Một cách thực hiện ước mơ

Gọi điện cho Mai Thanh Yến khi biết cô và một người bạn đang làm những dự án phát triển thương hiệu cho những sản phẩm ở các vùng nông thôn Hải Phòng, nhận được lời mời: “Chị chạy xe về An Dương đi, bọn em đang ở Đặng Cương, em sẽ đón chị”. Một cuộc trò chuyện thú vị với cô gái nhỏ nhắn  sinh năm 1987 diễn ra, và tôi cũng thấy mở mang thêm nhiều điều trong cuộc sống, công việc, đặc biệt là cách cô gái  này thực hiện ước mơ.

Về quê để làm việc

 

- Cuối tuần về quê, quả là cách thư giãn vui vẻ!

 

- Chị phải nói rõ về quê làm gì nhé. Đây không phải quê em, nhà em ở ngõ Hoàng Quý. Em về đây cũng không phải thư giãn.

 

- À đúng, về quê, cụ thể về Đặng Cương làm gì? Đó là câu hỏi mình muốn hỏi Yến.

 

- Chị nhìn vườn đào này. Đây là vườn đào nhà bác Nguyễn Xuân Thêm, chủ tịch Hội sinh vật cảnh Đồng Dụ. Chị thấy có gì đặc biệt không?

 

- Vườn đào rất đẹp, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng ý của Yến là gì?

 

- Nếu  làm một phép so sánh giữa đào Nhật Tân và đào Đồng Dụ, chị sẽ thấy: đào Nhật Tân giá cao gấp hai, thậm chí gấp ba lần đào Đồng Dụ. Hỏi về đào Nhật Tân, nhiều người  biết, hỏi về đào Đồng Dụ, thậm chí không ít người Hải Phòng cũng không biết. Tại sao vậy? Đó là vì định vị giá trị của cây đào Nhật Tân tốt hơn. Trong khi ở cánh đồng này (Đồng Dụ), đào đẹp không thua kém đào Nhật Tân.

 

- Cách đặt vấn đề thì  hay, nhưng còn giải pháp?

 

- Có giải pháp, nhưng không thể đòi hỏi giải pháp trước mắt. Em và bạn em trong nhóm BHP (Bảo vệ thương hiệu Hải Phòng) đã đi các huyện An Dương, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng khảo sát và rút ra kết luận: ở Hải Phòng nhiều mặt hàng ở các vùng quê có thể trở thành hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng chưa đưa được những thương hiệu làng đến với mọi người. Bà con nông dân làm theo kiểu manh mún, tự chứng minh sản phẩm bằng chất lượng. Nhưng như thế rất thiệt. Em kể cho chị nghe một dẫn chứng khi em đi tham quan Hội chợ hàng  nông nghiệp Việt Nam, ngày 20 – 8 – 2009, tại đó có ba gian hàng của Hải Phòng, nhưng chỉ bán những vòng ốc, khuyên tai, những sản phẩm không phải đặc trưng Hải Phòng. Nói đến chiếu, người ta nhớ đến Thái Bình, không ai biết chiếu Lật Dương (Tiên Lãng). Em quan sát kỹ các sản phẩm của Hải Phòng, đa số bị  đánh đồng nhầm với sản phẩm nơi khác. Giải pháp chính là việc thay đổi tư duy bán hàng của những người sản xuất.

 

- Thay đổi tư duy của người sản xuất- những  nông dân. Bạn đang chọn một giải pháp chung chung nhất mà tôi biết.

 

- Em đang nói về việc thay đổi tư duy của những người nông dân sản xuất,  xin khẳng định đây là giải pháp đúng đắn nhất hiện nay. Chúng em đã đến những làng nghề và nghiên cứu kỹ. Hiện bọn em đang lập các dự án phát triển thương hiệu ở các vùng quê. Đồng Dụ là một nơi thí điểm bọn em đang làm. Hiện mỗi tuần nhóm em về Đồng Dụ một lần để làm việc với hội sinh vật cảnh ở đây. Đầu tư làm cổng làng, xây dựng quy chế về giá, chống bán phá giá, lập website quảng bá, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, … là những gì nhóm em tư vấn cho các bác. Tất cả mọi người rất thích những cách làm mới, nhưng nhóm em cũng lường được khó khăn: đụng đến vấn đề kinh phí là người nông dân phải suy nghĩ. Hội sinh vật cảnh Đồng Dụ có khoảng 50 hội viên, tổng chi phí cho mọi công việc để tạo dựng thương hiệu hoa Đồng Dụ trước mắt và lâu dài, theo tính toán của nhóm em là khoảng 70 triệu đồng . Mỗi gia đình mất khoảng hơn 1 triệu đồng, cũng là vấn đề với  bà con.

 

Khi cái thích gắn với trách nhiệm

 

- Vậy coi như việc thay đổi tư duy sản xuất và bán hàng của những người nông dân sẽ phải lùi lại. Đó sẽ là việc của tương lai?

 

- Lùi lại thì đúng vì chưa thể làm hiệu quả ngay lập tức. Nhưng nhóm em xác định làm bạn của các bác ở đây rồi. Nghĩa là cứ cắm chốt ở đây, giúp gì được cho họ sẽ giúp để cải thiện tình hình. Nếu hiệu quả, mọi người sẽ tin. Hiện các bác ở đây đã thống nhất được việc làm biển cắm vườn cho vườn nhà mình: mỗi vườn sẽ có biển, ghi tên chủ vườn trong hội sinh vật cảnh, số điện thoại để mọi người tiện liên lạc nếu cần.

 

- Vậy kinh phí các bạn bỏ ra thế nào và thu về thế nào?

 

- Đây là công việc lâu dài. Nói là nhóm, nhưng bọn em chỉ có hai người. Một bạn nữa tham gia cùng em nhưng bạn ấy đang ở Hà Nội, cuối tuần mới về Hải Phòng. Hai đứa mới ra trường, vẫn còn sung sức, lại đều có công việc riêng. Hai đứa em đều học tập và làm việc ở Hà Nội, điều “tự ái” nhất là thương hiệu xuất xứ từ Hải Phòng có chất lượng sản phẩm tốt nhưng không được thị trường chú ý. Bọn em quyết định thành lập nhóm bảo vệ thương hiệu Hải Phòng.

 

- Nếu làm không quan tâm đến tài chính, khó mà duy trì lâu dài được, chỉ là những  việc thích thì làm, không thích thì thôi. Mọi người sẽ nghĩ các bạn làm vì nông nổi…

 

- Em hiểu vấn đề này. Rõ ràng là thích thì làm, nhưng đến bây giờ việc thích đã gắn với trách nhiệm: khi đã tuyên bố làm cái gì đó, nhất là những công việc “vác tù và hàng huyện” như thế này, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân em. Mọi người, trước hết là gia đình, bạn bè, rồi đến những người từng tiếp xúc với mình sẽ nghĩ mình mãi là trẻ con xốc nổi. Em dám khẳng định nhóm em sẽ gặp một số khó khăn mà có lúc phải nản, nhưng vẫn phải làm đến khi có kết quả. Nhóm em chỉ muốn khẳng định: công việc bọn em làm là nghiêm túc, có sự đầu tư, có tâm huyết và tất yếu dẫn đến những kết quả. Đây không phải bài test bọn em làm trong trường để thầy cô chấm và cho điểm.

 

- Mục tiêu của các bạn trong năm mới là gì?

 

- Làm tốt công việc chính và tiếp tục theo đuổi đam mê đến khi có kết quả. Nhưng em đặt mục tiêu đến cuối năm 2010 đạt được những thành quả nhất định và tất nhiên, em cũng muốn khẳng định nó qua việc em cùng các bác nông dân có thêm lợi nhuận.

 

- Bạn tâm sự gì với các bạn trẻ nhân dịp năm mới?

 

- Chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, em chưa đủ sức. Nhưng em thích quan điểm này: mỗi khó khăn mở ra một hướng giải quyết cho công việc, cuộc sống. Từ đó các cơ hội sẽ đến với mình. Em thích khẳng định mình trong những khó khăn.

 

- Cảm ơn Yến và chúc nhóm BHP thành công! Chúc các bạn và những người nông dân thu được lợi nhuận tốt hơn trong năm mới!

 

Đặng Tuyền

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.