Từ giữa thế kỷ 19, khi khai trương lần đầu ở London năm 1851, Đại Triển lãm công nghiệp của các quốc gia đã được định tính là một trong những cuộc trưng bày lớn nhất thế giới. Qua thời gian, World Expo vừa là bảo tàng nghệ thuật khổng lồ về những cảm hứng và ý tưởng của con người, đồng thời là địa bàn phô trương thành tựu kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hóa, sân chơi quan trọng thể hiện kinh nghiệm lịch sử cũng như chốn giao lưu để trao đổi những ý tưởng sáng tạo hướng tới tương lai.
Biểu tượng Mít đặc |
World Expo 2010 đã mở cửa ở Thượng Hải và tập trung vào chủ đề thành phố với phương châm "Better City - Better Life" (Đô thị tốt đẹp hơn - Cuộc sống tốt đẹp hơn).
Những em bé ở World Expo Thượng Hải
Một nhận xét trực quan là ở Triển lãm Thượng Hải World Expo 2010, có lẽ trong ý tưởng trình bày của Tây Ban Nha và Nga đã có nét gì đó gặp nhau. Trước gian trưng bày của Tây Ban Nha là mô hình cậu bé mũm mĩm khổng lồ mắt xanh và nụ cười hiền lành. Còn trong “Ngôi nhà Nga”, hình tượng trung tâm cũng là một cậu bé. Đó là nhân vật văn học thiếu nhi Nga nổi tiếng, cậu bé Neznaika với chiếc mũ rộng vành chóp nhọn bất ly thân. Neznaika đã được các nhà tổ chức gian trưng bày Nga chọn làm biểu tượng tại triển lãm thành tựu quốc gia ở World Expo 2010.
Trong tiếng Việt thì Neznaika chính là cậu bé Mít đặc.
Thông qua bản chuyển ngữ rất đạt, tác phẩm văn học thiếu nhi của Nikolai Nosov xoay quanh cuộc sống của cậu bé Neznaika và các bạn nhỏ Nga đã từ lâu trở nên quen thuộc và ưa thích với độc giả Việt Nam nhiều thế hệ. Thậm chí những cái tên như “Mít đặc” và “Biết tuốt” cũng dường như thành khái niệm mới trong ngôn ngữ đời sống Việt với sắc thái trẻ thơ ngộ nghĩnh đáng yêu pha chút châm biếm nhẹ nhàng.
Không rõ có phải nhà tổ chức của Nga tại World Expo 2010 cũng từng là một fan hâm mộ văn sĩ Nikolai Nosov hay chăng, nên đã chọn Neznaika-Mít đặc làm hình ảnh biểu tượng trong gian trưng bày Nga ở EXPO-2010 Thượng Hải.
Tuy nhiên ý tưởng thể hiện ở World Expo 2010 tiến trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao và cố gắng vươn tới đổi mới của nước Nga hiện đại phần nào đã bị sự lựa chọn không ổn về biểu tượng Neznaika làm lu mờ. Thậm chí tờ “Thời tin tức” nêu ý kiến từ dư luận Nga nhận xét rằng dường như ở đây “có trò đùa ác ý giáng một đòn vào thể diện đất nước”.
Thiếu sót về ngôn ngữ-văn hóa
Theo cách kiến giải của nhà tổ chức Nga, đề tài Triển lãm “Đô thị tốt đẹp hơn - Cuộc sống tốt đẹp hơn” cần hiểu theo câu nói của nhà văn Nikolai Nosov theo kiểu định nghĩa: “Thành phố tốt đẹp nhất chính là nơi tốt đẹp với các trẻ em”. Còn hình tượng Neznaika-Mít đặc ở EXPO-2010 được các đại diện Nga mô tả là đứa trẻ ham học hỏi. Tuân theo lô-gic như vậy, họ còn đặt cho Neznaika cái tên Trung Quốc là Văn-Văn (theo nghĩa gốc là Văn hóa).
Tuy nhiên ý tưởng chủ quan của nhà tổ chức Nga lại tỏ ra bị “vênh” với cách hiểu và tiếp nhận của khách thăm Triển lãm ở Trung Quốc. Sự thể là bởi hồi những năm 1990, trên báo và tạp chí địa phương đã đăng tải loạt tiểu phẩm hài, ở đó Neznaika là nhân vật chính, trả lời những câu hỏi khoa học khác nhau theo lối ngớ ngẩn gây cười. Khi đó, tiền thân của Văn-Văn hôm nay cũng có cái tên dịch từ Neznaika ra tiếng Trung Quốc là Tiểu Ngu Nhược hoặc Thiếu Ngu Ý, nghĩa là “Người nhỏ bé dốt nát”. Từ đó trở đi, liên tưởng như vậy về Neznaika gắn chặt trong nhận thức của cư dân Trung Quốc.
Được biết, các nhà báo sở tại đã thử tìm cách khéo léo mách bảo với ban phụ trách Khu trưng bày Nga về chi tiết tế nhị này trong phần giới thiệu nước Nga tại Triển lãm quốc tế. Không rõ vẫn là do “bất đồng ngôn ngữ” nên không hiểu hết những rắc rối về dịch thuật và khác biệt phong cách Đông-Tây, hay bởi nguyên nhân kỹ thuật-tổ chức nào đó, mà tuy vị đại diện có đôi chút đăm chiêu, nhưng gian trưng bày của Nga không có đổi thay gì lớn. Duy có cái tên Văn Văn được đổi thành Tri Tri, nhưng Neznaika vẫn đó, và cậu bé vui tươi đội chiếc mũ rộng vành vẫn đảm trách phần việc của một MC ảo, giới thiệu những thành tựu và triển vọng mọi mặt của nước Nga tại World Expo 2010.
Sự kiện thể hiện thái độ trọng thị đặc biệt của phía Trung Quốc tại Expo Thượng Hải là việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Khu trưng bày Nga trước tiên. Tuy nhiên, cánh nhà báo thuật lại rằng, khi nhìn thấy “Người nhỏ bé dốt nát” xuất hiện trên tất cả các màn hình giới thiệu bộ hiện vật Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra rất ngạc nhiên, còn vị cán bộ tháp tùng vội vàng giải thích rằng nhân vật Neznaika ở đây là Tri Tri, tượng trưng cho sự vươn tới “Tìm kiếm tri thức”.
Báo “Thời tin tức” viết rằng, có lẽ sự chờ đợi của người Trung Quốc về cuộc làm quen với nước Nga mới rộng lớn và hùng cường thông qua những gì trưng bày tại Triển lãm World Expo 2010, đã không được đáp ứng. Thay vì những chứng cứ thành quả của việc thực thi các kế hoạch ứng nghiệm công nghệ đổi mới đất nước, trong gian Triển lãm ở Thượng Hải trước các vị khách lại là “một bảo tàng kỹ thuật lai tạp với công viên giải trí của đô thị cỡ thường thường bậc trung đang cần đến nguồn kinh phí để hiện đại hóa. Thêm vào đó là hình ảnh “Người nhỏ bé dốt nát” với tư cách biểu tượng của nước Nga”, - báo Nga dẫn nhận xét của một chuyên viên Trung Quốc.
Nói chung lựa chọn ngôn từ cho thương hiệu nào đó bao giờ cũng là nhiệm vụ hệ trọng và đầy trách nhiệm, nhất là khi chinh phục thị trường với môi trường ngôn ngữ khác. Một sơ xuất tưởng nhỏ ở mặt này nhiều khi buộc phải gỡ lại bằng quảng cáo và PR với không ít tốn kém không lường trước. Thí dụ khá điển hình là việc hãng xe hơi Nhật Mitsubishi tung mác xe Pajero vào thị trường Tây ban Nha hồi giữa những năm 80. Các chuyên viên người Nhật vốn có tiếng thận trọng nhưng hẳn cũng không ngờ rằng trong tiếng lóng Tây Ban Nha thì Pajero có nghĩa là “chàng gay thụ động” (“bóng chìm”), và ngoài đường phố Mỹ Latinh đôi khi có thể bị giết vì câu rủa pajerito. Khi nhận thức được sai lầm đó, hãng Nhật đã buộc phải tái xác lập vị thế thương hiệu của mình ở Tây Ban Nha và châu lục Mỹ bằng mác xe mới Mitsubishi Montero.
Còn với người Nga thì thật ra câu chuyện với Neznaika ở Thượng Hải cũng không phải là sự cố đầu tiên phát sinh từ sự hiểu biết không đầy đủ của doanh nghiệp Nga khi tiếp xúc với những nền văn hóa khác. Năm 2009, tập đoàn “Gazprom” đã bị một cú thất thố không đáng có khi gọi tên xí nghiệp liên doanh mới Nga-Nigeria là Nigaz. Về hình thức thì đơn giản chỉ là sự ghép vần tên nước đối tác và tên hãng khí đốt của Nga, nhưng hóa ra nhiều người da đen nghe thấy ở tên gọi này lời ám chỉ có tính xúc phạm đến từ niggers, như trong khẩu ngữ bất lịch sự vẫn dùng ở đường phố Nga hiện nay khi nói về những người gốc Phi.
Còn trước đây, hãng ô tô VAZ hàng đầu của Nga cũng đã từng phải tìm tên gọi mới “Lada” cho loạt xe “Jiguli” xuất ra nước ngoài, bởi với người châu Âu mấy từ này liên tưởng đến từ gốc Italy “gigolo” (“trai bao”).
Cơ hội sửa chữa
Trường hợp “hớ” đáng tiếc với cậu bé Neznaika lẽ ra đã có thể tránh được, nếu khi chuẩn bị tham gia vào Triển lãm quốc tế, Ban tổ chức phía Nga tham khảo ý kiến các chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Đáng ngạc nhiên là những quan chức Nga được giao trọng trách giới thiệu đất nước ở World Expo 2010 đã không hề tư vấn với Viện Viễn Đông và Viện Phương Đông học – hai cơ sở khoa học chuyên ngành rất có uy tín thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga.
World Expo 2010 là hoạt động triển lãm quốc tế dài suốt sáu tháng, từ ngày 1 tháng 5 đến 31 tháng 10. Ngày quốc gia Nga tại Expo-2010 được ấn định vào 28 tháng 9. Theo dự kiến vào ngày này cả bộ đôi nổi tiếng của nước Nga là Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin đều sẽ đến dự Triển lãm. Một chi tiết ngẫu nhiên đáng chú ý nữa là 28 tháng 9 ở Trung Quốc cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 2561 sinh nhật của Khổng Tử - nhân vật lịch sử hiện thân của tri thức thông thái uyên bác Đông phương.
Dư luận Nga đang hy vọng rằng, từ nay đến lúc đó, chính quyền Nga sẽ kịp thời tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc học để sửa chữa sai sót đã phạm phải ở World Expo Thượng Hải và không để xảy ra sự cố mới do thiếu hiểu biết. Bởi, như báo “Thời tin tức” viết, “khi thay mặt Nga trong những hoạt động tầm thế giới, không một ai có quyền làm mất thể diện nước nhà”.
Theo Vietnamnet