Ngành Ngân hàng Hải Phòng vừa tổng kết thực hiện quyết định số 67/1999 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị định số 41/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát biểu tại hội nghị này, Phó chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp nhấn mạnh. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống của người nông dân, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại đất nước…
Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gia đình anh Vũ Văn Hóa, khu dân cư số 1, phường Hải Thành xây dựng trang trại nuôi gà, cải tạo đầm nuôi thả cá phát triển kinh tế gia đình Ảnh: Duy Thính |
Tạo bước phát triển mới
Những năm qua, thực hiện quyết định 67, các tổ chức tín dụng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể…tạo điều kiện cho hộ nông dân dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay. Các chi nhánh Agribank Hải Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Phòng, các quỹ tín dụng nhân dân là chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng hướng về nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai vay vốn khá hiệu quả, thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên với hàng nghìn tổ, nhóm vay vốn… Bên cạnh đó, thực hiện chính sách ưu đãi của thành phố, hỗ trợ 100% lãi suất cho người vay mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng trang trại sản xuất, Agribank Hải Phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho bà con vay gần 22 tỷ đồng mua 80 máy nông cụ, 241 máy cơ giới nông nghiệp, xây dựng 63 trại nuôi gà công nghiệp; 31 trại nuôi lợn…góp phần hình thành các vùng chăn nuôi tập trung lớn tại 10 xã ở các huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão.
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều trang trại, khôi phục làng nghề, khai thác được các tiềm năng địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống bà con…
Cơ hội cao hơn
Phát huy những kết quả thực hiện quyết định 67, Chính phủ ban hành Nghị định 41 với nhiều điểm mới, tạo cơ hội to lớn cho việc phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn. Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng Nguyễn Đạt Đợi, Nghị định 41 mở rộng hơn về đối tượng cho vay và được vay vốn, phạm vi, lĩnh vực, mức vốn vay… Cụ thể, trong quyết định 67, vai trò chủ yếu là các ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân nhưng tại Nghị định 41, mở rộng đến tất cả tổ chức tín dụng và các ngân hàng thực hiện chính sách. Khách hàng vay vốn theo quyết định 67 chủ yếu là các hộ gia đình nông dân nhưng tại Nghị định 41 bao gồm nhiều đối tượng: hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, HTX… Lĩnh vực cho vay cũng mở rộng hơn, bao gồm 8 lĩnh vực: nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn; phát triển ngành nghề; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp; tiêu dùng nâng cao đời sống nhân dân, các chương trình khác của Chính phủ… Nguồn vốn vay cũng có điểm mới, ngoài nguồn vốn tín dụng, vốn ủy thác của các ngân hàng trong và ngoài nước, vốn ủy thác của Chính phủ còn có nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Mức vay vốn trước đây chỉ tối đa 20 triệu đồng, sau tăng lên 50 triệu đồng, nay có thể được vay tới 500 triệu đồng đối với các HTX, chủ trang trại… Lãi suất vay vốn thực hiện theo các quy định về lãi suất thỏa thuận hoặc theo chính sách tùy theo đối tượng, mục đích vay… Đặc biệt, tổ chức tín dụng được xem xét, cơ cấu lại nợ trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro khách quan, được khoanh nợ trong vòng 2 năm không tính lãi…Nghị định cũng chỉ ra một số giải pháp trong việc đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Nguồn vốn cấp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng rất nhanh, bình quân hơn 30%/năm. Năm 1999 là năm đầu thực hiện quyết định 67, doanh số cho vay của các ngân hàng mới đạt 191 tỷ đồng, đến năm 2009 lên đến 3.623 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần với 164.239 hộ nông dân và 2.084 hộ sản xuất được vay (còn dư nợ 3.556 tỷ đồng, chiếm 8,5% so với tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh kế). Trong cơ cấu vốn vay, cho vay thông thường chiếm 63% tổng dư nợ, cho vay theo chính sách chiếm 27%. Các hộ dân vay vốn trồng trọt, chăn nuôi chiếm 45% tổng vốn vay, phát triển ngành nghề nông thôn 15%, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản 29%.
|
Đây là cơ hội lớn không chỉ đối với bà con khu vực nông nghiệp, nông thôn mà cả các tổ chức tín dụng. Để nắm bắt cơ hội cần sự nỗ lực lớn của các bên liên quan. Phó Chủ tịch Đan Đức Hiệp chỉ đạo ngành ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền đến các cán bộ, nhân viên với tinh thần tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm giúp đỡ bà con khu vực nông thôn vay vốn; chủ động phối hợp với các ban, ngành, chính quyền, đoàn thể liên quan giúp người nông dân vay vốn thuận tiện hơn. Các ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tài nguyên- Môi trường, chính quyền… hỗ trợ, hướng dẫn bà con về thủ tục; đầu tư hiệu quả; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xác nhận của chính quyền địa phương… Các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tích cực phối hợp để nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng cần phục vụ.
Mai Hương