Mong yên nghỉ trong vòng tay... "những người con xã hội"

 Dù có nhiều “ngả đường” đến với Trung tâm Bảo trợ Xã hội III nhưng các cụ ông, cụ bà vẫn thấy ấm lòng bởi sự ân cần đối xử của những người không phải là “núm ruột” họ từng đẻ đau mang nặng. Trong nhiều bản “di chúc” không chính thức, các cụ ghi rõ là mong được trút hơi thở cuối cùng tại Trung tâm này, giữa vòng tay các nhân viên xã hội đã chăm sóc mình...

Dù có nhiều “ngả đường” đến với Trung tâm Bảo trợ Xã hội III (thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội), nhưng đến bằng con đường nào thì các cụ ông, cụ bà vẫn thấy ấm lòng bởi sự ân cần đối xử của những ngườikhông phải là “núm ruột” họ từng đẻ đau mang nặng. Trong nhiều bản “di chúc” không chính thức, các cụ ghi rõ là mong được trút hơi thở cuối cùng tại Trung tâm này, giữa vòng tay các nhân viên xã hội đã chăm sóc mình...

Nghề trải nghiệm cuộc đời

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Bảo trợ Xã hội III (thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã trở thành mái ấm của hàng trăm người già cùng chung sống hòa thuận, ấm áp.

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội III, các cụ luôn được cán bộ chăm sóc ân cần
Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội III, các cụ luôn được chăm sóc ân cần

Phó Giám đốc Trung tâm - ông Bùi Tiến Thành chia sẻ: “Đó là tình thương, là sự đồng cảm chân thành với số phận của con người. Mỗi con người là một cảnh đời, cán bộ, công nhân viên phải biết lấy tình thương của chính mình để hòa vào dòng chảy riêng của từng số phận ấy”.

Công việc của các anh, chị ở đây không phải là một nghề kiếm sống mà là họ đang trải nghiệm cuộc đời bằng những tiếng khóc, cười của những cuộc đời khác. Bình quân thu nhập mỗi tháng của nhân viên xã hội ở Trung tâm không hơn 1,5 triệu đồng. Nhưng họ vẫn gắn bó cuộc đời vào nơi đây lâu dài bởi ở đây, họ thấy mình sống có ích cho nhiều người.

Ai cũng tâm niệm mình đang làm phúc, xoa dịu bớt nỗi đau của những mảnh đời côi cút, bất hạnh. Có lẽ nhờ thế mà họ trụ được với công việc ở đây rất lâu. Giao thừa năm nào Trung tâm cũng “cắm trại” 100%, bởi ngay cái thời khắc linh thiêng của một năm ấy, là lúc nhiều cụ chịu không nổi sự cô lẻ, buồn tủi đã khóc và nhiều người nhớ nhà, thương cháu con đến dậy không nổi. Họ cần lắm những tình cảm, sự nâng đỡ tinh thần và đó là lúc các anh chị trong Trung tâm trở thành những người thân không thể thiếu của các cụ.

Chị Lê Thị Kim Thanh - Phó phòng y tế gắn cuộc đời mình với những tiếng thở dài cô lẻ của các cụ già neo đơn hàng chục năm, chị vẫn giữ được tình cảm ấm áp và chịu thương chịu khó với các cụ như những ngày đầu. Làm việc cả những ngày tết, ngày lễ chị cũng ngại gia đình không vừa ý. Thật may sao, gia đình chị cũng đồng cảm với việc làm của chị. Con gái chị Thanh đang học cấp 2, rất thương mẹ và các cụ ở Trung tâm. Ngày nghỉ, cô bé tự tổ chức nhóm bạn trong trường đến Trung tâm cắt móng tay, cắt tóc cho các cụ. Giúp các cụ và để có thời gian chia sẻ, gần gũi hơn với mẹ.

Công việc hàng ngày của chị Đỗ Thúy Hằng - Tổ trưởng tổ hộ lý thường bắt đầu lúc 5h sáng, hết dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, cọ rửa nhà vệ sinh rồi tắm rửa, thay quần áo cho các cụ già, quan tâm các cụ từng miếng cơm, nước uống. Đa số đều rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không già cả, ốm đau thì cũng là người khuyết tật. Người già thì nay ốm mai đau liệt giường, liệt chiếu, chị phải phục vụ tại chỗ mà có khi vẫn bị mắng mỗi khi các cụ trái tính, trái nết. Nhiều cụ không còn minh mẫn, đi lại khó khăn. Ðể chiều lòng tất cả, không chỉ khéo léo, dịu dàng trong công việc mà còn phải xuất phát từ tấm lòng của mình. Giờ đây, chị thấy gắn bó với công việc hơn, xem những cụ già như cha mẹ mình, từ đó toàn tâm toàn ý chăm sóc cho các cụ.

Nhiều chị tuy còn khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn bám lấy công việc. “Bỏ việc rồi ai cũng như mình thì ai sẽ chăm sóc các cụ?. Vả lại mình quen tính của các cụ hết rồi nên cũng được xem như con”, hộ lý Hoàng Thị Hằng vui vẻ nói.

Hơn chục năm qua, một tay vừa chăm sóc cho những người già trong Trung tâm, một tay lại lo cho gia đình, chồng con, nhưng chị đều làm tròn bổn phận, xem cả hai đều là những ngôi nhà chung của mình. 

Trên môi những chị em ở đây lúc nào cũng tươi cười và gọi các cụ là thầy, u xưng con. Họ bảo, phải “nền tính” hơn thì mới chiều được các cụ, và tếu táo nói mai sau chăm sóc bố mẹ chồng chắc sẽ tốt lắm... Các chị còn hào hứng khoe, ở đây nhiều cụ sống rất tình cảm, họ thường sẻ chia với các chị những câu chuyện thầm kín, hay cách đối nhân xử thế... Bởi thế, có nhiều khi được con cái hay nhà hảo tâm cho quà, các cụ lại gọi các cô y tá, hộ lý lên cùng ăn và rôm rả trò chuyện đến giờ đi ngủ.

Chờ thực hiện một giấc mơ...

Ông Hoàng Anh Đức - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III cho biết: “Khó khăn hiện nay của Trung tâm là nguồn kinh phí eo hẹp nên chế độ ăn uống của các cụ gặp nhiều khó khăn. Mong muốn của Trung tâm là các ban ngành đoàn thể doanh nghiệp hỗ trợ tạo việc làm cho những cụ còn sức lao động để tăng thu nhập và vận động có sức khỏe”.

Trước đây, với tiền trợ cấp 300.000 đồng/cụ/tháng thì Trung tâm đã cố gắng co kéo bữa cơm có cá, thịt để tạm đủ chất dinh dưỡng cho các cụ. Nhưng trong điều kiện giá cả tăng vọt, những bữa cơm đã nhạt thếch, thiếu hẳn vị tanh và vị ngọt của cá, thịt khiến ông Đức đã nhiều lần phải “trốn” khỏi Trung tâm vì đắng lòng khi nhìn những mâm cơm trong phòng ăn hàng tuần liền, chỉ toàn một màu xanh.

“Người khỏe ăn thế còn phát ốm, nói gì các cụ già cả, bệnh tật” - ông Đức thở dài. Cũng bởi suy nghĩ ấy, ông đã chạy vạy đi xin hỗ trợ nhiều nơi.

Trước cảnh thiếu trước hụt sau, Trung tâm phải vận động công nhân viên trồng thêm nhiều rau củ, nuôi gia cầm để bổ sung phần nào vào bữa ăn cho các cụ nhưng khẩu phần ăn vẫn kham khổ, thiếu thốn. Hàng chục cụ vẫn chan canh vào cơm, húp sì sụp ngon lành.

Nhìn mâm cơm cứ teo tóp, vơi dần và những bàn tay run rẩy gắp những cọng rau cũng ốm tong teo vào bát, tôi quay sang tìm vị Giám đốc định nói điều gì đó cho bớt nghẹn cổ, thì thấy ông đã lãng ra cửa, với bước đi nặng trịch.

Chia tay tôi ở khoảng sân trống còn sót lại chút nắng chiều, ông nói: “Ngoài các cụ không nơi nương tựa, Trung tâm còn nhiều cụ có gia đình, năm nào chúng tôi cũng vận động gia đình bảo lãnh các cụ về ăn tết. Nhưng tết nào cũng thế, chả mấy cụ được về nhà đón tết với con cháu...”.

“Nhìn các cụ nghiến răng nuốt ngược nước mắt vào trong, chịu đựng nỗi đau xót, tủi phận, tôi chỉ ước sao cho một sáng mai thức dậy sẽ... không còn Trung tâm Bảo trợ Xã hội III với các cụ già khắc khoải nhớ thương con, cháu mình nữa. Không phải anh em chúng tôi sợ khổ mà thật sự là chúng tôi không chịu nổi những tiếng nuốt nước mắt nghẹn ngào, buồn tủi của những người cha người mẹ đang sống cô đơn lạc lõng ngay chính trên mảnh đất họ đã vất vả nuôi con từ tấm bé…”. Rất nhiều đêm, vị Giám đốc mơ trên đời sẽ không có những người già cô đơn, tủi phận, để Trung tâm Bảo trợ Xã hội III này được thay bằng một công trình vui vẻ, sinh động khác...

Vân Sam

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.