sự: “Nhà hát kịch thực sự là ngôi nhà thứ hai của tôi. Từ Nhà hát mới có một nghệ sĩ Lan Hương như ngày hôm nay. Từ Nhà hát, tôi có cái nghề, học được nghệ thuật diễn xuất. Đó là cái nôi nghề nghiệp của tôi. Chưa kể sống, làm việc với các đồng nghiệp qua bao nhiêu năm, nhiều thời kỳ, có rất nhiều cảm xúc.”

Lan Hương thuộc mẫu phụ nữ truyền thống, chị tự nhận mình không thuộc típ người hiện đại, chị rất ngại thay đổi. Đơn cử như việc chị “chung thủy” với mái tóc mây bồng suốt từ thời thiếu nữ đến tận lúc nghỉ hưu, mặc kệ chị em thi nhau uốn xoăn rồi duỗi thẳng, nhuộm vàng hay chọn mốt “high-ligh”. Mãi đến khi nhận lời đóng vai bà mẹ chồng thành phố trong “Sống chung với mẹ chồng”, chị mới thay đổi kiểu tóc để hóa thân thành một nhân vật quý phái hơn mẫu người chị thường nhận thủ vai. 

Hạnh phúc giản đơn của vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương, Đỗ Kỷ.
Hạnh phúc giản đơn của vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương, Đỗ Kỷ.

Dành trọn đam mê cho màn bạc

Sau hơn ba chục năm gắn bó với Nhà hát kịch Việt Nam, năm 2016 Lan Hương Bông nghỉ chế độ trong tình cảm yêu thương của đồng nghiệp, khán giả và sự quan tâm ấm áp của gia đình. Nhân sự kiện này, Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt để chia tay chị tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện cực kỳ hoành tráng và có ý nghĩa đặc biệt với Lan Hương. Nó vừa là phần thưởng xứng đáng cho sự nghiệp và cũng là cơ hội để nói lời cảm ơn mọi người.

Hãy nghe chị tâm sự: “Đó thực ra là đêm chia tay một nghệ sĩ trước khi về hưu chứ không phải từ giã sân khấu kịch. Nó là ngã rẽ khác, đến tuổi thì nghỉ chế độ, còn tôi vẫn tiếp tục với sân khấu. Nhiều vở dang dở tôi vẫn diễn tiếp nhưng không với vai trò diễn viên trong biên chế của Nhà hát kịch. Sắp tới, nếu có chương trình tôi vẫn tham gia, chỉ có điều mình xa ánh đèn sân khấu hơn, làm ít hơn chứ không phải làm chính như trước đây.”

Với một người cả đời gắn bó với ánh đèn sân khấu, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cao quý là phần thưởng quý giá, thiêng liêng mà bất cứ ai cũng khát khao. Lan Hương đã chạm được ngưỡng cao quý đó, và hơn tất cả, chị còn xây dựng được chỗ đứng bền vững trong lòng khán giả với những vai diễn để đời, trong đó điển hình phải kể đến như vai chị Thủy - một vai diễn đầy ám ảnh trong phim “Mùa ổi” của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh. Đây cũng là vai diễn giúp Lan Hương giành được giải Diễn viên xuất sắc nhất trong kỳ Liên hoan phim quốc tế tại Singapore.

Với riêng Lan Hương, chị biết rằng có được Lan Hương thành công như hôm nay là sự song hành của bạn đời Đỗ Kỷ. Anh chị biết nhau từ thời phổ thông, nhưng phải đến khi học cùng lớp diễn viên khóa một của Nhà hát kịch thì mới trở nên thân thiết rồi nên duyên. Anh chị đã cùng nhau chia sẻ, đi qua mọi buồn vui, thăng trầm của nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Lan Hương- Đỗ Kỷ cũng là một cặp đôi điển hình cho tình yêu thủy chung, sắt son của vợ chồng nghệ sĩ. 

Nói về người bạn đời, Lan Hương dành những lời giản dị đầy yêu thương: “Anh ấy là nguồn động lực rất lớn và giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc đời. Nếu không có anh thì không có một Lan Hương “Bông” như hôm nay. Đến tận đêm diễn chia tay ấy vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của chồng. Anh ấy đã lo tất cả từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất, từ hậu cần đến tiếp khách. Mà không chỉ đêm đó, hầu như trong cả cuộc đời mình, khi có chồng tôi hoàn toàn yên tâm”.

Nghỉ chế độ năm 2016 nhưng có vẻ như Lan Hương còn bận rộn hơn cả trước kia. Chị vẫn kín lịch hàng tuần, hết diễn kịch, quay phim lại quay sang lồng tiếng rồi chụp hình quảng cáo. Bận mấy thì bận chị vẫn dành thời gian chăm sóc gia đình, chăm cháu nội, quan tâm đến vợ chồng con trai và đặc biệt cùng người bạn đời đi thăm thú, nghe nhạc, đọc sách để làm giàu tâm hồn mình. Cuộc sống với chị cứ thế nhẹ nhàng, bình yên, như mỗi sáng vợ chồng chị cùng ngồi thưởng trà, hàn huyên tâm sự, cặp uyên ương tri kỷ đã gắn bó với nhau gần nửa thế kỷ mà vẫn đắm say, tươi mới như thuở ban đầu…

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.