Từ năm học 2010-2011, huyện Thủy Nguyên xây dựng mô hình giáo dục “Ba tốt, ba không” trong trường THPT và TTGDTX. Đó là dạy tốt, học tốt, trường, lớp tốt và không tiêu cực, bệnh thành tích, không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội. Thực chất, đây là mô hình “Ba xây, ba chống” trong trường học, gói gọn hầu hết nội dung các cuộc vận động do Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động.
Thực trạng đáng báo động
Những năm gần đây, số học sinh THPT làm trái pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, từ năm 1986 đến nay, số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật tăng khoảng 10 lần. Đáng nói là, các em đều ở tuổi cắp sách đến trường, chưa có tiền án, tiền sự nhưng hành vi phạm tội có tính chất nghiêm trọng.
Một cảnh học sinh rượt đuổi đánh nhau trên quốc lộ 10 (đoạn qua xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo). Ảnh: Minh Trí |
Tại huyện Thủy Nguyên, tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tuy không nhiều, nhưng rất nguy hiểm ở mức độ vi phạm. Trưa ngày 25-2-2009, trước cổng một trường THPT thuộc huyện Thủy Nguyên, em Bùi Tiến Đ, học sinh lớp 10A4 đã dùng dao bấm đâm Lê Bá Ngọc D, bạn cùng lớp gây thương tích, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Trưa ngày 4-8-2009, 3 em Trần Thế T, Hoàng Phú Nam V, Vũ Xuân K, cùng lớp 12A1 một trường học khác trên địa bàn dùng kiếm, tuýp sắt đánh và hủy hoại chiếc xe đạp của em Phạm Hải N cùng lớp, khiến N phải đi cấp cứu.
Trước đó, tại một số trường THPT xảy ra tình trạng học sinh mắc tệ nạn cờ bạc, chơi lô đề, chơi game dẫn đến việc đánh người gây thương tích, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người khác. Đáng lo ngại là, một số học sinh nữ do mải chơi, lười học, ham lên mạng “chát chít” làm quen với những thanh niên xa lạ, bị bọn xấu lợi dụng lừa bán ra nước ngoài.
Bên cạnh một số vụ việc vi phạm pháp luật, một bộ phận học sinh THPT trên địa bàn chưa tuân thủ luật lệ giao thông, điều khiển xe máy khi chưa được phép, không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy kiểu đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thống kê của Công an huyện Thủy Nguyên, từ đầu năm 2009 đến nay, xảy ra gần 30 vụ học sinh vi phạm luật giao thông bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý.
An ninh, trật tự phải đặt lên hàng đầu
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Ích Mộc Trịnh Khắc Hậu, huyện Thủy Nguyên có 9 trường THPT và 1 TTGDTX với gần 15 nghìn học sinh, đông nhất thành phố. Do mặt trái cơ chế thị trường tác động, một số ít học sinh có thái độ, ý thức học tập, rèn luyện kém dẫn đến vi phạm nội quy trường học, mắc tệ nạn xã hội và làm trái pháp luật. Nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trường học, ngăn chặn tình trạng học sinh hư, làm trái pháp luật, khối các trường THPT và TTGDTX trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đi đầu xây dựng và ký cam kết thực hiện mô hình “Ba tốt, ba không” trong trường học. sau một năm thực hiện, hai ngành GD-ĐT và công an sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra một số địa phương trong thành phố.
Tuy nhiên, để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Triệu Phạm Trung Tặng cho rằng, thành phố và các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các điểm dịch vụ vui chơi, giải trí điện tử cạnh trường học. Có thể hạn chế ngành, nghề kinh doanh đối với các cơ sở dịch vụ gần trường học (ví dụ như dịch vụ cầm đồ, chơi game…). Ngành công an tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các tụ điểm tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, nhất là khu vực chung quanh trường học.
nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, trật tự trong trường học, Phó giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Vũ Văn Trà cho biết, không thể “dạy tốt, học tốt” nếu nhà trường không an toàn về con người, tài sản, thiết bị; học sinh của trường nay bị đánh, mai gây thương tích cho người khác. Việc các trường THPT tại Thủy Nguyên xây dựng mô hình bảo đảm an ninh, trật tự trong trường học là cách làm sáng tạo, phù hợp nội dung các cuộc vận động do Bộ GD-ĐT phát động, trong đó có cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Minh Khuê