Quý bạn đọc thân mến!
Hàng hiệu không phải chỉ là một món đồ thể hiện đẳng cấp giàu có của người dùng nó. Sự sang trọng của hàng hiệu cũng không nằm ở một chiếc áo đẹp, một chiếc đồng hồ với từng chi tiết tinh xảo, hay một chiếc túi có giá vài ngàn Mỹ kim. Dưới lăng kính Pháp luật và văn hóa tiêu dùng, hàng hiệu mang thông điệp của những người biết tôn trọng thứ tài sản quý giá nhất – tài sản trí tuệ. Điều này được pháp luật quy định và bảo hộ trong rất nhiều các văn bản pháp luật liên quan. Và đây cũng chính là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc đang cầm trên tay cuốn Pháp luật Việt Nam Chuyên đề số 32 – 8/2011.
Bìa Chuyên đề số 32 - tháng 8/2011 |
Với những bài viết thể hiện cái nhìn đa góc cạnh của các nhà báo, các chuyên gia sở hữu trí tuệ, các luật sư như: Hàng hiệu – một khái niệm, hai cái nhìn; Hàng hiệu dưới lăng kính luật pháp; Sở thích “hàng hiệu”; Những lưu ý khi xây dựng thương hiệu; Khi con nhà nghèo mê hàng hiệu; Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc tế; Bí quyết không chọn nhầm hàng hiệu rởm… PLVN Chuyên đề không chỉ mang đến cho bạn đọc những hiêu biết phong phú về sự tồn tại của hàng hiệu trong cuộc sống, mà còn trang bị kiến thức pháp luật cho người tiêu dùng cũng như cho các doanh nghiệp trên con đường tiếp cận, xây dựng những thương hiệu mạnh.
Song hành cùng nội dung chính, PLVN Chuyên đề số 32 – 8/2011 vẫn là người bạn thân thuộc của độc giả với các chuyên mục đã và đang được bạn đọc chờ đón qua mỗi kỳ xuất bản: Phóng sự, Nhịp sống trẻ, Khởi nghiệp, Camera tòa án…
Với PLVN Chuyên đề kỳ này, chúng tôi hy vọng sẽ đến gần hơn nữa với độc giả trong khoảng cách pháp luật và đời sống xã hội để pháp luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực, như cách chọn một chiếc túi xách sao cho vừa thời trang, vừa sang trọng, vừa có văn hóa và… vừa đúng pháp luật. Chúng tôi hy vọng quý bạn đọc sẽ ủng hộ với một tư duy thiết thực này.
Trân trọng cảm ơn!
Tổng Biên tập
TS. Đào Văn Hội