Monsanto – tội đồ của môi trường toàn cầu (Kỳ I): 50 năm âm thầm đầu độc thế giới

Sông Yakima ở bang Washington bị cho là ô nhiễm nặng bởi các hóa chất PCB.
Sông Yakima ở bang Washington bị cho là ô nhiễm nặng bởi các hóa chất PCB.
(PLO) -Monsanto hiện là một “người khổng lồ” trong lĩnh vực nông nghiệp chuyên sản xuất hạt giống cây trồng, công nghệ sinh học cho cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng Monsanto cũng là một cái tên gây tranh cãi trong suốt lịch sử phát triển của mình.

Bất chấp các chiến lược truyền thông rầm rộ, Monsanto vẫn bị gắn liền với hình ảnh một tập đoàn đa quốc gia tham lam, kiêu ngạo và đầy bê bối, phải đối mặt với vô vàn các vụ kiện cáo vì sản xuất các chất độc hại. Một trong số đó là vụ kiện đang được nhiều bang tại Mỹ theo đuổi do hoạt động sản xuất, kinh doanh các hóa chất PCB của Monsanto trong gần 50 năm. 

Năm 1901, ông John Francis Queeny đã bỏ tiền túi 1.500 USD và vay thêm 3.500 USD để thành lập công ty tại Saint-Louis (bang Missouri của Mỹ). Công ty mang tên Monsanto để nhớ đến vợ ông tên là Olga Mendez Monsanto.

Trong hơn 100 năm tồn tại, Monsanto đã viết nên những trang sử đen tối không chỉ ở quốc gia mình mà còn khắp nơi trên toàn cầu về những hóa chất độc hại nhất mà con người từng biết. Tại nhiều nơi, Monsanto bị gọi là “Ác quỷ” hủy hoại môi trường, đầu độc cả thế giới. 

Mối đe dọa nghiêm trọng nhất hành tinh

Thời gian đầu sau khi thành lập, Monsanto chỉ sản xuất chất tạo ngọt sác-ca-rin để bán cho Coca-Cola. Nhưng ngay từ thời điểm đó, chính phủ Myx đã biết sác-ca-rin có tính chất độc hại và kiện Monsanto để dừng sản xuất loại hóa chất này nhưng thua kiện, đánh dấu dữ liệu đầu tiên trong “hộp đen Monsanto” về việc công ty này bắt đầu đầu độc thế giới thông qua đồ uống có gas. 

Những năm đầu thập kỉ 1920, Monsanto bắt đầu mở rộng sang sản xuất hóa chất tổng hợp polyclo hóa biphenyl (gọi tắt PCBs) để chế tạo chất lỏng làm mát cho máy biến áp điện, tụ điện, và động cơ điện. Đây cũng là thời điểm đánh dấu tội ác nghiêm trọng đầu tiên mà Monsanto gây ra hành tinh này.

PCB – một nhóm các hợp chất nhân tạo - được coi là hóa chất kỳ diệu trong lĩnh vực công nghiệp, là một loại dầu không bị đốt cháy, không thấm nước và có khả năng ứng dụng gần như vô hạn. Thế nhưng, bên cạnh những tính năng cực kỳ hữu dụng, PCB cũng bị coi một trong những mối đe dọa về hóa chất nghiêm trọng nhất trên toàn cầu.

Được sử dụng rộng rãi làm chất bôi trơn, chất lỏng trong các hệ thống thủy lực, lớp phủ không thấm nước, chất trám lỏng, các chất PCB là các chất gây ung thư tiềm năng và được cho là có liên quan đến rối loạn hệ thống sinh sản, hệ thống sinh trưởng và hệ thống miễn dịch của con người cũng như các loại động, thực vật.

Trung tâm sản xuất các chất PCB của thế giới chính là nhà máy của Monsanto đặt ở Đông St. Louis, bang Illinois, Mỹ, nơi có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao nhất và sinh non cao nhất trong bang này. Monsanto là nhà sản xuất các chất PCB duy nhất tại Mỹ từ năm 1930 tới năm 1977.

Trong thời gian này, Monsanto đã sản xuất và phân phối khoảng 7 triệu tấn PCB. Vào thời gian Monsanto ngừng sản xuất PCB vào năm 1977, ước tính có khoảng 75 nghìn tấn PCB bị thải ra môi trường, gần 150 nghìn tấn đã ngấm sâu vào các lớp đất ở khắp nơi trên toàn cầu. 

Dù cố gắng xây dựng hình ảnh “xanh”, Monsanto vẫn bị nhiều nơi coi là “Ác quỷ hủy hoại môi trường”.
Dù cố gắng xây dựng hình ảnh “xanh”, Monsanto vẫn bị nhiều nơi coi là “Ác quỷ hủy hoại môi trường”. 

Bịt mắt và lừa dối công chúng

Gần năm mươi năm sau, các kiểm tra độc tính bắt đầu báo cáo những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng từ PCB ở chuột trong phòng thí nghiệm khi tiếp xúc với hóa chất này. Sau một thập kỷ nghiên cứu nữa, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo chính thức coi PCB là nguyên nhân gây ung thư ở động vật, đồng thời có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể gây ung thư ở người.

Những nghiên cứu y tế xem xét bổ sung cho thấy mối quan hệ nhân-quả giữa phơi nhiễm PCB với bệnh ung thư da non-Hodgkin Lymphoma, một dạng ung thư thường xuyên gây tử vong. Năm 1979, Quốc hội Hoa Kỳ công nhận PCBs là một chất độc gây hại đáng kể tới môi trường và là chất gây ô nhiễm hữu cơ lâu dài, và cấm sản xuất ở Mỹ.

Cho tới lúc đó Monsanto đã có nhà máy sản xuất ở nước ngoài, vì vậy họ đã không hoàn toàn dừng lại cho đến khi có Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cấm sản xuất PCBs trên toàn cầu vào năm 2001. 

Điều đáng nói là Monsanto nhận biết được PCB nguy hiểm đối với con người và các sinh vật khác, và các loại hóa chất này vẫn rò rỉ ra môi trường. Ngay trong các hướng dẫn nội bộ của Monsanto từ cuối những năm 1930 đã có những cảnh báo về việc công nhân trong các nhà máy sản xuất PCB phải nghiêm ngặt tuân thủ quy trình lao động, mặc trang phục bảo hộ thích hợp, tránh tiếp xúc với sản phẩm và phải tắm rửa toàn thân ngay khi rời xưởng.

Nhưng công ty này không hề dừng việc sản xuất và không gửi đi bất kỳ cảnh báo nào tới công chúng. Đến giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi Monsanto đã hoàn toàn biết rõ rằng PCB là cực kỳ nguy hiểm và một số lượng lớn đã bị rò rỉ ra môi trường, Monsanto vẫn tiếp tục quá trình sản xuất, phân phối loại hóa chất này ra toàn cầu cho tới tận năm 1977.

Thay vì tiến hành các động thái bảo vệ an toàn cho công chúng, năm 1969, Monsanto đã thành lập một “Ủy ban PCB” nhằm xây dựng kế hoạch hành động chiến lược với 3 mục tiêu: Thứ nhất là bảo vệ việc tiếp tục bán PCB, thứ hai là được phép tiếp tục phát triển các ứng dụng mới của PCB và thứ 3 là bảo vệ hình ảnh của Monsanto trong mắt công chúng.

Một báo cáo của Ủy ban PCB năm 1969 có đoạn: “Chúng ta khó có khả năng thể tiến hành những hành động nhằm ngăn chặn sự phản đối của công chúng đối với PCB bởi vì hầu hết các chất gây ô nhiễm môi trường đều dẫn đến việc gây ô nhiễm với thức ăn của con người. Dù vậy, vẫn có một vài bước đi mà chúng ta cần tiến hành nhằm kéo dài thời gian sản xuất, kinh doanh và sử dụng các chất PCB”. 

Khi các tài liệu của chính Monsanto cho thấy các chất PCB gây độc hại, Monsanto tiến hành các nỗ lực vượt bậc để bịt mắt công chúng, thậm chí còn thao túng các báo cáo khoa học bằng cách mua chuộc các nhà khoa học để họ thay đổi các kết luận của mình, giảm nhẹ những nguy cơ về khả năng PCB đào thải ra môi trường.

Monsanto đối mặt với nhiều vụ kiện đòi bồi thường do đã sản xuất PCB gây ô nhiễm toàn cầu.
Monsanto đối mặt với nhiều vụ kiện đòi bồi thường do đã sản xuất PCB gây ô nhiễm toàn cầu. 

Ngoan cố phủ nhận tội ác

Dù các chất PCB cuối cùng đã bị cấm sản xuất sau 50 năm do gây ra sự tàn phá quá lớn, song sự ô nhiễm gây ra bởi các chất hóa học PCB vẫn để lại tàn dư trong cơ thể con người, trong nhà, trường học, trong không khí, trong các nguồn cung cấp thực phẩm, trong nước uống, trong cây cối và động vật hoang dã. PCB vẫn hiện diện trong máu của con người cũng như động vật và những tế bào mô ở khắp toàn cầu, nó tiếp tục truyền qua sữa mẹ hoặc các loại sữa cho trẻ sơ sinh tới các thế hệ sau. 

Dù vậy, sau nhiều chục năm dừng sản xuất PCB, Monsanto vẫn lờ đi những bằng chứng cho thấy PCB có thể gây hại cho cơ thể con người. Năm 2000, một người phát ngôn của Solutia, một công ty do Monsanto thành lập nhằm quản lý toàn bộ hoạt động liên quan đến mảng hóa chất đã trả lời phỏng vấn trên tạp chí Chemical Week rằng:

“Những bằng chứng khoa học đầy sức nặng cho thấy việc phơi nhiễm với các chất PCB không ảnh hưởng tới sức khỏe con người”, bất chấp việc cả Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế đều kết luận điều ngược lại rằng PCB có thể gây ung thư. 

Năm 2016, Washington ở Mỹ đã kiện Monsanto do đã gây ô nhiễm bởi các chất PCB  - hợp chất xuất hiện trong cây cối, các loại cá và con người khắp toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Nhiều thành phố khác như Portland, Oregon, Oakland, Berkeley, San Jose, Long Beach and San Diego, California cũng đã kiện Monsanto về ô nhiễm môi trường do PCB gây ra. Jay Inslee – nghị sĩ đảng Cộng hòa và Tổng Chưởng lý Bob Ferguson tuyên bố họ hy vọng sẽ thắng kiện với số tiền bồi thường lên đến nhiều tỷ USD.

“Đã đến lúc buộc nhà sản xuất các chất PCB duy nhất của Mỹ chịu trách nhiệm về những tác hại nghiêm trọng mà họ gây ra cho bang của chúng ta” – ông Ferguson nói, cho rằng các loại hóa chất này tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường và các loài sinh vật, bất chấp việc Washington đã bỏ ra hàng chục triệu USD để làm sạch môi trường.

“Monsanto đã sản xuất PCS trong nhiều thập kỷ dù họ biết rõ về những tác hại của nó với sức khỏe con người và môi trường, và họ cố gắng che giấu điều đó. Đây là tội ác với nhân loại và họ cần phải đền tội”.

(Mời xem tiếp số sau)

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.