Mô hình nuôi gà gia công ở Vụ Bản

Mỗi dãy chuồng gà diện tích 850m2, không phải lo giống, lo thức ăn… và đầu ra, cứ sau 45-50 ngày, người chăn nuôi có nguồn thu 50-60 triệu đồng. Nghề nuôi gà gia công ở Vụ Bản đang có xu hướng mở rộng. Tổ chức chăn nuôi theo phương pháp gia công cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có đầu ra đang tạo cơ hội cho các trang trại tiếp cận với nền chăn nuôi hiện đại và có điều kiện để làm giàu ở Vụ Bản.

Mỗi dãy chuồng gà diện tích 850m2, không phải lo giống, lo thức ăn… và đầu ra, cứ sau 45-50 ngày, người chăn nuôi có nguồn thu 50-60 triệu đồng. Nghề nuôi gà gia công ở Vụ Bản đang có xu hướng mở rộng.

Trong ảnh: Trại nuôi gà gia công của ông Phạm Văn Lương, thôn Phú Thái, xã Tam Thanh (Vụ Bản).  Ảnh: Dương Đức
Trong ảnh: Trại nuôi gà gia công của ông Phạm Văn Lương, thôn Phú Thái, xã Tam Thanh (Vụ Bản).                                             Ảnh: Dương Đức

I - Từ ba ông “lò gạch”

Khu lò gạch chân núi Lê Xá, xã Tam Thanh hết đất nguyên liệu, người làm gạch không có việc làm. Ba người bạn thân: Lê Hồng Quang, Phạm Văn Lương và Dương Mạnh Hà bàn nhau chuyển nghề. Năm 2007, ông Phạm Văn Lương thuê 17500m2 đất công của xã Kim Thái, xây chuồng nuôi 100 con lợn, "dính" đúng năm dịch tai xanh ở lợn xảy ra tại địa phương, tuy không có lợn mắc bệnh nhưng hạch toán bị lỗ nặng. Sau đó, được tin người bạn của ông Lê Hồng Quang nuôi gà gia công đạt hiệu quả kinh tế cao, ba ông Quang, Lương, Hà khăn gói lên đường ra Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Ba ông "mê" ngay phương pháp nuôi mới này và quyết chí làm theo. Đúng dịp này, Cty cổ phần Giáp Pha (Vĩnh Phúc) cũng về đặt vấn đề với Sở NN-PTNT giúp đỡ để các hộ có điều kiện tổ chức chăn nuôi gà gia công cho Cty. Được ngành NN-PTNT ủng hộ, chính quyền đồng ý, cuối năm 2009, 3 ông được Cty tham vấn mua, dựng nhà để nuôi gà gia công. Ông Lương có trang trại riêng, dành một phần diện tích nuôi lợn nái, còn lại dựng khung nuôi gà. Ông Quang và ông Hà thì thuê luôn đất khu lò gạch cũ san lấp lại để dựng trang trại. Vốn "mỏng", mỗi ông dựng một dãy chuồng đúng quy chuẩn với diện tích 840m2, tổ chức chăn nuôi ngay sau khi đủ điều kiện. Lứa đầu tiên, mỗi trang trại của 3 ông nuôi 8500 con, sau 45-47 ngày, Cty cổ phần Giáp Pha "đánh" ô tô về tận trang trại mua gà. "Vạn sự khởi đầu nan" tuy còn bỡ ngỡ nhưng lứa gà nuôi đầu tiên của 3 trang trại đều đạt nguồn thu trên dưới 50 triệu đồng/một trang trại. Đến nay, cả 3 trang trại đều đã nuôi được 4 lứa gà gia công cho Cty, riêng ông Hà đã nuôi tiếp lứa thứ 5. Các lứa sau do có kinh nghiệm, các ông có nguồn thu trên 60 triệu mỗi dãy chuồng nuôi. Riêng ông Lương, đầu năm 2010 đã đầu tư xây dựng dãy chuồng nuôi thứ 2 trong trang trại.

II - Đến nhân rộng mô hình

Dãy chuồng nuôi gà gia công của gia đình chị Trần Thị Loan, thôn Triệu, xã Hiển Khánh dài trên 70m rộng trên 13m nổi lên trên cánh đồng Rộc. Tuy nằm biệt lập ngoài đồng song thuận tiện giao thông, ô tô có thể đi thẳng vào khu trang trại chở hàng, nhận hàng. Giữa trưa hè nắng nóng nhưng trong nhà nuôi vẫn mát và gần như không có mùi xú uế. Chị Loan cho biết, gia đình chị vừa đổi đất ruộng và thuê thêm đất của xã 2ha liền với trang trại, thuận tiện cho chăn nuôi, sản xuất. Anh Tuấn (chồng chị Loan) vốn có nghề buôn bán luồng, nứa ở thị trấn Gôi quen với ông Quang, ông Hà và đã xem mô hình nuôi gà của 2 ông nên quyết chí đổi nghề. Năm 2009, anh tổ chức san nền xây dựng trang trại, xây dựng chuồng nuôi. Đến nay, trang trại của anh đang tổ chức nuôi gà lứa thứ 3, chỉ còn 15 ngày nữa là xuất cho Cty. Lứa thứ nhất, trang trại của gia đình anh chị có nguồn thu 63 triệu đồng. Lứa thứ 2 do nhu cầu của Cty nên nhập gà trước 5 ngày.

Được biết, gia đình anh Khôi ở xã Minh Thuận và một số hộ của các xã lân cận có khu chăn nuôi tách biệt khỏi khu vực dân cư của huyện Vụ Bản đang chuẩn bị xây dựng chuồng trại, tổ chức nuôi gà gia công theo các mô hình đã thành hiện thực ở địa phương.

III - Mấy vấn đề cần quan tâm

Không phải mua con giống, thức ăn, thuốc, vắc xin đều do Cty đảm nhận; định kỳ cán bộ của Cty đi kiểm tra, chỉ đạo những việc phải làm để bảo đảm gà phát triển tốt có lãi cao trong thời gian tới phù hợp với thời tiết, khí hậu từng mùa… Với dãy chuồng trên dưới 850m2 sau 45-47 ngày có nguồn thu 50-60 triệu đồng. Với giá cả luôn biến động, đầu ra chưa phải thuận lợi, tình hình dịch bệnh luôn rình rập và bùng phát thì nuôi gà gia công có hiệu quả rõ ràng. Sau mỗi lứa, chuồng được vệ sinh, khử trùng tiêu độc… Khoảng 15 ngày lại nhập gà nuôi lứa tiếp. Nếu tuân thủ đúng quy trình 1 năm người nuôi gà có thể nuôi được 6 lứa. Một hiệu quả nữa mà ít người nhận ra đó là phương pháp chăn nuôi có đầu tư, có hạch toán, đặc biệt người chăn nuôi được trang bị kiến thức chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học và hiệu quả bền vững cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rất phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới đang được Đảng và Nhà nước phát động, xây dựng.

Với thu nhập người nông dân hiện tại đang trồng cấy, chăn nuôi nhỏ lẻ thực chất không cao thì việc đầu tư cho một trang trại chăn nuôi, chỉ cần 1 dãy chuồng nuôi gà công nghiệp 840-850 m2 và các công trình phụ trợ... cũng phải đầu tư tiền tỷ. Sau 2-3 năm liệu đã lấy lại được vốn?. Nếu chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng thì chuồng trại và sự đầu tư sẽ như thế nào vì hầu hết tiền đầu tư đều phải vay, mượn? Anh Phạm Duy Đương (con của ông Lương) hiện đang phụ trách 2 khu nuôi gà cho biết: "Thực tế hợp tác của 2 bên rất thuận lợi...". Ông Quang thì khẳng định: "Không nuôi gia công cho Cty Giáp Pha thì gia đình tôi tổ chức nuôi theo cơ chế thị trường. Thực tế thị trường tiêu thụ cũng khá rộng mở, các thương lái vẫn về xin được tiêu thụ sản phẩm. Vừa rồi tôi đã làm việc với lò giết mổ tập trung ở Hà Nội, họ cũng sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm cho chúng tôi..."(!). Người nông dân vào cơ chế thị trường còn bỡ ngỡ, sẽ không tránh khỏi va vấp vì thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thảo, ký hợp đồng. Chính quyền và ngành NN-PTNT nên có những tư vấn để các hộ mua bảo hiểm chăn nuôi ?

Tổ chức chăn nuôi theo phương pháp gia công cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có đầu ra đang tạo cơ hội cho các trang trại tiếp cận với nền chăn nuôi hiện đại và có điều kiện để làm giàu ở Vụ Bản. Song thực tế cũng chưa phải đã "xuôi chèo mát mái". Ngoài vấn đề đang vướng mắc trên, cũng còn nhiều "tiểu tiết" khác, nếu không có cách giải quyết thì thua thiệt đối với người chăn nuôi là "nhỡn tiền" và phong trào chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng trong khi tỉnh ta đang đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính trong phát triển nông nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng cao./.

Tất Thắc

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.