Muốn xây dựng y đức phải có sự đầu tư của Nhà nước, đồng thời phải tạo được công bằng, minh bạch trong khám chữa bệnh, chứ cứ như hiện nay chúng ta đã rao giảng quá nhiều về y đức mà lại thực hiện ít...
Sự quá tải của bệnh viện cũng khiến cho y đức của thầy thuốc bị ảnh hưởng?. |
Vi phạm y đức vì bệnh viện... chưa xứng tầm
Quan điểm này được TS.Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện E đưa ra tại Hội thảo “Y đức và các thách thức trong thực hiện y đức hiện nay” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề y đức của người thầy thuốc lại được đề cập một cách thẳng thắn đến như thế. Lý giải cho luận điểm của mình, ông Nghị phân tích, theo chuẩn quốc tế, những bệnh viện đạt yêu cầu phải tương đương với khách sạn 3 sao trở lên, cộng với chuyên môn kỹ thuật y tế tốt, hiện đại... Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các bệnh viện công chỉ ngang tầm nhà trọ, nhà khách chưa có sao, hạng. Trong khi đó nhu cầu của người bệnh lại quá cao so với thực tế. Khi những đòi hỏi đó không đáp ứng được thì dư luận sẵn sàng lên án những bất cập trong ngành y, đặc biệt giới thầy thuốc tại các bệnh viện...
Là một bác sỹ lâu năm và cũng rất bức xúc về vấn đề này, GS-TS.Trần Quỵ - nguyên Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng quá tải chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng vi phạm y đức, vì quá tải nên dẫn tới nhiều hệ lụy.
Cụ thể, một bác sĩ phải thăm khám liên tục mỗi ngày gần cả trăm bệnh nhân, mổ liên tục 3-4 tiếng, thậm chí có ca mổ kéo dài cả chục tiếng gây căng thẳng, mệt mỏi, không cáu gắt mới lạ. Cùng với đó, người thầy thuốc còn phải chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội khi không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Bởi vậy, ông khẳng định: “Nếu cứ diễn ra tình trạng 4-5 người/giường bệnh thì rất dễ vi phạm y đức!”.
Đưa và nhận phong bì đã thành phản xạ
Nhiều “người trong cuộc” thừa nhận, phong bì bệnh viện là một thực tế và thực tế này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nó càng trở thành vấn đề đáng bàn cãi và quan tâm hơn khi ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, người nhà của bà khi đi khám chữa bệnh cũng phải đưa phong bì. Khá nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm này và nêu ra một thực tế, nhiều bệnh nhân muốn khám nhanh, được bác sĩ ân cần, niềm nở nên sẵn sàng đưa phong bì cho bác sĩ.
Theo Bác sĩ Phạm Đức Thịnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Ngọc, đưa và nhận phong bì đã trở thành phản xạ được điều kiện hóa ở cả hai phía. Những hành vi tiêu cực này đã làm thất bại mọi nỗ lực chống tham nhũng. Rồi ông ví von: “Chống tham nhũng giống điều trị ung thư. Điều trị ung thư thất bại nếu không diệt được những tế bào ác tính cuối cùng sẽ thất bại. Chống tham nhũng cũng thất bại nếu có vài thành viên trong cơ quan miễn nhiễm với chính sách bài trừ tham nhũng”…
Cùng với những lý do kể trên, không ít bác sỹ tán đồng nhận xét của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên: “Các chính sách đãi ngộ còn thấp so với những cống hiến của nhân viên y tế. Đây chính là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế trong việc nâng cao y đức, đặc biệt trong cơ chế thị trường như hiện nay…”.
Nâng cao y đức, thầy thuốc cần “học lại thái độ ứng xử”
Đã tìm ra căn nguyên của căn bệnh, tất sẽ có thuốc chữa. Theo TS.Đoàn Hữu Nghị, muốn xây dựng y đức phải có sự đầu tư của nhà nước, đồng thời phải tạo được công bằng, minh bạch trong khám chữa bệnh. “Chúng ta đã rao giảng quá nhiều về y đức mà lại thực hiện ít” - ông Nghị nhận xét. Chính vì vậy, ông Nghị cho rằng, học trong trường 6 năm chưa đủ, bác sĩ phải được đào tạo lại, cả về trình độ lẫn thái độ ứng xử với người bệnh.
Bác sĩ Thịnh cũng hiến kế: “Trước bệnh nhân, thầy thuốc phải biết kìm nén cảm xúc cá nhân, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ với người bệnh. Tại BV Hồng Ngọc, những bác sĩ nào bị bệnh nhân phàn nàn là chúng tôi xem xét, nếu bệnh nhân phàn nàn nhiều quá sẽ bị cắt hợp đồng”.
Góp phần nâng cao y đức, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, GS.Trần Quỵ nêu giải pháp ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ bác sĩ thì cần phải đưa y đức vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y tế, thường xuyên đào tạo và đào tạo liên tục về y đức cho cán bộ y tế.
* Bác sỹ Hoàng Xuân Đại, Chuyên viên cao cấp Bộ Y tế: “Về vấn để tổ chức, theo tôi cần có sự chuyển giao kỹ thuật để không ngừng nâng cao kỹ thuật cho các tuyến điều trị cơ sở. Song song với việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho cơ sở cần có bổ sung trang thiết bị từng bước để nâng cao điều kiện thực hiện các kỹ thuật tân tiến. Cùng với đó là mở rộng cơ sở trị liệu ở tuyến cuối, thành lập các cơ sở điều trị theo vùng miền có chất lượng cao. Giải quyết tốt được vấn đề này sẽ lấy lại được lòng tin của dân chúng vùng miền, từ đó sẽ giảm tải được cho các cơ sở điều trị ở tuyến Trung ương...”. * PGS-TS.Vũ Đình Chính - Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương: “Nội dung giảng dạy về y đức tại các trường y hiện nay còn thiếu phần trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm của người thầy thuốc; còn khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực hành; thời lượng chương trình thì ít; phần thực hành quá ít; giáo viên thì chủ yếu là kiêm nghiệm nên không thể triển khai sâu, rộng bộ môn này”. |
Hải Long