Một số hộ dân ở xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Dương Đức
|
Cá lóc bông (còn gọi cá quả hoặc cá chuối hoa) là loài có tập tính ưa nước sâu, thích yên tĩnh, chịu được bất lợi của thời tiết, môi trường. Từ môi trường sống ở các tỉnh phía Nam, năm 2005, cá lóc bông bắt đầu du nhập về tỉnh ta. Do thời tiết miền Bắc phân biệt 4 mùa rõ rệt nên các hộ nuôi cá lóc bông ở tỉnh ta vẫn chỉ nuôi được 1 vụ hè thu. Ban đầu, loài cá này được nông dân ở 2 xã Nghĩa Bình, Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) chọn nuôi, diện tích nuôi chỉ từ 4-5 sào mặt nước với 3-4 hộ nuôi. Đến nay, diện tích nuôi đã mở rộng lên gần 100ha với trên 100 hộ tham gia. Sản lượng nuôi cá lóc bông luôn đạt trên 400 tấn mỗi năm, với mức thu lãi bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Năm 2009, 2 hộ đầu tiên ở xã Nghĩa Bình là anh Trần Văn Phúc, xóm 14 và anh Trần Mạnh Thiêm, xóm 16 đã nuôi thử nghiệm cá lóc bông vụ đông trên diện tích 2-3 sào. Cá lóc bông được nuôi hoàn toàn trên bạt nhựa. Để bảo đảm thành công, 2 anh đã tìm hiểu rõ đặc tính sinh trưởng của loài cá lóc, mực nước để giữ ổn định nhiệt độ cho cá sinh trưởng và phát triển tốt. Đến thời điểm này, 2 anh đã nuôi và bán được 2 đợt cá lóc bông vụ đông. Hiện, các anh vừa thả 8.000 con giống, dự tính sau 5 tháng nuôi (khoảng đầu tháng 4-2011) đã có thể thu hoạch. Anh Thiêm cho biết: Để đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt các khâu phòng ngừa bệnh cá lúc mới thả bằng cách tắm cá qua nước thuốc xử lý để diệt các vi khuẩn gây bệnh; thức ăn bảo đảm dinh dưỡng theo từng độ tuổi và sức tăng trọng của cá, nhất là cá ở giai đoạn từ 2-3 tháng tuổi trở về sau. Khi chế biến thức ăn cho cá nên bổ sung cá biển, cua, ốc kết hợp thức ăn công nghiệp và cung cấp đủ số lượng thức ăn để trách tình trạng cá bị đói sẽ ăn cá nhỏ. Đồng thời, thường xuyên thay nước ao nuôi để hạn chế cá bị bệnh làm giảm năng suất khi thu hoạch./.
Hoàng Tuấn