Mặt khác, cần có các tiêu chí rõ ràng, ví như tiêu chí “địa phương có vị trí địa lý đặc biệt” thì cần cụ thể hóa như thế nào là đặc biệt... “ - ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã bày tỏ băn khoăn trong hội thảo về Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa diễn ra tại Hà Nội.
Chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Hùng Vương
Ông Nguyễn Đắc Thủy lo ngại, nếu không rõ ràng tiêu chí “có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia” thì cũng dễ dẫn đến tình trạng nhiều địa phương đều có thể xây dựng tượng Vua Hùng nếu có nhu cầu”. Xây dựng hình mẫu Vua Hùng là điều mà nhiều đại biểu quan tâm nhất là khi có một số tỉnh, thành có tượng thờ Vua Hùng.
Tượng Hùng Vương ở Công viên văn hóa Đồng Xanh nằm trong đền thờ Vua Hùng có diện tích 9.000m2, làm bằng gỗ mít nguyên khối nặng 6,5 tấn sơn thếp vàng bên ngoài. Phía trước sân thờ là 18 vị Vua Hùng mỗi tượng cao hơn 3m chưa kể bệ. Tượng Vua Hùng ở Suối Tiên hoàn thành năm 2002, được đặt trong không gian mở (nửa ngoài trời, nửa trong nhà), sơn son thiếp vàng, đội mũ lông chim... nhưng diễn tả theo lối phạt mảng, tạo khối cách điệu. Tất cả những tượng thờ ấy đều quy mô nhỏ. Hiện, chưa có công trình tượng Hùng Vương nào tương xứng tầm tượng đài ở Việt Nam.
Mẫu tượng đài Hùng Vương |
GS Phạm Mai Hùng - Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam cho biết, cho đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Hùng Vương như thế nào. Các đại biểu cũng chỉ ra Vua Hùng là một nhân vật huyền sử, cách đây hàng nghìn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, ngay cả việc tìm hiểu để đưa ra một chứng cứ nhằm khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng đã vô cùng khó khăn đối với các nhà khảo cổ, nhà sử học Viêt Nam. Hầu hết các tượng đã xây dựng về Vua Hùng hiện nay đều được làm theo lối mô phỏng bằng trí tưởng tượng.
Đây cũng là điểm hạn chế, không đồng nhất các mẫu tượng cũng như không gian trong đền thờ. “Vì nằm trong các khu vui chơi, thắng cảnh, du lịch nhằm mục đích trang trí cảnh quan nên công trình không mang tính biểu tượng, thiếu sáng tạo về nghệ thuật. Mặt khác, chưa có quy hoạch tổng thể không gian, kiến trúc để tạo thành điểm nhấn văn hóa; chưa có sự phối hợp, quy hoạch đồng bộ về cảnh quan, không gian, bài trí, ánh sáng, màu sắc...”- họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận xét.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không thể để “mở” quá, mỗi nơi một kiểu sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Đã là những công trình tượng đài được dựng lên rồi thì khó mà bỏ xuống... Vì vậy, việc làm tượng Vua Hùng cần được quản lý. Nếu không quản lý được thì sẽ có rất nhiều ông Vua Hùng mà không biết ông nào là chính, ông nào là Quốc tổ, ông nào đời thứ bao nhiêu…
Ông Vi Kiến Thành cũng nêu ra các tiêu chí xây dựng tượng đài theo Dự án quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 bao gồm: Tiêu chí nội dung phải thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức của vua Hùng, tôn vinh giá trị văn hóa, cội nguồn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; Tiêu chí địa phương, địa điểm xây dựng phải có tiêu chí là đất Tổ Hùng Vương, địa phương có vị trí địa lý đặc biệt, tiêu biểu,thể hiện ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc, địa phương phải có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền Quốc gia.; Tiêu chí nghệ thuật: phải là tượng đài có chất lượng nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ cao, đẹp về ngôn ngữ tạo hình, điêu khắc, kiến trúc cảnh quan đẹp, phù hợp với tượng đài; Tiêu chí kỹ thuật thể hiện ở kết cấu, chất liệu tượng đài bền vững, công nghệ xây dựng lắp đặt tượng đài hiện đại.
Mẫu tượng đài Hùng Vương |
Sẽ không xây tràn lan tượng đài!
Để tránh tình trạng, mạnh tỉnh nào tỉnh đó xây tượng Vua Hùng, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Tôi được chỉ đạo làm thế nào để số tượng Hùng Vương xây dựng trênh lãnh thổ Việt Nam tối đa chỉ là 6, thấp hơn là 3 và thậm chí chỉ là 1”. Hơn 1 nghìn di tích gắn với tục thờ cúng Hùng Vương nhưng số lượng tượng đài không thể tràn lan. Nhà sử học Dương Trung Quốc lưu ý, giá trị lớn nhất chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ông cho rằng tượng đài là ngôn ngữ phương Tây, vậy hãy phát huy truyền thống Việt Nam là thờ cúng, chọn nơi kín đáo trong nhà, trang trọng và nhất là cấm kị làm tượng bán thân như thủ cấp.
Cách đây hơn 1 năm, UBND tỉnh Phú Thọ đã thông báo kết quả chung kết của cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương” tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được tổ chức trên quy mô toàn quốc, từ tháng 12/2015. Theo đó, 2 phương án (HV-01 và HV-03) được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn từ 21 tác phẩm tham dự. Ông Hà Kế San - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi cho biết, tỉnh đã trình 2 mẫu phác thảo này lên Ban bí thư Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo, quyết định việc lựa chọn mẫu tượng đài Hùng Vương xây dựng tại khu di tích lịch sử đền Hùng.
Đánh giá về 2 mẫu tượng Vua Hùng được chọn, Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, các mẫu phác thảo đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng, đôi tay. Trong đó, mẫu HV-01 có ưu điểm nổi trội hơn hẳn nên nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ hội đồng nghệ thuật. Mẫu tượng này cũng được 8.213 phiếu (trong tổng số 9.991 phiếu) bình chọn của người dân, nhiều gấp 8 lần số phiếu mẫu tượng đài còn lại nhận được. Ngoài Hà Nội, Bộ VHTTDL cũng tổ chức trưng cầu ý kiến tại TPHCM để tiến tới quý IV năm 2018 sẽ chính thức trình Chính phủ đề án “Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035”.