Chi thấp hơn thu
Tại tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, thông tin “chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014” là hoàn toàn không chính xác. Theo đó, ông Sơn cho hay, theo Quyết định 153 ngày 28/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán thu, chi cho BHXH Việt Nam năm 2015 thì dự toán kinh phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chỉ được giao 6.560 tỉ, tăng khoảng 59% so với năm 2014, tăng số tuyệt đối chỉ khoảng 2.400 tỉ.
Việc tăng số tuyệt đối này là để phục vụ cho 3 nhiệm vụ cần thiết, cấp bách của hệ thống BHXH bao gồm: tuyên truyền; chi phục vụ trực tiếp cho các đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng và chi cho quản lý. Trong đó, tổng chi cho hoạt động bộ máy năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014. “Khoản tăng đó chủ yếu là do tăng lương cơ bản cho hệ thống gần 22.000 cán bộ, công chức của BHXH Việt Nam còn chi phí hành chính không tăng” – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Về thu – chi BHYT, BHXH, BHTN, theo ông Diệp, đến cuối năm 2015, tất cả các quỹ BHYT, BHXH, BHTN đều có kết dư, tức số chi thấp hơn thu, kể cả BHYT năm 2015 vẫn dư khoảng 5.000 tỉ. Riêng quỹ BHTN mới chỉ chi khoảng 50%.
Đề cập đến một số ý kiến cho rằng công tác quản lý quỹ BHXH thời gian qua chưa được chặt chẽ, cộng với việc chi cho quản lý bộ máy ngành BHXH quá lớn sẽ ảnh hưởng tới cân đối quỹ BHXH trong tương lai, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc người dân thấy chi cho hành chính tăng lên so với năm trước nên băn khoăn là đúng.
Song, ông Lợi cũng xác nhận chi phí quản lý BHXH tăng là do đối tượng mở rộng tăng lên. “Chi phí quản lý BHXH Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ra Nghị quyết và giao chi phí đó không quá 2,3% so với số thu. Số chi được lấy từ đầu tư tăng trưởng Quỹ chứ không phải từ Quỹ BHXH. UBTVQH và cơ quan giám sát của UBTVQH luôn giám sát chắc, kỹ và rất minh bạch vấn đề chi phí quản lý của BHXH Việt Nam. Đến giờ phút này hoàn toàn tin tưởng vào quỹ kết dư của quỹ BHXH, BHTN…” - ông Lợi khẳng định.
Nên khoanh nợ những doanh nghiệp phá sản, giải thể
Về tình trạng nợ đọng các quỹ bảo hiểm, ông Sơn thông tin, tính đến 31/12/2016, tổng số tiền nợ của các quỹ BHXH, BHYT và BHTN của BHXH Việt Nam là hơn 7.500 tỉ, tức chiếm khoảng 3,2% kế hoạch thu và là một trong những tỉ lệ nợ đọng thấp nhất trong những năm gần đây. Mặc dù vậy nhưng theo ông Sơn, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đọng của doanh nghiệp mà nguyên nhân là do tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ chưa tốt.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, người sử dụng lao động cố tình chây ì không đóng là một phần nguyên nhân khiến nợ đọng cao. Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khác như công tác quản lý lao động chưa chặt chẽ, việc khai báo tăng giảm người lao động chưa được thực hiện nghiêm nên không nắm được con số cụ thể; lực lượng thanh tra mỏng; chế tài xử phạt chưa đủ răn đe…
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Diệp, thời gian qua, chúng ta đã sửa lại các chế tài xử phạt đối với tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng BHXH, trong đó nếu nợ đóng, chậm đóng thì tăng mức xử phạt hành chính, còn trốn đóng thì Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ đưa vào chế tài để xử phạt, thậm chí có thể xử tù đến 7 năm. Cùng với đó là ứng dụng CNTT, sử dụng sổ BHXH điện tử để người lao động có thể cập nhật bất kỳ lúc nào tình hình đóng BHXH của mình, đối thoại yêu cầu chủ sử dụng phải đóng nếu chưa được đóng bảo hiểm. “Với những giải pháp này, hy vọng tới đây tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp sẽ giảm xuống” – ông Diệp bày tỏ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Sơn cho hay, BHXH thời gian qua đã có thông tin về các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng hay chậm đóng BHXH nhưng việc thông tin các doanh nghiệp này còn hạn chế do còn vị nể, ngại làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. “Nhưng từ năm 2017, BHXH sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng, đặc biệt nợ đọng kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng” – ông Sơn thông báo.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ băn khoăn về số nợ đọng của những doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, bỏ trốn không tìm được tên doanh nghiệp. Ông đề nghị khoanh nợ này lại để giảm tỉ lệ nợ không bao giờ đòi được và quan trọng là để giải quyết chế độ cho người lao động. Ông Lợi cũng cho rằng, tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động và người lao động đang rất có vấn đề. “Chính sách thì muốn hưởng nhưng lại không muốn tham gia rồi khiếu nại, kiến nghị. Người lao động vào làm mà không được đóng bảo hiểm thì công đoàn phải kiến nghị, người lao động có kiến nghị không? Cần phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về vấn đề này” – ông Lợi đề nghị.
Tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình
Thời gian qua, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước thông tin được nêu trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là đến 2031 quỹ BHXH vẫn còn kết dư nhưng đến 2047 sẽ kết âm. Về vấn đề này, ông Diệp thừa nhận các dự báo của không chỉ Việt Nam mà các tổ chức quốc tế cũng dự báo quỹ hưu trí của chúng ta đến lúc nào đó sẽ mất cân đối. “Nguyên nhân là do mất cân đối quan hệ đóng - hưởng của chúng ta. Tỉ lệ hưởng của chúng ta là 75% - cao nhất thế giới, mức đóng cũng cao là 22%.
Cả doanh nghiệp và người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí 22% tiền lương, một người lao động tham gia BHXH 30 năm, tức đóng trong 66 tháng lương khi về hưu hưởng 75% thì chỉ có thể trả được tối đa 120 tháng, tức chỉ đủ trả 10 năm sau khi về hưu. Tính tuổi thọ trung bình của một người là 73 tuổi thì quỹ BHXH chỉ đủ trả 10 năm, còn lại Nhà nước phải bù vào. Do vậy, một trong những giải pháp là nâng tuổi về hưu” – ông Diệp lý giải.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề cập đến 2 chính sách mà BHXH Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện để thực hiện. Đó là, từ 1/1/2018, chúng ta có 2 nhóm đối tượng rất quan trọng được bổ sung mở rộng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là đối tượng hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Ngoài ra, từ 1/1/2018, chúng ta sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% trong tổng số đóng 22% cho những hộ lao động là hộ nghèo, 20% cho cận nghèo và 10% cho nhóm đối tượng khác. “Đây chính là một cơ hội để chúng ta thực hiện Nghị quyết 15 và mở rộng đối tượng, góp phần bảo đảm bền vững của chính sách BHXH” – ông Lợi nhấn mạnh.