Từ sau khi có cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, các tỉnh miền Trung ra sức “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư với các chính sách hết sức ưu đãi về thuế cũng như giá thuê đất. Khi chưa được cấp đất, các nhà đầu tư cũng sốt sắng chạy cho được dự án, nhưng khởi công rồi, rất nhiều trong số họ lại “đánh bài chuồn”. Vì đầu nên nỗi?
[links()]
Thiếu vốn hay xí phần
Việc “trải thảm đỏ” mời đầu tư ồ ạt tất yếu dẫn đến hậu quả là có nhiều dự án treo. Trong số những tiêu chí đánh giá mức độ thông thoáng của cải cách hành chính có tốc độ thu hút vốn đầu tư. Vì vậy không ít tỉnh đã phớt lờ yếu tố chất lượng đầu tư để tăng hạng. Nhưng đằng sau những con số “tỷ đô” được báo cáo là hàng loạt giấy phép đầu tư được cấp cho có, không loại trừ găm đất để chuyển nhượng, trục lợi.
Dự án Khu nghỉ dưỡng sân golf- Đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) của Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Lập An (liên doanh Việt Nam –Đan Mạch) có tổng vốn đầu tư 4.775 tỷ đồng trên diện tích 145ha, được cấp giấy phép năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa làm xong giải phóng mặt bằng và đang kêu gọi đối tác để liên doanh.
Ông Nguyễn Quê, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chậm triển khai hoặc thi công cầm chừng là do năng lực tài chính, vì thiếu vốn nên thường tìm cách trì hoãn, xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Mặt khác, do lãi suất ngân hàng cao nên các chủ đầu tư không dám vay tiền đổ vào”.
Ông La Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nguyên nhân chính là tại Khu kinh tế này vừa mới được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết. Kèm theo đó là hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây chưa đồng bộ nên nhà đầu tư còn lưỡng lự. Theo đó, năng lực tài chính một số chủ đầu tư cũng đang “có vấn đề”. Một nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư “e ngại” theo ông Khánh là thời tiết miền Trung thường xuyên xảy ra mưa bão, mỗi năm chỉ có làm du lịch “nửa mùa” nên khi đổ vốn vào chủ đầu tư cũng “tính cái thiệt hơn”.
Trong khi đó, theo ông Lâm Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, hàng loạt dự án khởi công nhưng chưa triển khai một phần là do hiện nay cung về khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng và các địa phương khác đang tăng, trong khi đó đầu ra về loại hàng hóa cao cấp này lại đang khá khó khăn nên các chủ đầu tư không dám đổ tiền vào đầu tư ồ ạt. Ông Minh cũng cho biết là các dự án chậm triển khai là do các nhà đầu tư thiếu vốn. “Tại Đà Nẵng các dự án “treo” chủ yếu là của các nhà đầu tư trong nước, còn các dự án FDI triển khai rất có hiệu quả” - ông Minh nói.
Thủ tục chưa thông?
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến tình hình tài chính của các nhà đầu tư. Nhưng đó cũng là cái cớ để một số nhà đầu tư “trùm mền” dự án, che dấu động cơ thực thụ là choán đất để … xí phần rồi tìm cơ hội san nhượng lại kiếm lời. Việc này khiến cho những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thật sự mất nhiều cơ hội, hàng vạn lao động những nơi bị thu hồi đất rơi vào cảnh không có việc làm.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, nguyên nhân của tình trạng dự án treo không chỉ xuất phát một chiều từ phía nhà đầu tư. Chủ tịch Hội đồng thành viên một công ty góp vốn vào một dự án du lịch tại Đà Nẵng cho biết: “Việc các dự án triển khai chậm chưa hẳn là do thiếu vốn mà do thủ tục hành chính một số địa phương quá nhiêu khê. Cán bộ hướng dẫn làm thủ tục không tận tình. Nhiều địa phương đã áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư vẫn phải đến từng cơ quan chuyên môn để giải quyết từng loại thủ tục đầu tư, mất rất nhiều thời gian”.
Ông này cũng cho rằng, bên cạnh đó một số dự án có vốn FDI thủ tục chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam rất phức tạp, làm cho chủ đầu tư chuyển tiền về rất khó khăn. Đồng thời, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các địa phương triển khai quá chậm, thiếu minh bạch dẫn đến người dân khiếu nại, cản trở thi công...
Cấp phép dễ dàng, quản lý lỏng lẻo
Theo ghi nhận của chúng tôi, vấn đề cấp giấy phép cho các nhà đầu tư tại các địa phương quá hiện nay quá dễ dãi. Hiếm có địa phương nào thẩm tra năng lực tài chính trước khi cấp giấy phép. Phần vì nể nang, phần vì muốn “kéo” dự án về mìn, cạnh tranh với tỉnh bạn, dẫn nên đến hậu quả là hàng loạt dự án “treo”.
Để một dự án đầu tư có hiệu quả, các địa phương phải nắm được các thông tin như: năng lực tài chính doanh nghiệp, nhân lực, thị trường, đối tượng tiêu thụ… mà nó phụ thuộc. Muốn làm được như vậy, cơ quan quản lý phải thông qua một quy trình thẩm định, kiểm tra rất công phu. Thế nhưng khâu quan trọng này lại được các địa phương bỏ qua một cách dễ dàng. Không những thế, sau khi cấp phép cho chủ đầu tư các địa phương lại thiếu kiểm tra đôn đốc, không có biện pháp mạnh để buộc các nhà đầu tư thực hiện.
Lợi dụng việc này, các chủ đầu tư tìm cách lách luật kéo dài thời gian để giữ đất chờ tăng giá là chuyển nhượng để kiếm lời.
Vì vậy, các địa phương cần thiết phải xây dựng các quy định cụ thể để kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất của các củ đầu tư. Đồng thời cũng cương quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê. Có như vậy mới mong phát hiện và xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch treo và dự án treo hiện nay.
Quang Tám