THƯ TÒA SOẠN
Thưa quý bạn đọc!
Hiến pháp là một văn kiện chính trị - pháp lý cơ bản nhất và quan trọng nhất của một quốc gia, do chính các thành viên của quốc gia đó chung sức xây dựng nên. Là sản phẩm của một quốc gia, song Hiến pháp cũng phản ánh tinh thần của thời đại mà quốc gia đó hiện hữu.
Với tư cách là “luật gốc”, “luật mẹ”, Hiến pháp có tính vững bền, làm nền tảng cho mọi hoạt động của quốc gia trong một giai đoạn nhất định, song dù sao tính vững bền cũng chỉ là tương đối, nó cũng phải được sửa đổi khi xét thấy cần thiết, nhất là khi đất nước chuyển giai đoạn trong tiến trình phát triển. Trải qua lịch sử hơn 60 năm, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước ta đã có tới 4 bản Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992.
Được ban hành vào thời kỳ đầu của đổi mới, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận và mở ra một thời kỳ mới của sự phát triển đất nước: chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở cửa hội nhập với thế giới. Đến nay, đất nước đã bước sang thời kỳ hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và tiến hành hội nhập sâu rộng hơn, toàn diện hơn với thế giới đang trên lộ trình toàn cầu hóa. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội như vậy, để đáp ứng đòi hỏi của sự đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà nước đang ráo riết xúc tiến sửa đổi Hiến pháp hiện hành.
Sửa đổi Hiến pháp không bao giờ là một việc đơn giản, dễ dàng, nó đòi hỏi công sức, trí tuệ, tâm huyết của cả dân tộc.
Số chuyên đề này của Báo PLVN, với chủ đề về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ra mắt bạn đọc cũng nhằm góp phần nhỏ bé vào công việc chung của đất nước, tuy khó khăn nhưng vinh dự đó.
Thân ái!
Tổng Biên tập
TS. Đào Văn Hội