Mọc nấm, thủng màng nhĩ vì thói quen lấy ráy tai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Ngoáy tai, lấy ráy đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Thậm chí, họ còn cho rằng đây chính là thủ phạm gây ngứa tai. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng đơn giản, vô hại này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Nguy hại từ lấy ráy tai sai cách

Theo số liệu được công bố mới đây khiến không ít người giật mình. Hơn 50% bị đau tai, trong đó hơn 8% bị đau tai nặng phải điều trị nguyên nhân do lấy ráy ở tiệm cắt tóc. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mỗi năm phải xử lý hàng trăm ca bị thủng màng nhĩ. 

Nhiều người cho rằng, không lấy ráy tai sẽ gây ra việc tắc nghẽn ống tai, từ đó làm suy giảm thính giác. Do đó, họ thường có thói quen sử dụng bông tăm, đầu chiếc chìa khóa, chiếc kẹp tóc hay đơn giản là móng tay... để làm sạch ráy tai và loại bỏ bụi bẩn trong lỗ tai.

Chị Nguyễn Thị Nhung (ở Mộ Lao, Hà Đông) cho biết, chị luôn có sẵn dụng cụ lấy ráy tai trong nhà. “Cứ cách vài ngày hoặc mỗi khi thấy ngứa, ù tai là tôi dùng dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại mua ở chợ để lấy chúng ra và dùng tăm bông để lấy ráy tai cho con nhỏ. Ráy tai chính là các tế bào da chết và bụi bẩn tích tụ, lấy hết ra cho sạch tai, để lâu ngày bẩn quá bít lỗ tai thì còn nghe được gì nữa”.

Trường hợp khác, lại có người trở thành “con nghiện” của dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm hớt tóc. Chia sẻ về sở thích này, anh Nguyễn Ngọc D. cho biết, sau một lần đi cắt tóc ngoài tiệm, nghe nhân viên mời chào dịch vụ lấy ráy tai, anh thử lần đó và trở thành “khách ruột” lấy ráy tai tại quán. “Lấy ráy tai ngoài quán tạo cảm giác thư giãn, massage bởi vậy vài ngày tôi lại ra quán để vệ sinh tai. Tuy nhiên gần đây, tôi có biểu hiện suy giảm thính lực, các bác sĩ ở bệnh viện chẩn đoán tôi bị viêm tai giữa”.

Có thể thấy, đối với thói quen lấy ráy tai ở các tiệm hớt tóc sẽ khiến khách hàng đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm. Các dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại dễ gây tổn thương đến các bộ phận của tai, bởi người lấy ráy tai không rành chuyên môn, không biết cấu trúc của tai. Nếu lỡ tay nhẹ thì làm trầy ống tai gây chảy máu, nhiễm trùng dẫn đến các bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nếu lỡ tay nặng thì dẫn đến thủng màng nhĩ, gây giảm thính lực, nặng dần thành điếc.

“Đã có nhiều trường hợp viêm tai giữa gây chảy mủ nhưng không được điều trị kịp thời khiến viêm tai xương chũm, lâu ngày tổn thương não và sọ, có thể gây xuất huyết não dẫn đến tử vong. Đa phần, các dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm hớt tóc thường không vô trùng, vì vậy chúng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác mà phổ biến nhất là bệnh về nấm” - ThS.BS Ngô Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe TP. Đà Nẵng nhấn mạnh. 

Cơ thể sẽ tự làm sạch ráy tai

ThS.BS Ngô Văn Quang cho hay, rất nhiều người chưa thực sự hiểu rõ vai trò của ráy tai nên thường nhầm tưởng ráy tai là bụi bẩn cần phải vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo bác sĩ Quang, cấu tạo tai của mỗi người bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có nhiệm vụ hứng sóng âm thanh trong không gian để truyền vào tai giữa và tai trong qua tác động làm rung màng nhĩ. Ống tai ngoài có các tuyến tiết ra chất bã gọi là ráy tai.

Ráy tai có thể khô hoặc ướt là tùy thuộc từng cá thể. Ráy tai cũng có nhiệm vụ bảo vệ thành ống tai, do trong thành phần ráy tai có chất kháng sinh, có chất kết dính để bẫy, dính vi khuẩn. Ráy tai phủ một lớp mỏng trên da ống tai ngoài, được hình thành do chất nhờn trong ống tai trộn lẫn với các tế bào chết, đóng vai trò như một “vệ sỹ” ngăn chặn vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức của ống tai ngoài, đe dọa thính giác.

Ráy tai giúp điều hòa PH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai bạn có thể bị khô và ngứa. Dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra ngoài. 

“Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể chúng ta sẽ tự làm sạch ráy tai. Quá trình này diễn ra bằng hiện tượng đẩy dần những lớp tế bào da lót ống tai từ vị trí bên trong sát với màng nhĩ ra phía ngoài của ống tai ngoài. Với sự chuyển dịch của lớp tế bào da lót ống tai ngoài như vậy thì ráy tai cũ dần dần được đẩy ra phía ngoài của ống tai ngoài và ở đó chúng sẽ dần khô đi, bong ra và rơi ra ngoài mà không cần đến các công cụ hỗ trợ” - ThS.BS Ngô Văn Quang cho biết. 

Theo bác sĩ Quang, tốt nhất không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì vào trong ống tai. Các loại tăm bông chỉ dùng để vệ sinh phần vành tai phía ngoài của ống tai. Nếu dùng tăm bông hay bất cứ vật gì đưa vào ống tai nguy cơ đẩy ráy tai vào sâu bên trong ống tai càng cao. Ngoài ra, việc lấy đi một lượng ráy tai tự nhiên sẽ làm giảm khả năng bảo vệ ống tai khỏi bụi, những hạt cát nhỏ, chất bẩn hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng.

Đối với những người bị ráy tai nhiều và hay tái phát, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để kiểm tra, làm súc rửa hoặc dùng dụng cụ chuyên khoa để lấy ráy tai ra. Sau khi khám, nếu màng nhĩ còn nguyên vẹn và không bị bệnh lý nhiễm trùng gì, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc nhỏ tai như dung dịch Cerumenex để làm mềm ráy tai. 

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.