Mối lo sạt lở
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho phép Công ty Hồng Phát khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên. Diện tích khu vực khai thác được cấp là 5,1 ha chia làm 2 khu: khu vực A: 3,6 ha; khu vực B: 1,5ha. Mức độ sâu khai thác trung bình tại hai khu này đều là 4,5m. Công suất khai thác 25.000m3/năm. Thời hạn cấp phép 5 năm.
Tuy nhiên, người dân nơi đây lại không đồng tình với việc Hồng Phát thực hiện hoạt động khai thác cát sạn ở địa điểm nói trên. Bà con cho rằng, tuy trong giấy phép DN chỉ được khai thác đúng độ sâu quy định, nhưng thực tế khó mà có sự giám sát thường xuyên của chính quyền nên việc khai thác quá độ sâu, ra ngoài mốc lộ giới là điều hết sức bình thường. Như vậy, sẽ dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng tài sản, tính mạng người dân. Sau khi công ty Hồng Phát được cấp phép, người dân Dương Hòa đã có hai đơn kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, người dân cho rằng việc KTCS trước đây ở Dương Hòa và một số nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa thật sự gắn với bảo vệ môi trường và hậu quả để lại rất lớn. Ví dụ trước đây, có một DN được cấp phép KTCS trên địa bàn xã Dương Hòa; tuy nhiên, DN này khai thác vượt phạm vi khu mỏ được cấp phép, khai thác vào bờ làm sạt lở dọc bờ sông nên bà con không tin tưởng về những cam kết của công ty Hồng Phát.
Ông Mai Văn Bằng (thôn Hộ) nói: “Lúc chưa ngăn đập Tả Trạch, nếu hút cát thì vẫn có thể bù đắp khi có mưa kéo theo cát trên nguồn đổ về. Nhưng bây giờ đã ngăn đập, nếu khai thác là mất, không bù đắp được”.
“Người dân nơi đây lập vườn từ năm 1975 đến bây giờ, nhà cửa đều cạnh sông. Đây là đất sản xuất nguyên thủy đã canh tác lâu năm chứ không phải bãi đất bồi, hiện đã bị sạt lở, đáng lẽ phải gia cố. Đằng này, tỉnh lại tiếp tục cấp phép cho doanh nghiệp KTCS, vì vậy chúng tôi phản đối. Ở đây cũng có dự án trồng thanh trà ngay sát bờ sông, nếu khai thác cát sẽ mất vườn gây tổn hại kinh tế, lấy gì mà mưu sinh? Lợi chưa thấy nhưng người dân đứng trước nguy cơ mất vườn, mất nhà. Nếu sau này xảy ra tình trạng sạt lở nhà cửa, hoa màu, đường sá của người dân, ai sẽ là người đứng ra giải quyết?”, ông Bằng bày tỏ quan điểm.
Người dân Dương Hòa túc trực trong đêm chống “cát tặc” |
Vì giá cát cao, gần đây khu vực này rộ lên nạn trộm cát nên bà con tự lập đội tự quản, cắt cử người túc trực. Trước mắt, một ngày có hai ca. Kinh phí bà con tự nguyện bỏ ra. Cách đây chừng hai tháng, người dân cũng đã nhổ tất cả mốc giới khai thác, khu vực nằm sát khu dân cư và nông nghiệp.
Đại diện Công ty Hồng Phát cho biết, sẽ tiến hành đánh giá tác động môi trường, hoàn thành thủ tục. Trong quá trình triển khai, đơn vị cam kết thực hiện đúng quy định. Công ty sẽ có phương án bồi thường hợp lý nếu xảy ra tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Làm sao hài hòa lợi ích và bảo vệ môi trường?
Bà Trần Thị Hoài Trâm (Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) thông tin; Công ty Hồng Phát đã thực hiện theo đúng quy định về cấp phép khai thác khoáng sản. Tỉnh đã giao cho UBND thị xã Hương Thủy chủ trì, tổ chức phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và nhà đầu tư làm việc với các hộ dân, theo hướng công khai toàn bộ các thông tin dự án để tham vấn ý kiến cộng đồng. Ngoài ra, nếu Hồng Phát được khai thác thì phải theo hình thức thủ công, tuyệt đối không sử dụng phương tiện cơ giới công suất lớn khai thác cát, sỏi. Đồng thời, xem xét kết hợp với các hộ dân địa phương có tiện tham gia dự án.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đắc Tập (Phó Chủ tịch UBND TX Hương Thủy) thông tin, tỉnh đã giao sự việc khai thác cát của Công ty Hồng Phát ở Dương Hòa cho thị xã. Ông cho biết đã đi thực tế nơi đó rất nhiều. “Vào ngày 9/5/2019, UBND TX đã mời Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng ban ngành đoàn thể của TX cũng như xã Dương Hòa đối thoại với dân, xem ý kiến như thế nào. Nhưng dân không đến, chỉ có vài người thôn Hộ tới thôi. Dân ở đây đã có đơn mong muốn không cho DN làm vì sợ sạt lở. Chúng tôi họp với quan điểm không ép, chỉ muốn nghe nguyện vọng, kiến nghị, tâm tư của dân nhưng dân không tới. Chúng tôi giao lại cho xã thông báo và sẽ mời dân họp lại. Đồng thời, TX sẽ nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh”.
“Công ty Hồng Phát đã có giấy phép nhưng vì dân phản đối, đồng thời DN này cũng chưa chuẩn bị đầy đủ như thiết kế mỏ chưa rõ ràng, đoạn nào sâu mấy, rộng mấy; phải có phê duyệt các cấp có thẩm quyền. Vì những điều này nên Hồng Phát chưa thể khai thác. Nếu có thể giải quyết hài hòa giữa lợi ích và bảo vệ môi trường thì tốt. Làm sao đó phải tránh để xảy ra xung đột không đáng có giữa người dân và doanh nghiệp”, ông Tập nói.
Cột mốc doanh nghiệp đóng xuống bị dân phá bỏ |
Còn ông Lê Đình Thức (Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa) cho rằng, xã chỉ có 5 thôn thì đã 3 thôn dính vào vụ việc. Hiện tại ở đó có hàng chục nhà dân và vườn tược kéo dài từ Buồng Tằm đến thôn Hạ; ngoài ra có vườn cây lồ ô trên 5ha là nguyên liệu để phục vụ cho làng nghề tằm hương nên dân sợ sạt lở là có lý.
“Quan điểm của địa phương, thứ nhất là tỉnh nên cử lãnh đạo về đối thoại với dân. Thứ hai là tỉnh nên chỉ đạo Sở TN&MT giải quyết dứt điểm các đơn kiến nghị của dân để bà con sớm biết kết quả. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân về dự án để họ hiểu hơn, còn lại mọi việc thì cấp trên mới giải quyết được”, ông Thức nói.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.
Hồng Phát từng bị xử phạt
Vào cuối tháng 10/2018, Công ty Hồng Phát đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt 800 triệu đồng. Lý do là vi phạm về độ sâu trong quá trình khai thác cát sỏi tại bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP Huế), đồng thời công ty này cũng bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.