Lâu không thấy Minh Vượng xuất hiện trên truyền hình, tưởng chị “lặn” đi đâu, hoá ra lui về “sân nhà” hoạt động. Trong buổi công chiếu vở “Ngàn năm tình sử” của Nhà hát kịch Hà Nội, quy tụ dàn “sao” tên tuổi, dù chỉ xuất hiện điểm xuyết trên sân khấu nhưng vai thái giám của Minh Vượng được khán giả cổ vũ nhiệt tình. Chẳng thấy chị trên ti-vi, tưởng chị “ở ẩn”? Tôi có diễn trên ti-vi mấy đâu, chủ yếu là diễn sân khấu. Ti- vi cứ mời những dạng vai mình đã làm rồi nên từ chối thôi. Cứ nhận mãi một dạng vai khán giả xem chán lại chửi cho. Đạo diễn bây giờ làm cuốn chiếu, người ta cứ thấy diễn viên nào làm quen dạng vai ấy thì giao cho. Mình phải biết nói lời “không” chứ! Hình như đây là lần đầu tiên Minh Vượng hoá thành thái giám? Đúng rồi. Lần đầu tiên đấy. Anh Giang (đạo diễn Doãn Hoàng Giang- PV) có ý tưởng bên cạnh một Lý Thường Kiệt đa mưu túc trí là một tổng thái giám coi cuộc đời nhẹ như lông hồng. Nhưng đó là bề ngoài thôi. Xem lớp cuối cùng sẽ thấy, thân phận con người sao lại khổ thế. Tôi muốn diễn tả cái nuốt tủi, cái thân phận nghèo hèn của nhân vật thái giám lặn vào bên trong dưới cái hình dạng cứ hềnh hệch ra. Nhân vật này trong kịch bản không có, đây là nhân vật “thêm nếm” của Doãn Hoàng Giang.
NSƯT Minh Vượng không còn ồn ào như trước |
Chị trăn trở với vai thái giám nhiều không? Khi anh Giang phân công cho tôi vai này tôi cũng rất lo vì lần đầu tiên trên sân khấu tôi đóng một vai nam. Lại nói về các vai hài, nếu mình cứ tưng tửng diễn thì mình sẽ phá các nhân vật xung quanh, nên tôi phải tiết chế ghê gớm. Bao nhiêu thời gian để chị tập vai diễn này? Ba tháng tám ngày. Chị có cảm nhận tình cảm của khán giả trong buổi diễn đầu tiên? Có. Tôi biết đoạn tôi ra điều cung nữ cho vua khán giả vỗ tay, khán giả công tâm và yêu mến với nghệ sỹ quá!Chị vừa nói, thường được đạo diễn truyền hình giao những vai na ná nên từ chối. Vậy chị đang mơ ước dạng vai nào? Trong thẳm sâu tôi vẫn thích chính kịch và bi kịch vì thân phận con người được diễn tả sâu sắc và nhiều mặt hơn, cung bậc đa dạng hơn. Nhưng thành công chủ yếu của chị vẫn là hài kịch? Hài kịch người ta cứ bảo dễ, nhưng theo tôi hài kịch hay chính kịch thì diễn viên đều phải lao tâm khổ tứ, cống hiến hết mình, để có được nước mắt, nụ cười khán giả. Cho nên tôi chẳng coi nhẹ, dù vai chính hay vai phụ, vai hài hay vai bi, tôi đều lao động nghệ thuật hết mình. Mỗi đêm tôi diễn một kiểu, ngay NSND Doãn Hoàng Giang, mỗi lần tôi tập ông ấy ngồi dưới lại bảo: Tiên sư nó, không biết hôm nay nó diễn cái gì? (cười) . Hôm nào tập tôi cũng phải lăn lộn một kiêủ, thể nghiệm một kiểu để sau bao nhiêu buổi tập chọn ra cái đúng nhất, chung nhất, cốt làm sao cho nhân vật hay nhất trong đêm diễn. Bây giờ không thấy cái tên Minh Vượng ồn ào như trước. Có bao giờ chị nói kiểu nhân vật thái giám: Xoẹt một cái qua thời Minh Vượng? Không. Tôi nghĩ thế này: thầy già, con hát trẻ. Bạn cứ nhìn những diễn viên trẻ trên sân khấu đi, đầy sức thanh xuân. Thí dụ, nhà hát tôi bây giờ chẳng tìm ra ai xứng với vai Thuận Khanh, người tình Lý Thường Kiệt, bằng Thu Hà “lá ngọc cành vàng”. Thế nên 40 tuổi mà Thu Hà vẫn đóng cung nữ 18, đôi mươi. Thôi thì khán giả yêu mến Thu Hà nên bỏ qua, bản thân hình vóc, tên tuổi của cô ấy cũng còn phù hợp trên sân khấu. Nhà hát tôi đang lo vài năm nữa lấy ai tiếp cận vị trí của Thu Hà hiện nay? Bản thân tôi, nói thật là cũng vang bóng một thời. Nhưng cứ ngược thời gian đi, chị Tuệ Minh, chị Trà Giang lớn tuổi cũng phải mai danh ẩn tích. Hay nói về làng hài như ông Trịnh Thịnh, Trần Tiến, cũng một thời thôi, rồi người khác phải lên chứ. Cho nên nghệ sỹ chúng tôi nêu cao tinh thần học hỏi và nhường sân cho các em trẻ cũng không sao. Ai có tài năng, khẳng định được tài năng xin nhường bước. Còn tôi, tôi nghĩ mình không cứ lúc nào cũng phải ồn ào như xưa, nói như anh Phạm Bằng là “gừng càng già, càng cay”. Ngắm chị diễn trên sân khấu thấy là lạ? Khi tôi diễn tôi hay độn người. Gặp ở ngoài, nhiều người ngạc nhiên: Sao trông khác thế. Ngoài đời tôi không độn gì nên thành thử thanh thoát hơn (Cười lớn).
Theo Tiền phong