Mức cho vay đối với học sinh, sinh viên trong năm học này vẫn là 860.000 đồng/tháng, lãi suất 6%/năm. Đầu tháng 11 sẽ bắt đầu giải ngân Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, cho biết nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên (HS-SV) năm nay chậm hơn so với mọi năm nhưng Chính phủ đã duyệt nguồn vốn, chắc chắn đầu tháng 11 Ngân hàng Chính sách Xã hội các địa phương sẽ bắt đầu giải ngân tín dụng HS-SV.Mức vay có thể tăng Dự kiến từ nay đến hết tháng 10, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ hoàn thành huy động nguồn vốn phát hành trái phiếu là 13.800 tỉ đồng; trong đó có khoảng 5.500 tỉ đồng thực hiện giải ngân phục vụ chương trình tín dụng HS-SV. Mục tiêu của ngân hàng là tất cả HS-SV nghèo, khó khăn có xác nhận của địa phương đều được vay vốn.
Trong những năm qua, nhiều sinh viên đã được đi học nhờ vay tín dụng. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong một giờ thực hành. (Ảnh: Tấn Thạnh) |
Mức cho vay đối với HS-SV trong năm học này vẫn là 860.000 đồng/tháng/HS-SV, lãi suất 6%/năm. Để điều chỉnh mức cho vay phù hợp với tình hình thực tế, Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ phương án nâng mức cho vay lên 900.000 đồng/tháng/HS-SV, tuy nhiên mức này chưa được thông qua. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu có biến động giá cả, mức vốn vay sẽ được điều chỉnh nhưng việc điều chỉnh này còn phải dựa vào năng lực vốn.Hạn chế lợi dụng chính sách Trước những lo lắng của nhiều HS-SV và phụ huynh về việc chương trình tín dụng có thể phải dừng cho vay do thiếu vốn, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định không có chuyện dừng. Ngoài đối tượng HS-SV là con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi, năm nay HS-SV thuộc các hộ gia đình khó khăn đột xuất vẫn được vay vốn. Tuy nhiên, điểm mới là đối tượng HS-SV này chỉ được vay vốn trong vòng 12 tháng. Ông Nguyễn Văn Lý giải thích sở dĩ có sự sửa đổi này vì nhiều gia đình khó khăn đột xuất nhưng chỉ sau 3 - 4 tháng hoặc một năm là hết khó khăn. Điều này nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách, tiết kiệm vốn cho Chính phủ để cho vay đúng đối tượng. Thực tế cho thấy vừa qua đã có một số hộ không thật sự khó khăn vẫn được chính quyền, đoàn thể địa phương xác nhận “khó khăn” để vay vốn, gây khó khăn cho những hộ thực sự nghèo khác. Cũng theo ông Lý, không phải mọi trường hợp khó khăn đột xuất đều chỉ được vay một năm. Trường hợp HS-SV đã nhận tiền vay đủ 12 tháng nhưng gia đình vẫn còn khó khăn hoặc lại khó khăn tiếp vì các lý do đột xuất, được UBND cấp xã xác nhận và cán bộ ngân hàng đến kiểm tra thấy đúng, người vay tiếp tục được nhận tiền vay nhưng không quá 12 tháng tiếp theo. Cũng từ năm học này, các hộ gia đình thuộc diện khó khăn về tài chính nhưng nay thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo cũng phải được UBND cấp xã xác nhận.Chuẩn nghèo quá lạc hậu Ông Nguyễn Văn Lý cho biết một trong những điểm bất cập hiện nay là chuẩn nghèo của chúng ta đã quá lạc hậu. Quy định chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 thu nhập 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn thì thuộc hộ nghèo. Giả sử một hộ gia đình có 4 người, tổng thu nhập là 2 triệu đồng/tháng, bình quân 500.000 đồng/người/tháng là thuộc hộ khá. Nhưng khi hộ này có 1 con đi học thì 2 triệu đồng đó chỉ đủ cho con đi học, 3 người còn lại lấy tiền đâu ra để tiêu. Trong khi đó, tiêu chí hộ nghèo chỉ xác nhận thu nhập chứ không tính chi phí nên vẫn còn bất cập.
Theo NLĐ