Văn hóa & Pháp luật

'Mở khóa' cho du lịch điện ảnh phát triển

Phim trường “Đông Dương” (1992) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier tại Vịnh Hạ Long.
Phim trường “Đông Dương” (1992) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier tại Vịnh Hạ Long.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên, văn hoá lịch sử đa dạng, phong phú, là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất phim quốc tế, góp phần quảng bá du lịch. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn đang được cho là thiếu chính sách, cơ chế ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội

Những cảnh đẹp của Việt Nam như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình) và động Phong Nha (Quảng Bình) từng xuất hiện trong bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” (2017) đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ngay sau khi bộ phim được công chiếu, tạo được “sức nóng” nhất định. Nhiều hãng lữ hành Việt Nam và quốc tế cũng đã nhanh chóng nắm bắt thị hiếu của du khách và công bố những tour du lịch “ăn theo” bộ phim. Các chiến dịch quảng bá hiệu quả đã góp phần thu hút du khách đến Việt Nam, là cơ hội tốt để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Trước đây, điểm đến Vịnh Hạ Long cũng đã được biết đến nhờ bộ phim “Đông Dương” (1992) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier, đáng nói bộ phim cũng đã đem về cho đoàn phim tượng vàng Oscar. Sau đó, khách du lịch châu Âu, đặc biệt là du khách Pháp, đến Quảng Ninh đều không bỏ lỡ cơ hội tham quan vịnh Hạ Long, trong đó có địa điểm diễn ra cảnh quay bộ phim “Đông Dương”.

Có thể thấy, điện ảnh không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà còn trở thành một loại hình du lịch có sức hút to lớn đối với du khách, đặc biệt là những khán giả, người hâm mộ của những bộ phim nổi tiếng. Thực tế đã chứng minh ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật…, nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến đã trở nên nổi tiếng hơn, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan hơn.

Tương ứng cũng là những sản phẩm tour đa dạng có nhiều giá trị khác nhau như: tham quan phim trường Hollywood (Mỹ), Hoàng Điếm (Trung Quốc); tham quan các công viên chủ đề phim điện ảnh như công viên Disneyland; tham quan theo chủ đề phim như tour “Phép thuật của Harry Potter” (2010) tại Orlando (Mỹ); tham quan đến các điểm quay phim như tour Lord of the rings (New Zealand); hay tour đến nhà của những người nổi tiếng trong khu vực Beverly Hills, Hollywood (Mỹ)…

Đáng nói, những sự kiện lớn như Liên hoan phim Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Toronto (Canada), Busan (Hàn Quốc), giải thưởng hàn lâm điện ảnh Oscar (Mỹ)… đã thu hút một lượng lớn các du khách đến để dự các buổi chiếu phim, gặp gỡ giao lưu với cộng đồng làm phim, diễn viên, nghệ sĩ và những người nổi tiếng khác trong lĩnh vực điện ảnh. Hiệu ứng truyền thông từ những sự kiện này cũng có sức lan toả toàn cầu.

Du lịch điện ảnh tại Việt Nam có thể được xem là bắt đầu xuất hiện từ bộ phim “Đông Dương”, thu hút lượng lớn du khách châu Âu đến vịnh Hạ Long. Tiếp theo đó, trong bộ phim “Người tình” của đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annauth lấy bối cảnh là ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê. Hiện, ngôi nhà đã trở thành một điểm du lịch văn hoá của Đồng Tháp. Cuối năm 2014, đoàn làm phim “Pan và vùng đất Neverland” của Hollywood, đã đến Việt Nam thực hiện một số cảnh quay tại các địa danh nổi tiếng như hang Én (Quảng Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Tràng An (Ninh Bình), nhưng đáng tiếc phim đã không thành công như mong đợi.

Cùng với những bộ phim điện ảnh nước ngoài được quay tại Việt Nam, nhiều bộ phim truyện của các tác giả Việt Nam cũng đã rất chú trọng khai thác những cảnh đẹp thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc độc đáo. Đơn cử, phim “Chuyện của Pao” (2006) của đạo diễn Ngô Quang Hải đã góp phần quảng bá những hình ảnh đẹp đẽ của cao nguyên đá Hà Giang. Bên cạnh đó, di sản văn hoá thế giới – phố cổ Hội An là điểm đến thu hút rất nhiều dự án phim trong nước, có thể kể đến “Dòng máu anh hùng” (Charlie Nguyễn), “Hoài Phố” (Ngô Thanh Vân - Cường Ngô), “Scandal: Hào quang trở lại” (Victor Vũ), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Victor Vũ)…

Tuy nhiên, nhìn chung du lịch điện ảnh tại Việt Nam dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có. Việt Nam chưa có nhiều bộ phim khai thác vẻ đẹp của những địa danh nổi tiếng của đất nước, chất lượng và nội dung phim chưa thực sự gây được ấn tượng đối với khán giả. Nhiều phim đã khai thác những cảnh đẹp của đất nước nhưng nội dung phim thiếu cuốn hút, không đủ tầm để xuất khẩu ra nước ngoài. Việt Nam cũng chưa xây dựng được một phim trường chuyên nghiệp mang tầm quốc gia,… Thế nên, kể từ khi “Kong: Đảo đầu lâu” công chiếu năm 2017, vẫn chưa thấy bộ phim “bom tấn” nào được quay tại Việt Nam.

Phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” (2017) từng là yếu tố hút khách đến Tràng An - Ninh Bình.

Phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” (2017) từng là yếu tố hút khách đến Tràng An - Ninh Bình.

Thiếu chính sách ưu đãi cụ thể

Các quốc gia muốn tận dụng được lợi thế phim ảnh để phát triển du lịch đều có những chiến lược quảng bá điểm đến và những chính sách ưu đãi để thu hút nhà làm phim, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đơn cử, tại “xứ sở chùa vàng”, ngày 21/6/2022, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các diễn viên nước ngoài trong 5 năm, với mức tối đa là 75 triệu Baht, nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến nước này. Mặc dù việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với diễn viên nước ngoài có thể sẽ khiến ngân sách Thái Lan thất thu thuế nhưng bù lại, thu nhập từ các đoàn làm phim nước ngoài trong khoảng thời gian này dự kiến lên tới 17,5 tỷ Baht.

Đáng nói, trong thời gian dài, Chính phủ nước này luôn quan tâm, chú trọng đến việc hoàn thiện các cơ chế tăng cường thu hút các đoàn làm phim nước ngoài như: xây dựng bộ phận một cửa về thủ tục để phục vụ các đoàn làm phim nước ngoài, đào tạo cho các nhà làm phim trong nước về cách thức làm việc với các đoàn phim nước ngoài, hỗ trợ tài chính… Ví dụ điển hình là sau thành công của bộ phim Trung Quốc “Lost in Thailand” được quay tại Chiang Mai (Thái Lan), khiến lượng du khách Trung Quốc đến nước này tăng mạnh vào năm 2013; Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hỗ trợ tài chính 2 triệu Baht cho bộ phim này để giữ vị thế cạnh tranh.

Việc quảng bá du lịch cũng cần được thực hiện có chiến lược từ khi phim được công bố trên truyền thông và được thực hiện xuyên suốt từ khi bấm máy đến khi khởi chiếu và kéo dài trong thời gian dài sau đó. Điều này, du lịch điện ảnh tại Việt Nam còn hạn chế. Ví dụ, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu năm 2015 nhưng đến tận giữa năm 2016, các công ty du lịch mới bắt đầu chào bán các tour tham quan đến Phú Yên – nơi quay phim. Điều đó cho thấy sự gắn kết giữa địa phương, doanh nghiệp và nhà sản xuất phim vẫn còn bỏ ngỏ trong việc mang lại hiệu quả cho du lịch điện ảnh.

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phụ trợ, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch điện ảnh cũng rất cần những định hướng, chính sách để đón đầu xu hướng du lịch; đồng thời đón tiếp và phục vụ khách chu đáo, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến du lịch.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2020), đã đề cập đến giải pháp “ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch”.

Trong Luật Điện ảnh 2022 cũng quy định rõ về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam: tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tuy pháp luật hiện hành đã có những quy định đặt nền tảng “kích hoạt” loại hình du lịch điện ảnh tại Việt Nam nhưng vẫn còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về việc triển khai những chính sách này trên thực tế.

Để tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đoàn phim nước ngoài, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam đề xuất, ngành Du lịch và điện ảnh cần chủ động liên kết, học tập kinh nghiệm các nước đi trước để có các giải pháp hữu hiệu trong điều kiện cho phép. Việt Nam cần đầu tư ngân sách và quan tâm xứng đáng hơn cho vấn đề này, mà xuất phát không chỉ bởi ngành du lịch hay ngành điện ảnh mà cần cả sự ủng hộ của những ngành, lĩnh vực khác và các địa phương vì mục tiêu chung. Về lâu dài, hợp tác sản xuất, thu hút các đoàn làm phim nước ngoài là con đường giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, quảng bá du lịch, đất nước, con người và thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh phát triển.

Đọc thêm

Hội nghị liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng mở rộng tại Bắc Giang

Ban tổ chức tặng quà đại diện đại biểu các tỉnh, thành phố về tham dự hội nghị
(PLVN) -  Chiều 17/04, tại khách sạn Mường Thanh, thành phố Bắc Giang, đã diễn ra hội nghị liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Hồng mở rộng gồm: (Bắc Giang, Hà Nội , Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vīnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình). Đây là thị trường du lịch truyền thống và trọng điểm của tỉnh Thanh Hoá.

Bảo đảm an toàn du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Người dân nô nức đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. (Nguồn: BN)
(PLVN) - Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, du khách đổ về các điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội tăng mạnh. Ngoài sự tăng cường giữ gìn an ninh trật tự của các lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo đảm an toàn cho chính mình.

Diện mạo thành phố Điện Biên Phủ sau 70 năm giải phóng

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.
(PLVN) - Mảnh đất Điện Biên Phủ từng bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, đổ nát, chằng chịt những những hố bom, giao thông hào ngày nào nay đã khoác lên mình diện mạo mới đầy sức sống, thành một thành phố trẻ, năng động, hiện đại nơi cực Tây Tổ quốc.

Sơn nữ Lai Châu khoe tài trong Lễ Hội Trà

Sơn nữ Lai Châu khoe tài trong Lễ Hội Trà
(PLVN) -  Một trong những hoạt động sôi nổi, hấp dẫn tại khuôn khổ Lễ hội Trà và Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Tân Uyên (Lai Châu) lần thứ nhất diễn ra từ 12 – 14/4 là thi hái, sao chè.

Hơn 300 vận động viên tham dự giải đua ghe Ngo mini

Rất đông khán giả có mặt ở 2 bên bờ hồ để cổ vũ cho các đội thi đấu.
(PLVN) - Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi của đồng bào Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, ngày 13 - 14/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức giải đua ghe Ngo mini tại Chùa Soryaram (Chùa Giữa, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Kỳ vọng chuyến tàu đêm Đà Lạt tạo đột phá du lịch đêm phố núi

Kỳ vọng chuyến tàu đêm Đà Lạt tạo đột phá du lịch đêm phố núi
(PLVN) - Tối 14/4, tại lễ khai trương chạy tàu đêm tuyến Đà Lạt – Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cũng như lãnh đạo TP Đà Lạt (Lâm Đồng) kỳ vọng sản phẩm du lịch mới này sẽ góp phần tạo đột phá cho du lịch đêm “Thành phố ngàn hoa”.

Phát hiện 22 hang động mới tại Quảng Bình

Một không gian hang động vừa được phát hiện. Ảnh: B.H.
(PLVN) - Ngày 14/4, thông tin từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đơn vị vừa phối hợp với đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt, tiến hành khảo sát và phát hiện 22 hang động mới tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình).

TP Hồ Chí Minh thí điểm 70 ô tô điện chở khách tham quan nội đô

Dịch vụ xe điện chở khách tham quan, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai từ ngày 12/4/2024. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
(PLVN) - Xe chạy bằng điện, mỗi ô tô 8 chỗ chở khách tham quan, du lịch ở quận 1, 4, 5, 6, bắt đầu khai thác từ ngày 12/4, giá vé mỗi chuyến 120.000 - 250.000 trong 30 phút. Hệ thống xe điện này do một DN vận hành, mỗi ngày hoạt động từ 6h - 24h, thí điểm đến hết 2025.

“Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”

Quang cảnh diễn đàn (Ảnh: Báo Tin tức)
(PLVN) - Đây là Chủ đề của Diễn đàn Du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức và nằm trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024.

Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai

Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai
(PLVN) - Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2024) với chủ đề “Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai dự kiến sẽ thu hút 220 người mua quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra hơn 10.000 cuộc hẹn thương mại nhằm mang tới cơ hội trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp du lịch quốc tế và Việt Nam.