Mô hình này đang được Hội LHPN huyện Ứng Hòa triển khai thí điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng tại các xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội).
Theo đó, Hội LHPN huyện Ứng Hòa sẽ triển khai thí điểm mô hình tại xã Liên Bạt và tháng 10/2023 tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Sau đó, Hội LHPN các xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và thị trấn căn cứ kế hoạch của Hội LHPN huyện lựa chọn thôn, khu và tổ chức thí điểm mô hình đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương. Và từ năm 2023-2026, Hội LHPN huyện sẽ triển khai nhân rộng mô hình tại 100% số xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và khu vực đô thị.
Theo kế hoạch của Hội LHPN huyện Ứng Hòa, chỉ tiêu thực hiện ở cấp huyện xây dựng được 01 xã thí điểm thực hiện mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, có từ 80% hộ gia đình đạt tiêu chí “5 có, 3 sạch”; mỗi xã, thị trấn lựa chọn 01 mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” làm thí điểm. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, giúp thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và thị trấn).
Đến năm 2026, 90% trở lên hội viên phụ nữ được tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng; 100% cán bộ Hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về thực hiện mô hình “5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2026, 100% xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thực hiện có hiệu quả mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”. Đến năm 2026, 90% số xã hoàn thành chỉ tiêu: 85% hộ đạt tiêu chí “3 sạch” và duy trì các năm tiếp theo vì chỉ tiêu đạt “3 sạch” thuộc tiêu chí 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, Hội LHPN huyện Ứng Hòa đã đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là:
Thứ nhất là tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng về thực hiện mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, trong đó tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua tờ rơi, panô, áp phích, bảng tin, hệ thống truyền thanh, lồng ghép các hoạt động trong hội nghị, sinh hoạt của Hội phụ nữ, các phòng, ban, đoàn thể. Tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ, nam giới và cộng đồng tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao đời sống nông thôn mới, kiểu mẫu tại địa phương. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn, tọa đàm, đưa vào sinh hoạt hội viên, qua trang Zalo, Facebook của Hội để tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ và cộng đồng kiến thức, kỹ năng về gia đình: có ngôi nhà an toàn, có kinh tế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ và sạch đồng ruộng tại địa phương.
Thứ hai là triển khai các giải pháp hỗ trợ các gia đình đạt 8 tiêu chí cuộc vận động, đó là cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tổ chức các hoạt động cụ thể theo 8 tiêu chí, lồng ghép các chương trình có liên quan để hỗ trợ các gia đình đạt các tiêu chí. Tổ chức cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đô thị văn minh; rà soát các hộ gia đình theo tiêu chí, đăng ký giúp đỡ những hộ gia đình chưa đạt 8 tiêu chí bằng các giải pháp cụ thể. Tổ chức đánh giá việc thực hiện mô hình đối với các gia đình trong sinh hoạt hội viên cuối năm. Đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp để thực hiện các mô hình, công trình, phần việc cụ thể gắn với thực hiện các tiêu chí “Gia đình 5 có, 3 sạch”, tiêu chí “Nông thôn mới nâng cao”, NTM kiểu mẫu; khuyến khích cách làm hay, sáng tạo, nội dung mới, thiết thực với hội viên phụ nữ.
Thứ ba là các bước thành lập mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”: Bước 1: Rà soát, đánh giá thực trạng, bàn giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình theo 8 tiêu chí thực hiện mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” phù hợp với tình hình thưc tế của địa phương. Bước 2: Tổ chức hội nghị triển khai thí điểm mô hình; tập huấn, truyền thông kiến thức về các tiêu chí “Gia đình 5 có, 3 sạch”, các nội dung cần thực hiện, các chỉ tiêu phấn đấu, biểu mẫu theo dõi. Bước 3: Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm và nhận diện mô hình. Biểu dương các tập thể, cá nhân và gia đình tiêu biểu trong thực hiện mô hình. Hàng năm sơ kết, đánh giá mô hình gắn với kết quả thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” lồng ghép trong báo cáo sơ, tổng kết công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Hiện tại, các cơ sở hội thực hiện mô hình đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nội dung “5 có, 3 sạch” gắn với nội dung vun đắp giá trị gia đình Việt Nam để các tiêu chí có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương,
Hội LHPN huyện Ứng Hòa yêu cầu việc thực hiện mô hình đảm bảo hiệu quả, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng tới đông đảo gia đình cán bộ hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương sớm hoàn thiện được mục tiêu chương trình xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới NTM kiểu mẫu đã đề ra.
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương